Liệu Biden-Truss có trở thành Reagan-Thatcher thứ hai?

(ĐTTCO) - Trong bài viết hồi tháng 8, tờ Al Jazeera đã mô tả bà Liz Truss là người rất sùng mộ nữ Thủ tướng đầu tiên của Anh - Margaret Thatcher. Sau khi đắc cử Thủ tướng, bà Truss tuyên bố sẽ “sát cánh cùng Mỹ” để chống lại Nga.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Liz Truss.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Liz Truss.

 Nhiều người đặt câu hỏi liệu điều này có là dấu hiệu trở lại của “cặp bài trùng” London-Washington như dưới thời Thatcher và Reagan của Mỹ?

Một “Thatcher” khác?
Là người phụ nữ thứ 3 của Đảng Bảo thủ trở thành chủ nhân ngôi nhà số 10 Phố Downing, nhưng phong cách và quan điểm của bà Truss lại khiến nhiều người nhớ về dấu ấn của người phụ nữ thứ nhất - “bà đầm thép” Margaret Thatcher, cầm quyền từ 1979 đến 1990.
Cả 2 đều có quan điểm tự do về kinh tế và cố gắng thu hẹp bộ máy Chính phủ, cũng như cách can thiệp vào thị trường. Bên cạnh đó là quan điểm tích cực giảm thuế để thúc đẩy tăng trưởng, thông qua kích thích các doanh nghiệp tạo ra nhiều việc làm hơn nhằm giảm thất nghiệp.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại việc cắt giảm thuế có thể làm lạm phát thêm trầm trọng và tăng sức ép lên lãi suất, sẽ khiến hiệu quả kinh tế đạt được khá khiêm tốn. Để đối phó vấn đề này, bà Truss đã cam kết  gói trợ cấp chi phí năng lượng cho người dân để “tấn công” vào gốc rễ của lạm phát.
Điều này khá khác biệt với bà Thatcher, khi mục tiêu hàng đầu của bà cách đây hơn 40 năm là thắt chặt tài khóa và chấp nhận chịu đau với “liều thuốc đắng” lãi suất cao.
So với thời bà Thatcher, bà Truss hiện đang đối mặt với những thách thức khác biệt hơn. Không chỉ kinh tế và năng lượng, vấn đề cải thiện hệ thống y tế cũng là đối tượng được lưu tâm. Đặc biệt, sau cơn bão Covid-19, khủng hoảng thiếu nhân viên y tế khiến nhiều bệnh nhân không thể khám chữa bệnh.
Nhưng điều gợi nhớ nhất về “bà đầm thép” Truss là tầm nhìn đối ngoại. So với Boris Johnson (Thủ tướng vừa từ chức), bà Truss cũng là người chống Nga, nhưng thay vì làm điều đó khá đơn độc, bà chọn cách “hợp tác chặt chẽ” hơn với Mỹ, giống như bà Thatcher đã từng sát cánh với Ronald Reagan những năm 80 thế kỷ trước.
Liệu Biden-Truss có trở thành Reagan-Thatcher thứ hai? ảnh 1 Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Liz Truss.
Cả bà Thatcher và ông Reagan đều là những người bảo thủ. “Bà đầm thép” có chính sách “chính phủ nhỏ”, còn ông Reagan có chính sách kinh tế trọng cung. Nếu bà Thatcher e ngại Liên Xô vì tiềm năng kinh tế, Reagan không ưa Moscow vì vấn đề ý thức hệ. Từ những điểm tương đồng đó cả 2 đã tạo được tình bạn thân thiết, kéo theo 2 Chính phủ xích lại gần nhau hơn lúc nào hết, kể từ sau khủng hoảng kênh đào Suez năm 1956. 
Không chỉ Nga, bà Truss còn nhắm vào ảnh hưởng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Giống như Thatcher, bà Truss tái xác nhận vai trò “lãnh đạo thế giới tự do” của Mỹ để thúc giục Washington dẫn dắt các nỗ lực kiềm chế 2 quốc gia này, thông qua NATO hay khuôn khổ an ninh Mỹ - Anh - Australia.
Tuy nhiên, có điều khác biệt giữa 2 thời đại Truss và Thatcher, đó là nước Anh đã “đổi chủ”. Nếu cố Nữ hoàng Elizabeth II luôn là người đứng ngoài chính trị, thì hiện nay thay thế là Vua Charles III lại là người thẳng thắn hơn. Khi còn là Thái tử, ông đã gửi 27 bức thư đến các bộ trưởng để bày tỏ quan điểm chính trị, khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu giờ đây ông sẽ phớt lờ các vấn đề lớn như thông lệ hay vẫn âm thầm vận động nơi hậu trường, đặc biệt khi căng thẳng với Nga đang gây nhiều áp lực cho cuộc sống của người dân Anh.

Khó có “Reagan” thứ 2
Trong khi bà Truss tỏ ra quyết liệt và cố noi theo cá tính mạnh mẽ của người tiền nhiệm Thatcher, dù từ chối mình là “một Thatcher khác”, thì ông Biden lại có nhiều quan điểm khác cựu Tổng thống Reagan. Cách đây không lâu, ông Biden đã trả lời các phóng viên tại Nhà Trắng rằng không nên xem Nga là quốc gia tài trợ khủng bố, trái ngược với khẩu khí gay gắt của Reagan thế kỷ trước, khi gọi Liên Xô là “đế chế độc ác”.
Lúc còn tại nhiệm, cùng với sự cộng tác đắc lực của bà Thatcher, Tổng thống Reagan khi đó đã sử dụng 3 loại “vũ khí” hữu hiệu để chống Moscow, điều Tổng thống Biden đang không làm được: giá dầu, Trung Quốc và ông chủ điện Kremlin.
Giữa thập niên 1980, nền kinh tế Liên Xô bộc lộ những điểm yếu then chốt sau thời gian dài “ngủ quên” trên “chiếc nệm” giá dầu cao. Sự phụ thuộc vào xuất khẩu dầu của nước này trở thành điểm yếu đầu tiên để Washington tấn công. Reagan khi đó đã thuyết phục Saudi Arabia tung dầu giá rẻ, kéo giá dầu từ mức 27USD xuống 10USD/thùng vào đầu năm 1986.
Còn ông Biden, trong chuyến công du đầu tháng 8 đến Saudia Arabia với mục tiêu tương tự, chỉ mang về được cho thị trường 100.000 thùng dầu/ngày so với nhu cầu 100 triệu thùng của thế giới. Để bù đắp, Nhà Trắng đang cố kêu gọi nhiều nước tham gia nỗ lực áp trần giá dầu Nga. Nhưng canh bạc này khá mong manh, khi nhiều nền kinh tế đang hưởng lợi nhờ giá dầu rẻ của Nga nên không sẵn sàng nhập cuộc.
Biden cũng không có được một ekip biết “nhìn xa trông rộng” và đủ sức thuyết phục như Reagan từng có, nhưng mỗi tầm nhìn mỗi khác. Chẳng hạn khi vừa đắc cử, Reagan cũng có ý định nối lại quan hệ với Đài Loan, nhưng ekip của ông đã giúp ông nhận ra việc này tệ thế nào. Cuối cùng, căng thẳng khép lại bằng thông cáo Thượng Hải II năm 1982 mở ra thời kỳ êm thấm nhất trong quan hệ Mỹ - Trung. Reagan đã thành công kéo được Bắc Kinh về phía mình, hoặc chí ít giữ được nước này phớt lờ nỗ lực chống Liên Xô của ông.
Trong khi đó, ông Biden đã không tỏ ra tích cực để ngăn Chủ tịch Hạ viện Pelosi thăm Đài Loàn hồi tháng trước. Kết cục càng khiến liên minh Trung - Nga thêm bền chặt. 
Sự thành công của Reagan còn nhờ vào việc ông đã truyền bá được các “giá trị Mỹ” vào điện Kremlin thông qua Gorbachev, người mà bà Thatcher nhận xét là “có thể làm việc được”, và rồi từ đó lan tỏa ra khắp Liên Xô. Sự mới mẻ nhưng cả tin của Gorbachev trái ngược với tính kiên định và khó đoán của Putin ngày nay. Có lẽ sự chân thành là cánh cửa duy nhất để có thể nói chuyện với Tổng thống Nga, nhưng dường như Washington lại không có nó.
Với những gì đang diễn ra, việc Biden - Truss có trở thành một Reagan - Thatcher khác hay không, chỉ có thể chờ xem thái độ của Washington với lời đề nghị “hợp tác mạnh mẽ” của London đến đâu. Nhưng có điều khá chắc chắn rằng, Anh - Mỹ đã không còn ở thế thượng phong như trước, và dù có muốn chống ai, họ cũng sẽ kín đáo hơn chứ không “đao to búa lớn” được nữa. 

Các tin khác