Chanh leo, sầu riêng, bưởi, chuối, khoai lang, tổ yến… hàng loạt nông sản Việt Nam đã được mở đường chính ngạch xuất khẩu sang các thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, New Zealand…
Năm 2022 có thể được coi là một năm thắng lợi nhất từ trước đến nay của nông sản Việt Nam khi nhiều mặt hàng được phép tiếp cận đến các thị trường thế giới.
Với thị trường trên tỷ dân, đầu tiên là sản phẩm chanh leo của Việt Nam được nhập khẩu vào Trung Quốc với các quy định tạm thời. Tiếp đến, sầu riêng và chuối của Việt Nam được phép nhập khẩu thông qua ký kết nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật giữa hai nước.
Gần đây nhất, hai bên đã ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với khoai lang của Việt Nam nhập khẩu vào Trung Quốc.
Đây cũng thị trường tiêu thụ yến lớn nhất thế giới, chiếm 80% thị phần toàn cầu. Sau 3 năm nỗ lực đàm phán kỹ thuật, ngành hàng yến cũng đã kích hoạt được thị trường rộng lớn này, mở ra cơ hội cấu trúc lại và phát triển chuỗi ngành hàng với giá trị gia tăng cao hơn.
Không chỉ thị trường Trung Quốc, quả chanh và bưởi của Việt Nam cũng đã được phép nhập khẩu vào thị trường New Zealand. Đây là loại quả thứ tư và thứ năm được xuất khẩu từ Việt Nam sang New Zealand, sau xoài, thanh long và chôm chôm.
Điều đặc biệt nữa là bưởi cũng là loại trái cây thứ 7 được phép nhập khẩu vào Mỹ sau xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa. Đây là thị trường có nhu cầu tiêu thụ lớn về trái cây, mỗi năm lên tới 12 triệu tấn.
Sản xuất trái cây tươi nội địa của nước này hiện chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu, 30% còn lại (tương đương với khoảng 3,6 triệu tấn) phải nhập khẩu.
Từ việc đưa được quả bưởi sang Mỹ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu Ngô Tường Vy cho biết, doanh nghiệp sẽ có thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm, uy tín để tự tin chinh phục những thị trường tiềm năng khác như: Australia, New Zealand, Nhật Bản, Trung Quốc.
Các địa phương cần quy hoạch lại vùng nguyên liệu cũng như quy trình canh tác, dẫn dắt người nông dân thay đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.
Với Nhật Bản, năm nay thị trường này cũng đã chấp nhận nhập khẩu nhãn tươi của Việt Nam sau 3 loại quả đã được phép là thanh long, xoài Cát Chu và vải.
Đây cũng là một trong những thị trường tiềm năng và là “đích đến” của nhiều doanh nghiệp trong việc xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm chất lượng cao. Không giống như mở cửa sản phẩm từ thực vật, sản phẩm động vật được mở cửa với từng đơn vị cụ thể bởi nó phải gắn liền với việc thành công xây dựng các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh.
Bởi vậy, thịt gà chế biến được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản từ năm 2017 bởi Công ty TNHH Koyu & Unitek tại tỉnh Đồng Nai nhưng phải đến năm nay Công ty trách nhiệm hữu hạn CPV Food Bình Phước mới xây dựng thành công chuỗi sản xuất thịt gà an toàn dịch bệnh từ nhà máy thức ăn, con giống, trang trại chăn nuôi gà thương phẩm, nhà máy giết mổ, chế biến sản phẩm xuất khẩu tại Bình Phước.
Sản phẩm chăn nuôi là một trong 3 sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của tỉnh nên Bình Phước được xem là một trong những địa phương đi đầu trong xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
Bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước, cho biết mục tiêu của Bình Phước đến năm 2030 là xây dựng thành công 11/11 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle trên gà theo tiêu chuẩn Việt Nam; trong đó, có 6 huyện, thành phố đạt theo tiêu chuẩn OIE (Tổ chức Thú y thế giới).
Với định hướng phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ để nâng cao giá trị sản phẩm, cung cấp sản phẩm an toàn, sản phẩm chăn nuôi của tỉnh sẽ vươn xa ra thế giới.
Việc mở cửa được thị trường Nhật Bản kỳ vọng sẽ đóng góp giá trị xuất khẩu cho ngành chăn nuôi và mang đến việc làm, thu nhập tốt cho hàng ngàn người dân trên địa bàn, ông Montri Suwanposri, Tổng Giám đốc Công ty cổ phẩn Chăn nuôi C.P. Việt Nam cho hay.
Với lợi thế về tự nhiên, không chỉ giúp Việt Nam rất nhiều loại trái cây nhiệt đới được thế giới ưa chuộng mà nhiều loại còn có thể cho sản lượng quanh năm như chanh, bưởi... Hay như sầu riêng Việt Nam được lợi thế hơn so Thái Lan là có sản lượng thu hoạch rất dải vụ, đặc biệt khi vùng Tây Nguyên vào vụ sẽ nghịch vụ với các nước khác nên tạo lợi thế của nông sản đặc sản vùng này.
Tuy nhiên, những lợi thế trên chỉ được phát huy hiệu quả, khi các sản phẩm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật và an toàn vệ sinh. Sản phẩm trồng phải truy xuất được nguồn gốc, từ quản lý giám sát vùng trồng với các sản phẩm đầu vào, đầu ra; quản lý cơ sở đóng gói, biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật cho đến kiểm dịch tại cửa khẩu nhập.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho rằng việc mở cửa được thị trường, ký kết các nghị định thư để xuất khẩu chính ngạch nông sản sẽ tạo điều kiện pháp lý rõ ràng minh bạch và cũng là tạo động lực cho người nông dân Việt Nam sản xuất chuyên nghiệp hơn, bài bản hơn và quy mô lớn hơn.
Các thành phần tham gia chuỗi giá trị xuất khẩu nông sản tiếp tục cập nhật thông tin kịp thời, kết nối chặt chẽ để đảm bảo thông suốt thương mại nông sản ở các thị trường đã có, cũng như mở rộng các cơ hội tiếp cận các thị trường mới. Qua đó, tăng tính cạnh tranh và xây dựng thương hiệu nông sản Việt dựa trên các vùng trồng uy tín, chất lượng và giá trị cao.
Cùng với Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc…, ngành nông nghiệp đang nỗ lực đàm phán để tháo gỡ rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại và mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch thêm nhiều nông sản vào các thị trường lớn và tiềm năng.
Điển hình như bưởi, vú sữa, chanh leo, nhãn, vải, chôm chôm, tôm sang Hàn Quốc; bưởi, xoài sang Myanmar; chôm chôm, bưởi, chanh leo, na, vú sữa sang Thái Lan; chanh, chanh leo, nhãn, vú sữa, bưởi, vải, măng cụt, dưa hấu sang New Zealand hay chanh leo sang Australia.