Những vấn đề về môi trường kinh doanh, thách thức mà doanh nghiệp nước ngoài đối mặt cũng như sự đóng góp của doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), sự phát triển của công nghệ thông tin và công nghệ số tại Việt Nam… sẽ trở thành các chủ đề đáng chú ý.
Sau 30 năm mở cửa thu hút, FDI đã trở thành một trong những động lực quan trọng nhất thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Việc tạo môi trường đầu tư thuận lợi đã giúp Việt Nam trở thành một trong những nước thu hút nguồn vốn FDI nhiều nhất trong khu vực.
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), hiện đã có hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký hơn 300 tỷ USD.Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt hơn 140 tỷ USD, tăng gần 23% so với cùng kỳ và chiếm hơn 72% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp to lớn từ nguồn vốn này vẫn có những tồn tại phát sinh từ các dự án FDI, đòi hỏi cần được đánh giá, điều chỉnh. Trong đó, vấn đề được nhìn nhận và nhắc nhiều lần là việc sử dụng và chuyển giao công nghệ. Số liệu từ Bộ KH-ĐT cho biết, có tới hơn 80% doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ trung bình của thế giới, 14% ở mức thấp và lạc hậu, chỉ có 5- 6% sử dụng công nghệ cao.
Việc chuyển giao công nghệ giai đoạn 2006-2015 chỉ khoảng 600 hợp đồng trong gần 14.000 dự án FDI triển khai được chuyển giao công nghệ (chiếm 4,28%), chủ yếu ở khâu lắp ráp. Do đó, câu chuyện Việt Nam từ vị trí thứ 57 trên toàn cầu về tiêu chí hiệu quả và chuyển giao công nghệ tụt xuống vị trí 103 năm 2014, giảm 46 bậc sau 5 năm, thấp hơn nhiều so với Malaysia thứ 13, Thái Lan 36, Indonesia 39 và Campuchia 44, là một điều không quá ngạc nhiên, rất đáng suy ngẫm.
Vậy làm gì để cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư FDI? Trong một báo cáo của Amcham, tổ chức này cho rằng loại bỏ rào cản thương mại và nâng cao khả năng tiếp cận thị trường sẽ thu hút các nhà đầu tư mới đến Việt Nam. Tuy nhiên, FDI đang ngày càng phụ thuộc vào sự mở rộng từ các nhà đầu tư đang hoạt động, cũng như những thông tin kinh nghiệm họ chia sẻ với các nhà đầu tư tiềm năng. Điều này đồng nghĩa FDI trong tương lai phụ thuộc vào việc cải thiện môi trường hoạt động chung cho doanh nghiệp.
Quan trọng hơn, việc giảm chi phí và tính phức tạp cho hoạt động kinh doanh sẽ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp Việt, trong đó đa phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhằm thúc đẩy khởi nghiệp, giúp đảm bảo phát triển, cạnh tranh của Việt Nam trong tương lai.
Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang ngày càng gia tăng, nhưng thực tế cho thấy các lĩnh vực chủ yếu mà doanh nghiệp FDI có mặt là trong những ngành truyền thống như: quần áo, da giày, lắp ráp điện tử và thép, hóa chất. Do đó, theo Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), nếu Việt Nam muốn bắt kịp xu hướng hiện tại và tiến về tương lai cần phải lựa chọn rõ ràng và tạo điều kiện phát triển các ngành công nghiệp của tương lai. Việt Nam có thể tham khảo bài học kinh nghiệm của Singapore với vị trí dẫn đầu trong một số ngành hiện nay.
Về lĩnh vực thu hút đầu tư, cũng theo EuroCham, việc lựa chọn trở thành quốc gia sản xuất xe ôtô và xe máy điện sẽ biến Việt Nam trở thành nước dẫn đầu trong lĩnh vực năng lượng sạch và ôtô. Đồng thời việc này giúp mở đường cho Việt Nam để sản xuất pin cho các tòa nhà và thành phố, bổ sung vào nguồn năng lượng tái tạo liên tục.
Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra cả cơ hội và thách thức to lớn đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, người dân, doanh nghiệp. Vì vậy, Việt Nam cần thu hút đầu tư vào các ngành dịch vụ, nhất là những ngành có lợi thế, có công nghệ và giá trị gia tăng cao, đồng thời đẩy mạnh thu hút FDI có công nghệ cao, thân thiện môi trường; tạo điều kiện và tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong nước. Chúng ta cần vốn nhưng quan trọng hơn là cần công nghệ cao, hiện đại để tái cơ cấu nền kinh tế một cách toàn diện, bền vững, năng lực sản suất cao hơn, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh nền kinh tế.