Ngân hàng lớn thứ 2 Thụy Sĩ bán mình
Credit Suisse có trụ sở tại Zurich, được thành lập từ năm 1856 để tài trợ việc mở rộng các tuyến đường sắt của Thụy Sĩ. Cho đến ngày 19-3, nó vẫn là ngân hàng lớn thứ 2 của Thụy Sĩ tính theo tài sản, chỉ sau UBS. Hoạt động kinh doanh chính của ngân hàng là quản lý tiền và tạo ra các sản phẩm đầu tư cho các khách hàng giàu có trên khắp thế giới.
Nhưng vào tuần giữa tháng 3, Credit Suisse đã bị suy giảm mạnh về niềm tin, khiến giá cổ phiếu và trái phiếu lao dốc, khách hàng đổ xô rút tiền khỏi ngân hàng. Ngân hàng đã phải đối mặt với số tiền rút lên tới 10 tỷ USD mỗi ngày. Các nhà quản lý sợ ngân hàng mất khả năng thanh toán nếu không được xử lý.
Trong khi đó, UBS từ lâu đã được coi là một phần của bất kỳ giải pháp nào được nhà nước hậu thuẫn cho Credit Suisse. Các cuộc đàm phán giữa 2 ngân hàng bắt đầu vào ngày 14-3. Finma, cơ quan quản lý tài chính của Thụy Sĩ, cho biết các nhà chức trách cần phải hành động để ngăn chặn thiệt hại cho thị trường tài chính Thụy Sĩ và toàn cầu.
Và UBS đã đồng ý trả cho các cổ đông của Credit Suisse 3 tỷ franc Thụy Sĩ, tương đương 3,1 tỷ USD, trong nỗ lực tiếp quản. Chính phủ Thụy Sĩ cũng đồng ý hỗ trợ khoản lỗ 9 tỷ franc trên tài sản của Credit Suisse, và cho phép UBS xóa sạch khoảng 17 tỷ USD trái phiếu của Credit Suisse.
Nguyên nhân trực tiếp
Các nhà đầu tư đã cảnh giác cao độ về các dấu hiệu lây lan sau sự sụp đổ nhanh chóng của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) vào đầu tháng này. Điều đó dẫn đến việc bán tháo cổ phiếu của các ngân hàng trên khắp thế giới, bao gồm cả Credit Suisse.
Các vấn đề đối với nhà cho vay Thụy Sĩ đã trở nên đặc biệt nghiêm trọng vào 14-3, khi cổ đông lớn nhất của họ, Ngân hàng Quốc gia Ả-rập Xê-út, cho biết không xem xét thêm khoản đầu tư của mình do các quy định pháp lý. Ngân hàng này đang sở hữu 9,9% cổ phần của Credit Suisse. Các yêu cầu về vốn thường ngăn cản các ngân hàng nắm giữ hơn 10% cổ phần của các ngân hàng khác.
Vụ việc diễn ra vào lúc niềm tin ngành ngân hàng đang bị lung lay sau vụ SVB, đã khuếch đại mối lo ngại của giới đầu tư về khả năng kiếm tiền của Credit Suisse, làm tăng triển vọng rằng ngân hàng có thể phải huy động vốn từ các cổ đông một lần nữa.
Cái gọi là hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) tăng mạnh, khi các nhà đầu tư vội vã bảo vệ mình trước khả năng Credit Suisse có thể vỡ nợ. Đồng thời, cổ phiếu của ngân hàng lao dốc, mất 24% vào 14-3, mức giảm trong 1 ngày lớn nhất trong lịch sử. Giá trái phiếu của Credit Suisse giảm xuống mức áp lực.
Theo nhà cung cấp dữ liệu Trade Alert, các nhà giao dịch đổ xô tìm kiếm các quyền chọn gắn liền với Credit Suisse, với hoạt động đạt mức cao nhất trong lịch sử gần đây. Quyền chọn bán (các hợp đồng giảm giá thường sinh lời khi cổ phiếu giảm) nhiều hơn quyền chọn mua tăng giá. Trong khi đó, một số khách hàng đã tạm dừng giao dịch với ngân hàng.
Sau khi thị trường châu Âu đóng cửa vào 14-3, các nhà quản lý Thụy Sĩ cho biết họ sẽ cung cấp thanh khoản cho Credit Suisse nếu cần. Trong vòng vài giờ, Credit Suisse cho biết họ sẽ khai thác khoản cứu trợ trị giá hơn 50 tỷ USD từ Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ.
Điều đó đã khiến giá cổ phiếu của Credit Suisse tăng lên vào 15-3, giúp nâng cổ phiếu các ngân hàng châu Âu khác. Nhưng cổ phiếu của Credit Suisse lại giảm vào 16-3 và vào cuối tuần, càng cho thấy rõ nó cần được giải cứu.
Vấn đề sâu xa
Credit Suisse đã chịu một thời kỳ khủng hoảng thị trường, doanh thu điều hành và tổn thất tài chính. Đáng chú ý, nó đã từng bị “phỏng” do có liên quan đến sự sụp đổ của Greensill Capital hiện đã phá sản và Archegos Capital Management của Bill Hwang. Năm 2021, Credit Suisse thiệt hại 5 tỷ USD do sự sụp đổ của Archegos, tương đương với lợi nhuận hơn 1 năm.
Gần đây, ngân hàng đã phải đối mặt với việc rút tiền của khách hàng. Vào tháng 10, một cơn bão trên mạng xã hội về sức khỏe của ngân hàng đã khiến các khách hàng giàu có rút lui. Việc rút tiền tiếp tục kéo dài đến cuối quý IV-2022, khiến ngân hàng phải tiếp cận trực tiếp với hơn 10.000 khách hàng giàu có để trấn an họ về sức khỏe của ngân hàng.
Tiền gửi đã giảm 40% vào năm ngoái xuống còn 234 tỷ franc Thụy Sĩ, tương đương 252 tỷ USD, trong khi tổng tài sản giảm 30% xuống còn 531 tỷ franc, tương đương 571 tỷ USD, do ngân hàng thu hẹp hoạt động kinh doanh của mình. Credit Suisse đã báo cáo khoản lỗ ròng 7,3 tỷ franc năm 2022, sau khi công bố khoản lỗ ròng 1,7 tỷ franc vào năm trước.
Khác với SVB
Credit Suisse chủ yếu quản lý tiền cho những người có hàng triệu USD để đầu tư. Ngân hàng có các tỷ phú và quỹ tài sản có chủ quyền trong số những khách hàng lớn nhất của mình. Hầu hết danh mục cho vay của nó ở Thụy Sĩ cực kỳ bảo thủ, nơi nó là ngân hàng số 2 của đất nước về tài sản, phục vụ người tiết kiệm và công ty.
Nó cũng có các nhánh quản lý tài sản và ngân hàng đầu tư lớn. Credit Suisse được coi là một ngân hàng quan trọng trong hệ thống toàn cầu do quy mô và mối liên hệ của nó với hệ thống tài chính.
Trong khi đó, SVB chỉ là ngân hàng khu vực, phục vụ các nhà đầu tư mạo hiểm của Mỹ và các công ty khởi nghiệp công nghệ. Credit Suisse đã đặt cược để phòng ngừa lãi suất tăng. Còn SVB đã báo cáo hầu như không có biện pháp phòng ngừa rủi ro lãi suất nào đối với danh mục đầu tư trái phiếu khổng lồ của mình vào cuối năm 2022.
Credit Suisse đã tích hợp sâu vào hệ thống tài chính toàn cầu, hợp tác chặt chẽ với một số ngân hàng và nhà đầu tư tổ chức. Cổ phiếu ngân hàng này sụt giảm do lo ngại về sự lây lan hệ thống.
Ở cấp độ rộng hơn, các vấn đề của SVB và Credit Suisse đã khiến các nhà đầu tư nghĩ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tạm dừng hoặc giảm quy mô kế hoạch tăng lãi suất hơn nữa để kiềm chế lạm phát.
Các vấn đề của Credit Suisse trở nên cấp bách hơn sau sự sụp đổ của SVB, khiến các nhà đầu tư đặt câu hỏi về việc ngân hàng nào sẽ là mắt xích yếu tiếp theo.