Nếu có giàu sức tưởng tượng cũng không ai nghĩ rằng, gần 24 năm trôi qua nhưng dự án NƠXH dành cho công nhân, chuyên gia của Khu công nghệ cao TP Thủ Đức đến giờ vẫn chưa biết được lúc nào sẽ hoàn thành?
Hầu như các dự án nào cũng bị vướng pháp lý nhưng việc giải quyết lại lòng vòng, cơ quan này chờ đơn vị kia, mà đơn vị nào cũng có lý. Dự án phải đủ pháp lý thì ngân hàng mới “bơm vốn”. Rồi người mua lại chờ được phê duyệt danh sách được mua, sau đó tiếp tục chờ ngân hàng cho vay tiền.
Về phía các ngân hàng, trong đó có Ngân hàng Chính sách xã hội, thì chờ phân bổ nguồn vốn, từ đó mới cho người mua NƠXH vay vốn. Các bước thủ tục xem ra còn khá rắc rối.
Khi đi giám sát các dự án NƠXH tại huyện Bình Chánh và TP Thủ Đức, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TPHCM đã chỉ rõ, trách nhiệm không chỉ thuộc các chủ đầu tư mà còn là của UBND huyện Bình Chánh và TP Thủ Đức, một số sở ngành… Đó cũng chính là nguyên nhân cho thấy tại sao trong giai đoạn 2015-2020, TP chỉ có 11 dự án NƠXH được xây dựng hoàn thành, còn giai đoạn 2021- 2023 chỉ 1 dự án hoàn thành.
Không chỉ tại TPHCM, mà trong cả nước, cách nay hơn 1 năm tại hội nghị NƠXH, hàng loạt doanh nghiệp đăng ký triển khai hơn 1 triệu căn hộ nhưng theo báo cáo của Bộ Xây dựng mới đây, trong 6 tháng năm 2023, cả nước chỉ có 9 dự án NƠXH được khởi công.
Nguyên nhân chính nằm ở đâu? Nguồn cơn đều đến từ tính pháp lý. Theo nhận xét của các chủ đầu tư, mặc dù mang tên dự án NƠXH nhưng việc phê duyệt pháp lý lại “y chang” như dự án nhà ở thương mại.
Trong khi đó, về bản chất thì khác nhau hoàn toàn: dự án nhà ở thương mại thì giá bán do chủ đầu tư tự quyết, bán tự do; còn dự án NƠXH thì miễn tiền sử dụng đất, đối tượng mua do cơ quan nhà nước phê duyệt, chỉ cho phép lợi nhuận không vượt quá 10%.
Có lẽ chính vì đi theo khung pháp lý chung nên dự án NƠXH cũng bị “nhiêu khê” như nhau. Mặc dù cho phép lợi nhuận nhưng vì vòng đời dự án kéo dài có khi từ 3-5 năm mới hoàn tất, nếu chia tỷ suất lợi nhuận cho từng năm của vòng đời dự án thì cực kỳ thấp.
Đó chính là lý do không đủ hấp dẫn để thu hút các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư. Nói chung, liên quan đến các quy định về NƠXH, mới xem qua thì nhiều ưu đãi nhưng thực tế lại không dễ chạm tới.
Muốn một chủ trương lớn của nhà nước thành công thì phải bắt nguồn từ chính sách, NƠXH cũng vậy. Theo đó, tại mỗi tỉnh thành, nên lập hẳn một cơ quan chuyên trách về NƠXH, có đủ thẩm quyền tháo gỡ các vướng mắc nêu trên, xử lý dứt điểm các yêu cầu chính đáng từ thực tiễn của câu chuyện NƠXH.
Nhà nước chú trọng các khâu: dự án phải đảm bảo quy hoạch, xây dựng phải đảm bảo chất lượng, đúng đối tượng mua nhà, đảm bảo phòng cháy chữa cháy. Còn lại, các thủ tục phê duyệt dự án hãy tinh giản hết sức có thể. Lúc đó, thủ tục pháp lý thay vì 3-7 năm thì chỉ còn 6 tháng đến một năm là hoàn tất.
Bên cạnh đó, nhà nước dành riêng ngân sách cho NƠXH, người mua muốn vay là có tiền liền, chủ đầu tư muốn vay cũng đáp ứng ngay. Khi có được một giải pháp tổng thể như vậy, chắc hẳn sẽ xử lý rốt ráo được các vấn đề tồn đọng hiện nay.