Từ kỳ vọng kinh tế thế giới hồi phục
Dù vẫn còn nhiều yếu tố gây bất ổn và khó dự báo, hầu hết tổ chức nghiên cứu hàng đầu thế giới đều cho rằng nền kinh tế thế giới sẽ phục hồi trong năm 2021 sau khi vaccine được sản xuất thương mại và tung ra thị trường.
Theo Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF), kinh tế toàn cầu được kỳ vọng đạt tăng trưởng 5,2% trong năm 2021. Trung Quốc là trụ cột chính khi IMF dự phóng nước này đạt tăng trưởng 8,2%, trong khi Mỹ có thể đạt mức tăng trưởng 3,1%. Đối với châu Âu có thể hồi phục 5,2% so với mức âm 8,2% năm 2020.
Hiện các nhà hoạch định chính sách toàn cầu đã có các đối sách nhanh chóng và toàn diện nhằm ngăn chặn kinh tế thế giới suy thoái sâu hơn, giúp xây dựng nền tảng cho việc phục hồi trong tương lai. Theo IMF, tổng quy mô các gói hỗ trợ tài khóa chưa có tiền lệ lên mức 11.700 tỷ USD (tính đến ngày 11-9-2020), chiếm 12% GDP toàn cầu.
Các chính sách tài khóa tập trung giảm thiểu tác động tiêu cực của Covid-19 tới mức sống, việc làm và các hoạt động kinh tế của người dân. Một nửa các hoạt động này tập trung hỗ trợ thanh khoản của các hộ gia đình và doanh nghiệp, bằng cách cung cấp các khoản vay, bảo lãnh và bơm vốn vào nền kinh tế thông qua khu vực công. Nửa còn lại bao gồm tăng các khoản chi tiêu bổ sung và giảm các khoản đóng góp vào ngân sách nhà nước, bao gồm việc giảm thuế tạm thời.
Vẫn biết việc mở rộng tài khóa sẽ tăng sức ép lên nợ công, song các chính sách kích thích tài khóa vẫn sẽ tiếp tục được thực thi trên toàn cầu, ít nhất tới cuối năm 2021 để giúp vực dậy nền kinh tế khỏi suy thoái. Nhằm kết hợp với chính sách tài khóa, các ngân hàng trung ương (NHTW) cũng triển khai các chính sách nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ để thúc đẩy tăng trưởng.
Các NHTW đã liên tục cắt giảm lãi suất điều hành nhằm hạ mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường, triển khai các gói nới lỏng định lượng hỗ trợ thanh khoản thị trường, cũng như ổn định thị trường tài chính. Mặt bằng lãi suất giảm và các điều kiện tài chính nới lỏng hơn đã giúp các chính phủ dễ dàng huy động vốn để bù đắp thâm hụt ngân sách trong giai đoạn 2020-2021.
Bên cạnh đó, cuộc chạy đua phát triển vaccine đang có những kết quả tương đối tích cực. Cuối năm ngoái, Pfizer và BioNTech SE thông báo vaccine mRNA của công ty đã có tỷ lệ hiệu quả đạt trên 90%, tăng lên 95% trong báo cáo phân tích sau đó vào ngày 18-11-2020. Pfizer là nhà phát triển đầu tiên trong cuộc đua vaccine đưa ra kết quả về mức độ hiệu quả của vaccine.
Tiếp bước Pfizer, Moderna và Viện nghiên cứu Gamaleya thông báo kết quả thử nghiệm vaccine lần lượt đạt 92% và 94,5%. 2 công ty Pfizer và Moderna dự kiến sản xuất 2,3 tỷ liều vaccine tính tới cuối năm 2021. Trong khi đó, ở Nga, Gamaleya dự báo sản xuất 500 triệu liều vaccine Sputnik V trong năm 2021. Nếu ước tính 1 người cần 2 liều vaccine, tới cuối năm 2021, 1,4 tỷ người sẽ được bảo vệ khỏi Covid-19 nhờ vaccine của Pfizer, Moderna và Gamaleya.
Tiêm chủng là yếu tố quan trọng để mở ra cơ hội vực dậy nền kinh tế toàn cầu trong năm 2021. Với việc vaccine dần đến được người dân, kinh tế toàn cầu sẽ tiến vào trạng thái bình thường mới, lộ trình mở cửa lại các nền kinh tế sẽ được đẩy nhanh, đồng thời các chuyến bay thương mại quốc tế và hoạt động đầu tư giữa các nước sẽ dần phục hồi.
Đến thị trường trong nước
Đến thị trường trong nước
Tính đến thời điểm hiện tại, TTCK đã tăng trưởng vượt qua mọi dự báo của giới chuyên gia cũng như sự kỳ vọng của nhà đầu tư, thị giá của hầu hết cổ phiếu đều đạt mức đỉnh của năm. |
Tuy nhiên, ngành dịch vụ được cho sẽ phục hồi mạnh mẽ khi được thúc đẩy bởi sự phục hồi của tiêu dùng nội địa. Theo dự báo của SSI, tiêu dùng sẽ phục hồi về lại mức trước đại dịch, với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong năm 2021 tăng 8,5-9% so với cùng kỳ 2020.
Có 5 yếu tố giúp ngành dịch vụ và tiêu dùng lấy lại đà tăng trưởng: (1) tăng trưởng thu nhập người dân cao hơn trong năm 2021 nhờ cải thiện tăng trưởng GDP danh nghĩa và áp lực lạm phát thấp; (2) niềm tin người tiêu dùng cao có thể thúc đẩy sự phục hồi chi tiêu sau khi kinh tế tăng trưởng trở lại;
(3) ngành du lịch quay lại đà tăng trưởng sau khi các đường bay quốc tế được cấp phép khai thác với mục đích thương mại kể từ quý II-2021, từ đó dẫn tới sự phục hồi của các mảng du lịch, lưu trú và dịch vụ ăn uống; (4) dân số trẻ chiếm tỷ trọng lớn với hiểu biết tốt hơn về công nghệ; (5) đô thị hóa gia tăng sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng ở các trung tâm đô thị lớn.
Ngoài ra, lĩnh vực chế biến chế tạo cũng cho thấy sự phục hồi đáng kể ở hầu hết ngành trong quý III-2020 nhờ dịch Covid-19 được kiểm soát và Chính phủ đẩy mạnh các chính sách thúc đẩy nền kinh tế. Cụ thể, ngành ô tô đã phục hồi sau khi chạm đáy và tăng trưởng tích cực trong tháng 9-2020 (+3,8% so với cùng kỳ) nhờ giảm thuế trước bạ xuống 50%.
Năm 2021, lĩnh vực chế biến chế tạo được dự báo tăng trưởng 10,9% so với cùng kỳ 2020, sẽ trở thành động lực chính cho tăng trưởng GDP. Sự mở cửa trở lại của các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản có thể thúc đẩy nhu cầu đối với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt các sản phẩm chủ lực máy tính, điện thoại di động, máy và thiết bị, hàng dệt và may mặc.
Nhóm cổ phiếu các ngành được đánh giá hưởng lợi trong năm nay gồm bán lẻ, thủy sản (được thúc đẩy bởi sự gia tăng nhu cầu từ thị trường bên ngoài và tiêu dùng nội địa phục hồi); xây dựng và vật liệu xây dựng (động lực từ phát triển cơ sở hạ tầng và đầu tư công); bất động sản khu công nghiệp, hàng hóa và dịch vụ công nghiệp (động lực từ tăng trưởng nhóm ngành chế biến và chế tạo), bất động sản nhà ở; ngân hàng và chứng khoán (động lực từ lãi suất cố định ở mức thấp).