Ngành gỗ hướng mục tiêu xuất khẩu 25 tỷ USD?

(ĐTTCO) - Mục tiêu của đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững giai đoạn 2021-2030, là đến năm 2030 giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 25 tỷ USD. Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu này ngành gỗ cần gỡ nhiều nút thắt như nguyên liệu, năng suất lao động và cả công nghệ sản xuất. 

Khi còn nhiệm kỳ Thủ tướng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm một DN giới thiệu về công nghệ chế biến gỗ xuất khẩu. Ảnh: QUANG HIẾU
Khi còn nhiệm kỳ Thủ tướng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm một DN giới thiệu về công nghệ chế biến gỗ xuất khẩu. Ảnh: QUANG HIẾU
Tăng trưởng ấn tượng
3 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ đạt 3,94 tỷ USD, tăng 3% so với 2021. Đáng chú ý, các doanh nghiệp (DN) nội thất hiện đã kín đơn hàng cho đến quý III, thậm chí nhiều DN đã có đơn hàng đến hết năm nhờ nhu cầu nội thất thế giới đang trên đà tăng trưởng.
Theo tính toán, nếu giữ được bình quân giá trị xuất khẩu khoảng 1,5 tỷ USD/tháng, kế hoạch 16,5 tỷ USD của toàn ngành trong năm nay hoàn toàn khả thi. Năm 2021 dù gặp nhiều khó khăn về dịch bệnh trong quý III, nhưng ngành gỗ vẫn duy trì vị thế trong top những ngành xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Cụ thể, toàn ngành cán đích 14,8 tỷ USD, tăng gần 20% so với năm 2020. 
Nhìn lại sự phát triển của ngành gỗ những năm qua, bà Đỗ Thị Thu Hương, Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), thành viên nhóm nghiên cứu báo cáo “Ngành gỗ Việt Nam và các vấn đề chiến lược, định hướng giải pháp phát triển đến năm 2030”, cho biết trong 10 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng của ngành chế biến gỗ Việt Nam thuộc hàng năng động nhất thế giới.
Việt Nam hiện đứng thứ 7 trên thế giới về sản xuất sản phẩm gỗ và đồ nội thất, xuất khẩu đứng thứ 2 khu vực châu Á Thái Bình Dương và đứng thứ 5 thế giới với thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc. 
Gỗ, sản phẩm gỗ và đồ nội thất Việt Nam cũng liên tục đứng trong top 10 ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất cả nước; là ngành mang lại thặng dư xuất khẩu đứng thứ 3 những năm gần đây, đóng góp nguồn ngoại tệ quan trọng cho dự trữ ngoại hối của Việt Nam.
Ngành chế biến gỗ và sản xuất nội thất đóng góp lớn trong việc cung cấp hơn nửa triệu việc làm, đứng thứ 5 về số lượng lao động chính thức trong số các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. 

Gỡ nút thắt vùng nguyên liệu
Tăng trưởng nhanh nhưng ngành gỗ Việt Nam đang đối mặt với nhiều vấn đề, trong đó nguồn cung nguyên liệu được xem là nút thắt lớn cần được tháo gỡ để toàn ngành có thể tăng trưởng bền vững.
Theo thống kê, hiện nay nguồn cung nguyên liệu khai thác trong nước mới đáp ứng khoảng 75% tổng nhu cầu chế biến, bao gồm khai thác rừng trồng và khai thác cây trồng phân tán, gỗ cao su. Mỗi năm, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu khoảng 8,5 triệu m3 gỗ, chiếm 25% tổng khối lượng gỗ của ngành chế biến. Thoạt nghe, 75% nguồn nguyên liệu trong nước không phải con số nhỏ, nhưng vấn đề nằm ở chỗ diện tích rừng có chứng chỉ chỉ chiếm 8,4% tổng diện tích rừng trồng cả nước (tức khoảng 307.000ha). Chưa hết, lượng rừng trồng từ hộ gia đình chủ yếu là gỗ nhỏ. 
Nguyên liệu trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu, nguyên liệu nhập khẩu cũng đối mặt nhiều rủi ro, nhất là trong bối cảnh thế giới nhiều biến động như hiện nay. Khảo sát của Ban IV với 311 DN tư nhân trong ngành, chỉ 10% DN có ký hợp đồng dài hạn từ 36 tháng trở lên với các nhà cung cấp nguyên liệu trong nước, hơn 7% DN có ký hợp đồng dài hạn với các nhà cung cấp nguyên liệu nước ngoài. 
Nói về việc DN trong nước chưa đẩy mạnh liên kết với các hộ trồng rừng, ông Thang Văn Thông, Tập đoàn Hào Hưng, cho biết đất giao cho dân trồng rừng hiện chỉ có một số DN, trong đó có Hào Hưng liên kết với các hộ dân, nhưng diện tích rất nhỏ, nhiều nhất chỉ 1.000ha. Cũng theo ông Thông, hiện có 3 loại đất là đất rừng tự nhiên (nhưng không có trữ lượng sinh khối); đất đồi trọc; đất nằm ở các công ty lâm nghiệp ở các tỉnh còn rất lớn.
Với các quỹ đất này, nếu hiệp hội và Ban IV kiến nghị Chính phủ thay đổi cơ chế chính sách đưa ra làm đất rừng sản xuất để trồng vùng nguyên liệu, sẽ tạo ra khối lượng gỗ rất lớn, tạo vùng nguyên liệu tập trung cho ngành chế biến gỗ, sau 10 năm sẽ không còn lo thiếu nguyên liệu. Bởi lẽ, theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, trong chuỗi phát triển lâm nghiệp, chuỗi đầu trồng rừng là hiệu quả và lợi nhuận nhất trong các khâu về lâm nghiệp và chế biến gỗ. 

Giải bài toán lao động, công nghệ
Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, cho biết lao động tại tỉnh Bình Dương hiện đang giảm 100.000 người so với năm trước. Nguyên do dịch bệnh và nhiều tỉnh/thành khu vực ĐBSCL và miền Trung cũng hình thành nhiều khu công nghiệp nên thu hút trở lại lao động địa phương. Điều này đẩy các DN nói chung và DN ngành gỗ nói riêng vào tình trạng thiếu lao động.
Để giải quyết DN phải tìm đến 2 giải pháp nâng cao năng suất và đầu tư thiết bị. Thế nhưng, chỉ tính riêng việc đầu tư thiết bị, máy móc cũng không đơn giản. Với những nhà máy quy mô lớn còn làm được, với các nhà máy quy mô trung bình nhỏ không dễ để tìm được vốn đầu tư. 
Theo số liệu điều tra 436 DN của Ban IV, gần 58% công nghệ/máy móc thiết bị sản xuất của các DN trong ngành chế biến gỗ và sản phẩm gỗ và DN sản xuất nội thất có năm sản xuất từ 2010 trở lại đây. Về vấn đề lao động, trong tổng số hơn nửa triệu lao động đang làm việc trong ngành chế biến gỗ và nội thất, chỉ có 55% lao động động lành nghề, còn lại đều là lao động phổ thông chưa được đào tạo và chưa có kinh nghiệm.
Tăng trưởng nhanh nhưng ngành gỗ Việt Nam cũng không tránh khỏi cạnh tranh với các quốc gia lân cận như Trung Quốc, Malaysia hay Indonesia… Vì thế, để ngành gỗ có thể phát triển bền vững, Chính phủ và DN cần chung tay giải nhiều bài toán, như chính sách liên kết trồng rừng và phát triển công nghiệp hỗ trợ; chính sách hỗ trợ vốn vay, đẩy mạnh liên kết giữa các DN trong chuỗi, có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực dài hạn… 
 Tăng trưởng nhanh nhưng ngành gỗ Việt Nam cũng không tránh khỏi cạnh tranh với các quốc gia lân cận như Trung Quốc, Malaysia hay Indonesia.

Các tin khác