Lợi trước mắt nhưng lo nhiều
Khi được hỏi về việc đồng USD ngày càng tăng giá, ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Gia Định, cho rằng đối với những DN xuất khẩu lớn như giày Gia Định sẽ được hưởng lợi, sẽ có thêm nguồn thu để giảm áp lực chi phí đầu vào không ngừng tăng cao thời gian qua.
Ông Trung dẫn chứng con số, trước đây tỷ giá giao dịch khoảng 22.600VNĐ/USD, khi DN xuất khẩu 1 triệu USD sẽ thu về khoảng 22,6 tỷ đồng. Nay nếu tỷ giá neo ở mức 23.900VNĐ/USD, con số thu về khoảng 23,9 tỷ đồng. Đúng là cái lợi trước mắt đã được nhìn thấy.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM, về nguyên tắc chung khi đồng USD tăng giá sẽ thuận lợi cho các DN xuất khẩu, trong đó có DN xuất khẩu dệt may. Song lúc này điều DN quan tâm không phải hưởng lợi như thế nào từ tỷ giá mà thị trường đang không ổn định, nhu cầu tiêu thụ mặt hàng dệt may trên thế giới đang có dấu hiệu giảm do lo ngại lạm phát ở nhiều quốc gia.
DN Việt và đối tác đang phải ngồi lại tính toán để giữ ổn định thị trường và không ai bị thiệt hại quá nhiều. “Áp lực với ngành dệt may sẽ rõ ràng hơn khi bước vào quý IV” - ông Hồng nhận định.
Cùng đánh giá về lợi và bất lợi của thị trường khi đồng USD ngày càng tăng giá, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng việc hưởng lợi với DN xuất khẩu là có, nhưng nhu cầu tiêu thụ thủy sản tại nhiều thị trường sẽ giảm. Đơn cử, nhu cầu của thị trường Nhật Bản (một trong những thị trường lớn của thủy sản Việt Nam) sẽ giảm khi đồng yên Nhật đang mất giá quá nhiều so với USD.
Tương tự, khi đồng EUR giảm giá so với USD, dù các DN Việt không bị ảnh hưởng do hầu hết giao dịch xuất nhập khẩu bằng USD, nhưng lợi nhuận của nhà mua hàng giảm nên họ có thể giảm cầu với nhà xuất khẩu Việt Nam. Chưa hết, khi đồng nội tệ yếu đi, hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn, người tiêu dùng châu Âu sẽ cân nhắc chi tiêu, lựa chọn những mặt hàng thiết yếu có giá hợp túi tiền, điều này làm giảm sức cầu. Và đây là điều DN lo nhất.
Thực tế còn có mối lo khác, khi đồng USD tăng giá cũng có nghĩa chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu sẽ tăng theo. Rất nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam phải nhập khẩu nguyên vật liệu từ nước ngoài, trong khi giá nhiều loại nguyên vật liệu đang không ngừng tăng cao.
Như vậy, việc hưởng lợi chưa hẳn dành cho tất cả DN xuất khẩu. “Xuất khẩu hiện nay cực kỳ áp lực, không đơn thuần là hưởng lợi khi đồng USD tăng giá. Để giữ chuỗi cung ứng ổn định DN buộc phải giảm lợi nhuận, áp lực cho những tháng cuối năm đang lớn dần” - ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc Công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn Cầu, chia sẻ.
Áp lực về đích
Thông thường những tháng cuối năm luôn là thời điểm các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam phải tăng tốc để đáp ứng nhu cầu của các mùa lễ hội lớn trong năm tại nhiều thị trường như Mỹ, châu Âu…
Như đã phân tích những tháng cuối năm nay, nhiều ngành hàng có thể phải đối mặt với việc sụt giảm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu. Xuất khẩu tôm đang trở thành một trong những điểm đáng lo ngại của thủy sản, khi tháng 6 vừa qua ghi nhận tăng trưởng âm.
5 tháng trước đó ngành tôm luôn có mức tăng trưởng xuất khẩu 2 con số. Theo đánh giá của VASEP, một trong những nguyên nhân dẫn tới việc giảm tốc của con tôm do nhu cầu của các thị trường như Mỹ, EU sụt giảm. Riêng thị trường Mỹ sau 5 tháng tăng trưởng tốt, nhu cầu bắt đầu chững lại và sụt giảm trong tháng 6.
Theo đó xuất khẩu tôm sang thị trường này chỉ đạt 93 triệu USD, giảm 36% so với cùng kỳ.
Ông Trương Đình Hòe đánh giá, dù 6 tháng đầu năm toàn ngành đã mang về gần 6 tỷ USD, nhưng trong 6 tháng cuối năm để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD của năm 2022 không đơn giản, ngay cả khi thủy sản là ngành thiết yếu.
Lý do lạm phát tăng cao ở nhiều quốc gia, người tiêu dùng sẽ vẫn phải chọn thực phẩm nhưng lựa chọn của họ sẽ là những thực phẩm có giá rẻ hơn. Ngành hàng thiết yếu như thủy sản không đứng ngoài lo ngại giảm cầu, nên những ngành hàng xuất khẩu khác như gỗ cũng đang gánh nhiều áp lực trong những tháng cuối năm.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ trong tháng 6 năm nay giảm 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ trong tháng 6 ước tính đạt 1,03 tỷ USD, giảm 18,1% so với tháng 6-2021. Mặc dù tính chung 6 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 2,8% so với cùng kỳ 2021, nhưng riêng xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 6,14 tỷ USD, giảm 4,6% so với cùng kỳ 2021.
Chưa hết, nếu nhìn về thị trường, xuất khẩu sang Mỹ - thị trường lớn của ngành gỗ - lại giảm. Nhận định nhận được nhiều sự đồng tình của các DN xuất khẩu gỗ chính là nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng không thiết yếu của người tiêu dùng nhiều quốc gia đang giảm do lo ngại lạm phát.
Một số DN trong ngành còn đứng trước thách thức thiếu đơn hàng trong những tháng cuối năm. Việc ngành gỗ có thể về đích như mục tiêu ban đầu hay không vẫn còn cần thời gian. Bởi lẽ, mọi biến động các DN cũng không thể lường trước hết được, trong khi áp lực ngày càng lớn là điều không thể phủ nhận.
Tương tự xuất khẩu gỗ, ngành dệt may cũng đứng trước nỗi lo lạm phát tăng cao, nhu cầu mua sắm mặt hàng thời trang giảm tại các thị trường như Mỹ, EU. Áp lực trong quý IV năm nay cũng như những tháng đầu năm 2023 là điều nhiều DN đang phải tính tới.
Với ngành may áp lực không chỉ đến từ việc giảm cầu, còn đến từ việc giá nguyên phụ liệu không ngừng tăng cao làm chi phí của DN tăng khoảng 20-25%. Nói về mục tiêu xuất khẩu 42-43 tỷ USD của toàn ngành trong năm nay, một số DN cho rằng mục tiêu là để phấn đấu, còn có đạt được hay không tùy thuộc vào tình hình biến động trên thế giới.
Việc USD tăng giá cao đang giúp DN xuất khẩu Việt hưởng lợi về giá trị hàng hóa, nhưng gián tiếp gây tác động xấu đến kinh tế toàn cầu, khiến nhiều đồng tiền khác phá giá và đó là mối nguy hại tiềm ẩn. |