Không phù hợp với nền kinh tế
Thứ nhất, để lãi suất hạ xuống bằng 0%/năm, rủi ro cho người gửi tiền cũng phải hạ xuống bằng 0. Trong khi đó, chỉ có trái phiếu chính phủ (TPCP) có độ rủi ro bằng 0, còn tất cả thành phần kinh tế khác (bao gồm cả NH) đều có độ rủi ro cao hơn độ rủi ro của Chính phủ.
Nên nhớ dù độ rủi ro bằng 0 nhưng Chính phủ phải trả một mức lãi suất cho TPCP, thì cớ sao các thành phần kinh tế có rủi ro cao hơn Chính phủ được trả lãi suất bằng 0 cho khách hàng. Đây là điều nghịch lý.
Đối với nhà đầu tư nước ngoài, xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam không thuộc mức đầu tư. Chính vì thế, khi đầu tư vào các sản phẩm tài chính ở Việt Nam, họ đòi hỏi có lãi suất hợp lý để bù trừ rủi ro phải gánh chịu khi mua các sản phẩm tài chính của Việt Nam, trong đó có cả TPCP lẫn chứng khoán của các thành phần kinh tế phát hành trong nước và trên thế giới.
Vậy nếu đưa lãi suất tiền gửi VNĐ về bằng 0%/năm, trong khi NH không thể có mức rủi ro tốt hơn Chính phủ, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không chấp nhận.
Thứ hai, căn cứ trên vấn đề lạm phát. Thông thường NH trả lãi suất cho khách hàng gửi tiền có biên độ khoảng 2% trên tỷ lệ lạm phát. Nếu lạm phát của Việt Nam tại thời điểm này 3,5%, cộng thêm 2%, lãi suất khoảng 5-6%/năm.
Còn nếu lạm phát 3,5%, nhưng trả lãi suất bằng 0%, tức người gửi tiền sẽ chịu lãi suất thực âm 3,5%. Điều này chưa bao giờ xảy ra và có lẽ sẽ không xảy ra ở Việt Nam trong vòng ít nhất 10 năm tới.
Thứ ba, so sánh trong khu vực Đông Nam Á, ngoài Lào, Campuchia, Myanmar có xếp hạng tín nhiệm tương tự Việt Nam, các nước Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines có điểm xếp hạng tín nhiệm cao hơn Việt Nam.
Vì thế, các nước này có thể trả mức lãi suất thấp nhưng cũng không thể bằng 0%/năm. Do đó, Việt Nam cũng không thể vượt qua các quốc gia xếp hạng tín nhiệm cao hơn để có lãi suất bằng 0%/năm.
Thứ tư, thị trường tài chính hiện nay ngoài kênh đầu tư chính thống như tài chính, chứng khoán, bất động sản, vàng, tiền gửi NH cho đến ngoại tệ, còn có nhiều kênh đầu tư như các sàn giao dịch ảo, đa cấp, forex.
Thời điểm hiện tại, nhà đầu tư và người dân đổ tiền vào chứng khoán và bất động sản. Nếu NH trả lãi suất bằng 0%/năm, có thể người ta sẽ rút tiền ra đổ tiếp vào 2 kênh này, hoặc vào vàng, từ đó tạo ra rủi ro về bong bóng tài sản.
Lãi suất 0% không phù hợp với nền kinh tế Việt Nam. Ảnh: VIẾT CHUNG
Rủi ro cho nền kinh tế
VAFI cho rằng việc giảm lãi suất điều hành của NHNN vừa qua có mặt tích cực là tiền chảy vào chứng khoán hỗ trợ NH và DN, nhưng tôi không nghĩ như vậy. Vì dòng tiền đổ vào TTCK trên thị trường thứ cấp, không ở thị trường sơ cấp, không đi vào sản xuất kinh doanh. VN Index tăng mạnh do nhà đầu tư mua bán chuyển nhượng cổ phần, cổ phiếu, chứng khoán, từ đó đẩy giá lên.
Người hưởng lợi không phải là người sản xuất kinh doanh hay nhà phát hành mà là nhà đầu cơ.
Chính phủ đã tìm cách hạ lãi suất để hỗ trợ DN nhưng vẫn có những hiện tượng tiêu cực như vậy. Nay nếu lãi suất tiền gửi VNĐ tại các NH về 0%, tiền sẽ ào ạt chạy ra khỏi NH vào thị trường tài chính chính thức và phi chính thức, rất nhanh sẽ tạo ra bong bóng tài sản.
Như vậy chỉ làm tăng tốc độ rủi ro của nền kinh tế. Do đó, đề nghị của VAFI đưa lãi suất về 0% sẽ tạo ra hiệu ứng là thị trường của các nhà đầu cơ rất sôi động, trong khi mục đích của VAFI mong muốn hỗ trợ vốn giá rẻ cho DN, có lẽ DN không hưởng được.
Năm 2010, Luật Các Tổ chức tín dụng (TCTD) được ban hành, năm 2017 có Luật Các TCTD sửa đổi, bổ sung có thêm chương về phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt. Tại thời điểm này, chưa có NH phá sản nhưng trong những năm tới không loại trừ khả năng có NH bị tuyên bố phá sản.
Rõ ràng, chúng ta thấy rủi ro của hệ thống NH cao. Hiện NH 0 đồng là những nhà băng hoạt động không hiệu quả, bên cạnh đó có những NH yếu kém được kiểm soát đặc biệt. Bây giờ kéo lãi suất xuống 0%/năm sẽ tạo ra sự hỗn loạn trên thị trường tiền tệ, không giúp các NH, đặc biệt những NH yếu kém dễ bị tổn thương và đi đến phá sản.
Đó chỉ là vài điểm chính cho thấy việc đưa lãi suất huy động VNĐ về mức 0% là bất khả thi và không phù hợp.
Mong muốn VAFI sẽ tác dụng ngược
Mong muốn VAFI sẽ tác dụng ngược
Xét trên những luận điểm về “nền kinh tế Việt Nam đã có những tiền đề vững chắc như các nước trong khu vực để có thể thực hiện đưa dần lãi suất tiền gửi về mức 0%/năm” do VAFI đề xuất, cần nhấn mạnh rằng tăng trưởng kinh tế (GDP) của Việt Nam năm 2020 giảm còn 2,91%.
Trong quý I-2021, GDP đã tăng lên 4,48% nhưng chưa lường được diễn biến tiếp theo trong đại dịch thế nào. Covid-19 đang tác động đến mọi ngành nghề từ nông nghiệp đến du lịch, giao thông vận tải, bán lẻ, công nghiệp…
Khi nền kinh tế có tăng trưởng nhưng không bền vững, vội vàng đưa lãi suất bằng 0%/năm sẽ không phù hợp với khả năng của nền kinh tế cũng như khả năng phát triển.
VAFI mới đây đưa ra những phân tích và biện luận cho đề xuất giảm lãi suất tiền gửi VNĐ xuống 0%/năm, nhấn mạnh rằng đã thành công trong việc đề xuất lãi suất 0%/năm cho tiền gửi USD trước đây.
Và VAFI cũng nêu rõ lãi suất 0% chỉ có thể thực hiện dưới 5 điều kiện và phải qua lộ trình 2 năm, không thể áp dụng ngay được. Nhưng ngay cả những điều kiện và lộ trình VAFI đề ra, việc giảm lãi suất về 0% khó có thể thực hiện được.
Bởi lẽ, trong 2 năm nữa lợi suất của TPCP cho kỳ hạn ngắn hạn dự kiến vẫn còn ở mức trên 1%. TPCP có rủi ro bằng 0%, trong khi đó tiền gửi NH có độ rủi ro cao hơn TPCP, có nghĩa thị trường khó chấp nhận tiền gửi NH có lãi suất 0%/năm.
TS. TRẦN HÙNG SƠN, Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TPHCM
Về mặt lý luận, lãi suất của bất kỳ một tài sản nào sẽ bao gồm: lãi suất thực phi rủi ro (tài sản được xem là không có rủi ro như trái phiếu chính phủ); lạm phát kỳ vọng; phần bù rủi ro phá sản; phần bù rủi ro thanh khoản và phần bù rủi ro kỳ hạn. Ngoài ra, mức lãi suất còn phụ thuộc vào một số yếu tố kinh tế vĩ mô như chính sách tiền tệ của NHTW; thâm hụt hay thặng dư ngân sách của chính phủ; các yếu tố quốc tế (chẳng hạn lãi suất trên thị trường quốc tế, tỷ giá…); và mức giá/lợi tức từ các tài sản khác.
Như vậy đề xuất đưa lãi suất tiền gửi về mức 0% để hướng dòng tiền nhàn rỗi chảy vào thị trường trái phiếu với lãi suất thấp (dưới 2%) là thiếu cơ sở khoa học khi chưa tính đến các yếu tố ảnh hưởng đến mức lãi suất. Chẳng hạn, các mức bù rủi ro (phá sản, thanh khoản, kỳ hạn) của trái phiếu chưa được tính đến, lợi nhuận của các tài sản khác (đủ hấp dẫn nhà đầu tư bỏ tiền thay vì đầu tư trái phiếu với lãi suất 2%), lạm phát kỳ vọng của Việt Nam có lẽ sẽ không thấp hơn mức 2%, chưa kể các chính sách khác ở trong nước, cũng như ảnh hưởng của các yếu tố trên thị trường quốc tế.
Yên Lam (ghi)