Nhiều bộ ngành báo cáo đã cắt giảm 30% - 50% quy định, thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Thế nhưng, thực tế không phải như vậy.
Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương), cho biết cùng một quy định nhưng mỗi nơi quản lý khác nhau. Thậm chí, nhiều cơ quan, bộ ngành lợi dụng chính sách minh bạch trong quản lý để tăng thêm đối tượng phải kiểm tra chuyên ngành. Đáng lo ngại nhất, việc thực thi này thiếu minh bạch hơn trước đây.
Đơn cử, doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực kiểm định an toàn lao động, trước đây chỉ có duy nhất Bộ LĐTB-XH quản lý và cấp chứng chỉ cho kiểm định viên cũng như hàng hóa, sản phẩm liên quan đến lĩnh vực an toàn lao động. Thế nhưng sau khi cải cách, việc cấp phép này giao về cho… 9 bộ quản lý. Theo đó, để được cấp chứng chỉ an toàn lao động cho sản phẩm, kiểm định viên, DN phải xin cấp phép, chứng nhận ở 9 bộ.
Riêng với kiểm định viên, để được cấp chứng chỉ, nhân viên của doanh nghiệp bắt buộc phải trải qua khóa đào tạo do các bộ có chức năng quản lý tổ chức. Điều đáng nói, cùng một nội dung đào tạo, nhưng có trường hợp bộ này không thừa nhận kết quả chứng nhận kiểm định của bộ khác. Hệ quả, DN phải tốn chi phí 10 triệu đồng/khóa đào tạo/bộ quản lý để nhân viên tham gia lớp đào tạo thi cấp chứng chỉ với tất cả các bộ đang quản lý chuyên ngành. Thời gian giấy phép có giá trị cũng chỉ được 5 năm và sau đó DN phải đăng ký cho nhân viên đào tạo lại.
Trường hợp kiểm định an toàn lao động đối với thiết bị nâng, cùng áp dụng tiêu chuẩn Việt Nam như nhau, nhưng DN xin cấp chứng nhận tại 3 bộ là Bộ Xây dựng, Bộ LĐTB-XH và Bộ GTVT. Nhân viên của DN cũng phải đăng ký đào tạo tại trung tâm của 3 bộ này để được 3 bộ cấp 3 chứng chỉ kiểm định viên. Hoặc như máy điều hòa nhiệt độ có công suất trên 90.000BTU do Bộ LĐTB-XH quản lý và cấp phép, nhưng nếu nhỏ hơn 90.000BTU thì do Bộ KH-CN quản lý.
Hiệp hội DN Hoa kỳ tại Việt Nam (Amcham) cũng bày tỏ băn khoăn, việc quản lý chuyên ngành với sản phẩm tại nước ta hết sức rối rắm. Đơn cử, sản phẩm mỹ phẩm, để được lưu thông trên thị trường, DN đã phải tuân thủ rất nghiêm ngặt tiêu chuẩn sản xuất. Tiêu chuẩn này không chỉ ở Việt Nam mà tiêu chuẩn toàn cầu. Thế nhưng, khi DN muốn quảng cáo sản phẩm này trên hệ thống thông tin truyền thông vẫn phải báo cáo, kiểm tra chuyên ngành chất lượng tại Bộ Y tế. Điều này gây khó và chậm trễ trong hoạt động kinh doanh, cạnh tranh của DN.
Nhiều DN kinh doanh lương thực, thực phẩm phản ánh, để có thể đánh giá mức độ tiếp nhận sản phẩm trên thị trường, DN buộc phải nhập khẩu mẫu nguyên liệu hoặc mẫu sản phẩm ở một mức độ nhất định theo yêu cầu của nhà cung cấp. Như để thử sản phẩm nước uống, đối tác cung ứng yêu cầu đơn hàng mua tối thiểu là 40 thùng và mỗi thùng 20 chai. Hoặc như đơn hàng về nguyên liệu mẫu là bột mì, số lượng đơn vị đối tác cung ứng cho phép tối thiểu phải là 20kg… Thế nhưng, cơ quan hải quan cho rằng, đơn hàng này quá nhiều, không thể được xem là hàng mẫu.
Mã hóa để nhận diện hàng bị quản lý trùng lắp
Theo nghiên cứu gần đây do Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương thực hiện, nhiều bộ ngành không những không cắt giảm mà còn giữ nguyên, thậm chí tăng thêm danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành. Cụ thể, trước năm 2018, Bộ LĐTB-XH không quản lý, kiểm tra chuyên ngành bất kỳ ngành hàng xuất nhập khẩu nào.
Thế nhưng, sau năm 2018, bộ này đã bổ sung Thông tư 22/2018/TT-BLĐTBXH với rất nhiều danh mục ngành hàng xuất nhập khẩu. Còn Bộ KH-CN đã cho chuyển đổi khái niệm danh mục hàng hóa, dẫn đến mở rộng hơn rất nhiều đối tượng quản lý kiểm tra chuyên ngành. Đơn cử, trước đây bộ này chỉ quản lý chuyên ngành với dây điện, cáp điện bọc nhựa, nhưng sau lại sửa đổi dây cáp điện nói chung. Như vậy, đối tượng quản lý được mở rộng hơn rất nhiều.
Ảnh: THÀNH TRÍ
Bộ Công thương báo cáo với Chính phủ đã cắt giảm 50% thủ tục và danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành, nhưng thực chất không hoàn toàn đúng như vậy. Bộ này chỉ thay đổi cách thức kiểm tra từ trước thông quan, sang kiểm tra sau thông quan và danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành vẫn được giữ nguyên. Vì thế DN phải chờ cơ quan chức năng kiểm tra chuyên ngành xong mới được đưa hàng hóa vào sản xuất. Chỉ có khác là chuyển hàng hóa chờ ở cửa hải quan, sang chờ ở kho của DN.
Ông Đặng Thái Thiện, đại diện Cục Hải quan TPHCM, thừa nhận hiện tình trạng chồng chéo trong công tác kiểm tra chuyên ngành giữa các bộ còn khá phổ biến. Điều này gây khó khăn rất lớn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Để tháo gỡ, nhất định phải mã hóa danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu. Việc mã hóa sẽ cho phép nhận diện rõ mặt hàng nào đang bị nhiều bộ ngành quản lý trùng nội dung, từ đó làm cơ sở cắt giảm bộ quản lý.
Ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, nhấn mạnh thêm hiện đơn vị đang tiến hành rà soát tổng thể danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành. Đến nay, cơ bản đã rà soát 59.275 mặt hàng, trong đó 1.767 mặt hàng không có mã HS. Tình trạng quản lý chồng chéo giữa các bộ ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu rất phổ biến. Đặc biệt là với các mặt hàng chưa có mã HS. Do vậy, trong thời gian tới, cùng với việc mã hóa thì đơn vị cũng kiến nghị Chính phủ hợp nhất công tác quản lý của các bộ với từng ngành hàng. Và khi đã thống nhất chuyển về một bộ quản lý thì không cần đợi các bộ khác phải sửa thông tư. Theo đó, chỉ cần kiến nghị Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng cho phép thông báo đến cộng đồng DN và cơ quan hải quan biết để thực hiện nhằm giảm nhũng nhiễu, tạo thuận lợi cho DN phát triển, kích thích sản xuất và hoạt động xuất nhập khẩu.
Ở góc độ khác, nhiều chuyên gia kinh tế và DN cho rằng, cần phải có thêm biện pháp chế tài hiệu quả đối với những bộ ngành tham mưu hoặc ban hành những nghị định, thông tư gây khó và có khả năng gây thiệt hại cho hoạt động sản xuất. Bởi xét ở góc độ nhất định, đây cũng được xem là hành động phá hoại tài sản, gây trở ngại đến phát triển của DN. Có như vậy mới tránh được tình trạng ban hành văn bản vô tội vạ mà chỉ có lợi cho “quyền lực” quản lý, còn thiệt hại thì DN phải tự chịu. |