Nếu lãi suất 0% vẫn khó đến được doanh nghiệp

(ĐTTCO)-Trao đổi với ĐTTC, Luật sư TRƯƠNG THANH ĐỨC, Giám đốc Công ty Luật ANVI, nhận định việc ngân hàng (NH) giảm lãi suất để hỗ trợ các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung đang gặp khó khăn vì dịch Covid-19 như hiện nay là vấn đề nên được xem xét, song không thể giảm lãi suất đầu vào (tiền gửi) xuống mức 0% như đề xuất, bởi đó là công cụ hành chính cứng nhắc, sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy cho thị trường. 
Nếu lãi suất 0% vẫn khó đến được doanh nghiệp ảnh 1
PHÓNG VIÊN: - Ông nhận xét thế nào về đề xuất mới đây của VAFI?
LS. TRƯƠNG THANH ĐỨC: - Tôi cho rằng đây là đề xuất thiếu cơ sở khoa học, có phần duy ý chí. Lãi suất NH dựa trên tỷ suất lợi nhuận bình quân của nền kinh tế, nó là điển hình nhất cho nguyên tắc thị trường trải qua thời gian dài và đã hình thành nên hàng triệu giao dịch, hàng triệu khách hàng để rồi từ đó mới hình thành nên được lãi suất.
Điều này cũng lý giải rằng tại sao có lúc lãi suất tăng cao, có lúc lại thấp, tại sao có thời điểm lãi suất thay đổi, bởi đó là nhu cầu của thị trường. 
Thị trường Việt Nam cách đây khoảng hơn chục năm, lãi suất cao ngất ngưởng, chúng ta giảm lãi suất phải nhờ nhiều biện pháp công cụ để điều tiết lại thị trường, từ đó mới có thể giảm được lãi suất.
Hay như ngay tại thời điểm hiện nay, lãi suất giảm rất nhiều cũng sẽ rất khó sử dụng công cụ để bắt lãi suất phải tăng trở lại. Điều này là do thị trường quyết định.
Khi chúng ta đi vay nợ của nước ngoài, lãi suất khoản vay phải chịu cao hơn so với mức lãi suất các thị trường được đánh giá là ổn định. Đó là yếu tố đánh giá rủi ro. Thị trường Việt Nam rủi ro nhiều hơn nên sẽ không bao giờ có được mức lãi suất tiền gửi 0%.
Tất nhiên ở đây sẽ không có nghĩa là thị trường tự do hoàn toàn, mà có lúc vẫn phải yêu cầu xem xét đến yếu tố kinh tế vĩ mô, vai trò điều tiết của Nhà nước, cũng có thể vẫn có sự can thiệp nhất định để tiếp tục giảm hoặc tăng lãi suất.  Song tuyệt đối không thể áp đặt bằng công cụ hành chính cực đoan mà có lúc chúng ta đã mắc phải sai lầm trong quá khứ. 
- Có ý kiến cho rằng hiện nay dòng tiền đổ vào NH quá nhiều cần có biện pháp hạn chế việc này?
- Tôi đồng ý là nên có biện pháp điều tiết dòng tiền. Quan điểm của tôi từ trước đến nay vẫn cho rằng các NH nên cho vay ít thôi, còn cái chính vẫn phải là làm dịch vụ, chứ NH mà tăng trưởng nóng quá nguy hiểm cho cả hệ thống NH lẫn nền kinh tế.
Nếu NH tăng trưởng khoảng dưới 10%/năm chấp nhận được, còn khi NH tăng trưởng trên 10%/năm sẽ phải xem xét lại, vì nguy cơ rủi ro cho nền kinh tế đã bắt đầu hiện hữu. Nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát như hiện nay mà các NH lại tăng trưởng nóng càng có cơ sở để lo ngại.
Nhưng muốn giảm lãi suất đầu vào - tức là điều tiết dòng tiền, yếu tố quyết định là phải giảm thiểu được rủi ro của thị trường. Điều này chúng ta đang rất cố gắng trong nhiều năm qua song đến nay vẫn chưa làm được.
Thí dụ đầu vào là tiền gửi của các cá nhân, tổ chức, vậy chúng ta hãy tính thuế với số tiền lãi của dòng tiền này. Tôi từng đưa ra ý kiến đề xuất này và bị nhiều người phản đối.
Tôi lấy thí dụ như cách đây 2 năm, có vụ một khách hàng gửi hơn 250 tỷ đồng vào NH rồi sau đó xảy ra sự cố rủi ro. Vụ việc phản ánh khá nhiều trên truyền thông, phải xem số tiền này là tiền đầu tư, chứ không thể thuần túy xem là tiết kiệm. 
Trước kia có quy định chỉ công nhân, nông dân, người lao động mới được phép gửi tiền tiết kiệm thôi. Bây giờ thì tất cả mọi người, tổ chức, doanh nghiệp đều được gửi tiền NH như nhau.
Nói dễ hiểu thì một cá nhân có 100 tỷ đồng, một doanh nghiệp có 1.000 tỷ đồng vẫn có thể gửi vào NH để hưởng lãi suất, điều này vẫn đúng. Nhưng cần phải xem đây là tiền đầu tư và nên tính thuế, cũng là cách hạn chế dòng tiền nhàn rỗi đổ quá nhiều vào NH, thay vì chảy vào các kênh đầu tư khác dẫn đến mất ổn định thị trường. 
Nếu lãi suất 0% vẫn khó đến được doanh nghiệp ảnh 2   Ảnh minh họa: VIẾT CHUNG
- Quan điểm của ông ra sao khi một trong những cách giải thích cho đề xuất lãi suất tiền gửi về 0% sẽ giúp cho lãi suất đầu ra các NH sẽ giảm, doanh nghiệp sẽ được lợi, nhất là trong bối cảnh Covid-19 hiện nay?
- Chúng ta hoàn toàn đồng ý rằng cần phải giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong dịch Covid-19, nhưng hỗ trợ phải bao gồm cả chính sách trực tiếp và gián tiếp, phải giảm bớt đà tăng trưởng ngành NH lại.
Kìm kênh NH thì dòng tiền sẽ chảy sang các kênh khác như chứng khoán, bất động sản, cổ phiếu… chỗ nào có lợi thì dòng tiền chảy vào.
Một thị trường rất đáng để chúng ta lấy làm tham chiếu đó là Trung Quốc. Tại sao có lúc Trung Quốc yêu cầu các NH phải có tỷ lệ dự trữ bắt buộc lên đến hơn 10%? Ý nghĩa của nó chính là kiềm chế tăng trưởng của NH lại, bản thân các NH cũng không dám cho các doanh nghiệp vay nữa vì không có lợi.
Đó là khi thị trường xuất hiện các dấu hiệu đầu cơ, xuất hiện rủi ro. Chỉ khi nào thị trường tăng trưởng tốt, doanh nghiệp làm ăn tốt lên thì mới có thể cho vay. 
Đối với Việt Nam hiện nay, trong bối cảnh các doanh nghiệp đang gặp khó khăn thì đương nhiên là cần phải tính đến giảm lãi suất NH. Nhưng giảm bao nhiêu còn tùy thuộc vào thị trường, không thể tự ý quyết định bằng công cụ hành chính cứng nhắc được, phải gián tiếp qua các biện pháp kinh tế khác.
Đó là chưa kể đến mục tiêu năm nay là nền kinh tế chúng ta vẫn phải duy trì đà tăng trưởng khoảng gần 7%/năm, tất nhiên đi kèm với đó cũng là rủi ro sẽ cao hơn. Nói như vậy để thấy rằng, nếu cho dù lãi suất xuống 0% nhưng không có biện pháp và giải pháp thì dòng vốn này cũng khó đến được doanh nghiệp, mà chảy vào các kênh đầu cơ rủi ro cao.
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác