Thế nhưng, dù các bộ, ngành đã nỗ lực cải cách, nhưng sau 2 năm thực hiện NQ35, số DN hoạt động trong năm 2017 chỉ đạt 561.000, tăng 56.000 DN so với cùng kỳ. Xem ra mục tiêu 1 triệu DN khó thành hiện thực nếu từ nay đến năm 2020 không thúc đẩy mạnh mẽ cải cách môi trường, tạo thuận lợi tối đa để DN đầu tư kinh doanh hiệu quả.
Số DN mới tăng nhanh
Với việc thúc đẩy cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh từ Chính phủ và các bộ, ngành, số lượng DN thành lập mới trong 2 năm qua đã tăng lên nhanh chóng. Kể từ thời điểm ban hành NQ35 (tháng 5-2016), số DN thành lập mới trong năm 2016 đạt con số kỷ lục 110.000, tăng 16,2% so với cùng kỳ. Số vốn cam kết đưa vào thị trường từ các DN thành lập mới 891.094 tỷ đồng, đạt bình quân 8,09 tỷ đồng mỗi DN.
Cải cách các quy định về điều kiện kinh doanh nhằm thúc đẩy cạnh tranh, khuyến khích phát triển DN là trọng tâm của Chính phủ trong những năm gần đây. Thủ tướng đã giao các bộ tiếp tục rà soát, đánh giá, đề xuất bãi bỏ ít nhất 1/3 đến 1/2 số điều kiện kinh doanh hiện hành trong lĩnh vực quản lý, và thủ tục hành chính đang gây cản trở, khó khăn cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của DN. Ông NGUYỄN CHÍ DŨNG, Bộ trưởng Bộ Công Thương |
Tiếp đó, trong năm 2017 cả nước có 126.859 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 1.295.900 tỷ đồng, tăng 15,2% về số DN và tăng 45,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ. Vốn đăng ký bình quân 1 DN thành lập mới đạt 10,2 tỷ đồng, tăng 26,2%. Nếu tính cả 1.869.300 tỷ đồng của hơn 35.200 lượt DN thay đổi tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm 2017 đạt 3.165.200 tỷ đồng.
Năm 2017 cũng ghi nhận có 26.448 DN quay trở lại hoạt động, giảm 0,9% so với năm trước, nâng tổng số DN đăng ký thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động trong năm lên 153.300 DN.
Nhờ đẩy mạnh cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, số DN tạm ngừng hoạt động trong năm 2017 là 60.553, giảm 0,2% so với năm trước; bao gồm 21.684 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, 38.869 DN tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể. Số DN hoàn tất thủ tục giải thể cả năm 2017 cũng giảm còn 12.113 DN, giảm 2,9% so với năm trước, trong đó 11.087 DN có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, chiếm 91,5%.
Quý I-2018, cả nước có 26.785 DN đăng ký thành lập mới, tổng vốn đăng ký 278.500 tỷ đồng, tăng 1,2% về số DN và tăng 2,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Vốn đăng ký bình quân 1 DN thành lập mới đạt 10,4 tỷ đồng, tăng 1,5%. Nếu tính cả 485.500 tỷ đồng của gần 7.900 lượt DN thay đổi tăng vốn, tổng số vốn bổ sung vào nền kinh tế trong quý I năm nay đạt 764.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, còn có 8.449 DN quay trở lại hoạt động, giảm 8,9% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong quý I lên hơn 35.200 DN. Tổng số lao động đăng ký của các DN thành lập mới trong quý I là 225.400 người, giảm 22,7% so với cùng kỳ năm trước.
Những tiến bộ trong cải cách cũng đang được các DN cảm nhận rõ, qua kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê về xu hướng kinh doanh của DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý I-2018. Theo đó, 33% DN đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý I năm nay tốt hơn quý IV-2017; 24,6% DN đánh giá gặp khó khăn và 42,4% DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định.
Về quý II năm nay có 55,7% DN đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 10,4% DN dự báo khó khăn hơn và 33,9% DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.
Mở thêm cửa mới kỳ vọng 1 triệu DN
Mở thêm cửa mới kỳ vọng 1 triệu DN
Theo Tổng cục Thống kê, số DN đang hoạt động trên cả nước đến nay ước đạt 575.800. Như vậy, so với mục tiêu 1 triệu DN hoạt động vào năm 2020, mới đạt được 57,58% tổng số DN đề ra.
Để đạt được mục tiêu này, trong 3 năm (2018, 2019, 2020) trung bình mỗi năm cần thêm khoảng 146.300 DN thành lập mới đi vào hoạt động. Đây là một thách thức không hề nhỏ, bởi năm 2017 số DN thành lập mới, duy trì hoạt động chỉ bằng 1/3 con số mục tiêu phải đạt được trong những năm tới.
Phải xóa bỏ các rào cản, nhũng nhiễu để có một môi trường kinh doanh tốt hơn, cạnh tranh hơn. DN sẽ đẩy mạnh đầu tư kinh doanh khi triển vọng nền kinh tế tốt lên, nên cần một nhóm giải pháp để tạo lập các nền tảng vĩ mô và vi mô để hỗ trợ tăng trưởng. Từ đó tạo thêm niềm tin kinh doanh cho xã hội. TS. LÊ XUÂN SANG, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam |
Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, dịch vụ là khu vực hiện có số lượng DN hoạt động nhiều nhất, đồng thời có tốc độ tăng số lượng DN hoạt động cao nhất trong các khu vực kinh tế. Đến hết năm 2016, số DN hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ là 354.000, bình quân giai đoạn 2010-2016 mỗi năm DN khu vực dịch vụ tăng thêm 11,5%.
Mặc dù số lượng DN của khu vực này cao nhất, song đây lại là khu vực thu hút lao động thấp hơn nhiều so với khu vực công nghiệp và xây dựng. Khu vực này hiện có số lượng DN hoạt động lớn thứ hai, với khoảng 146.000 DN đang hoạt động, bình quân giai đoạn 2010-2016, mỗi năm DN khu vực này tăng thêm 8%.
Trong khi đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có số lượng DN hoạt động rất ít, đến hết năm 2016 chỉ có gần 4.500 DN, bình quân giai đoạn 2010-2016 mỗi năm DN khu vực này tăng thêm 9,6%.
Nhận định về mục tiêu phát triển 1 triệu DN vào năm 2020, nhiều chuyên gia cho rằng DN thành lập mới phải có lãi, hoặc cân đối được tài chính mới duy trì hoạt động, vì có rất nhiều yếu tố đang ảnh hưởng đến số lượng DN thành lập mới và đi vào hoạt động. Do vậy, trước hết cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, môi trường cạnh tranh, cắt bỏ các điều kiện kinh doanh ở mức nhiều nhất có thể.
Tiếp theo, sớm ban hành các văn bản dưới luật, liên quan đến Luật hỗ trợ DNNVV, thiết thực hỗ trợ khu vực DN này kinh doanh tốt hơn. Với các DNNVV hoạt động trong lĩnh vực đổi mới, sáng tạo cần có những hỗ trợ riêng để họ kinh doanh hiệu quả hơn. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh Đề án hỗ trợ vốn cho DNNVV sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, Chính phủ cần hành động quyết liệt vì DN nhằm loại bỏ các rào cản hành chính, thực hiện giãn thuế, giảm thuế cho các DN khó khăn.
Số DN thành lập mới trong năm 2017 và 3 tháng 2018 tăng mạnh.
Các bộ phải đồng lòng vào cuộc
Để hình thành đội ngũ 1 triệu DN, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành đẩy mạnh việc thực hiện các NQ19 về những giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đồng thời, thực hiện xây dựng chính phủ điện tử để công khai, minh bạch nhằm tạo điều kiện cho DN giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước.
Mới đây, Chính phủ cũng ban hành NQ01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018. Theo đó, Chính phủ đặt mục tiêu tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh, trong đó tập trung cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành, bảo đảm cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh.
Số liệu của Bộ KH-ĐT ghi nhận, đến nay mới có 5 bộ rà soát và đưa ra phương án cắt giảm, sửa đổi về điều kiện kinh doanh. Trong đó, Bộ Công Thương thực hiện rà soát và có phương án cắt giảm 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh trong tổng số 1.216 điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý ngành, cắt giảm khoảng 55%.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng thực hiện bãi bỏ, sửa đổi 118 điều kiện đầu tư kinh doanh trong tổng số 345 điều kiện kinh doanh, chiếm 34,2% tổng số điều kiện. Bộ Xây dựng đã đề xuất bãi bỏ 5 ngành, nghề có điều kiện được quy định tại các nghị định do bộ chủ trì soạn thảo trước đây, đề xuất bãi bỏ 4 ngành, nghề thuộc danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện không đáp ứng tiêu chí tại Điều 7 của Luật Đầu tư. Đồng thời đề xuất bãi bỏ 89 điều kiện (41,3%); đơn giản hóa 94 (43,7%) trong tổng số 215 điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng…
Tuy nhiên, hiện còn 10 bộ ngành như Tài chính, Y tế, Văn hóa, Thể thao - Du lịch, Giáo dục - Đào tạo, Khoa học- Công nghệ, Tài nguyên - Môi trường, Lao động-Thương binh và xã hội, Công an, Quốc phòng, Tư pháp… việc rà soát, đề xuất cắt giảm, sửa đổi điều kiện kinh doanh vẫn chưa có chuyển biến mạnh.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, kết quả rà soát cho thấy các bộ hiện vẫn còn lúng túng trong phân biệt điều kiện kinh doanh với ngành nghề và quản lý chuyên ngành đối với sản phẩm, hàng hóa. Do vậy, nhiều điều kiện về quản lý chuyên ngành đối với sản phẩm, hàng hóa được quy định thành điều kiện kinh doanh.
Nhiều điều kiện kinh doanh không cần thiết vẫn được giữ lại hoặc được quy định chung chung, không rõ ràng, không cụ thể. Trong số điều kiện kinh doanh đề xuất bãi bỏ, sửa đổi thì khoảng 1/2 số điều kiện thuộc diện sửa đổi, có điều kiện sửa đổi chỉ đơn thuần diễn đạt lại từ ngữ, chưa thực chất tạo thuận lợi cho DN.