Niềm tin không phải không có cơ sở, thậm chí còn mạnh đến mức chúng ta có thể tự mình cho phép chọn lọc những dự án FDI có tác động lan tỏa lớn, tạo ra giá trị gia tăng cao. Chẳng hạn, hãng Apple đã lên kế hoạch dịch chuyển dây chuyền sản xuất thiết bị sang Việt Nam từ lâu như là một phần trong kế hoạch đa dạng hóa khu vực thay vì phụ thuộc vào Trung Quốc.
Việc Việt Nam chống dịch thành công đã khiến Apple quyết định tăng tốc nhanh hơn quá trình này, khi mới đây đã có hàng loạt chiếc AirPods Pro trên thị trường gắn nhãn "Assembled in Vietnam".
Việt Nam được các nhà đầu tư quốc tế đánh giá là đối thủ cạnh tranh tiềm năng cùng với các nước trong khu vực như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan trong thu hút dòng vốn FDI từ các tập đoàn đa quốc gia đang lên lộ trình dịch chuyển khỏi Trung Quốc.
Bốn lĩnh vực mà các tập đoàn đa quốc gia có xu hướng dịch chuyển vào Việt Nam là công nghệ thông tin và công nghệ cao, thiết bị điện tử, thương mại điện tử và logistics, hàng tiêu dùng và bán lẻ.
Việt Nam đã có những cải cách hành chính đáng kể, thể hiện thông qua việc môi trường kinh doanh liên tục được cải thiện khi tăng 3,5 điểm và 10 bậc, theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), lần đầu tiên vươn lên nửa trên của bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019 với vị trí 67 trên 141 quốc gia.
Tuy nhiên những tiến bộ này xem ra vẫn không đáng kể so với kỳ vọng, đặc biệt so với các nước láng giềng trong cạnh tranh thu hút FDI. Có lẽ điều này đã khiến Thủ tướng quyết định thành lập tổ công tác đặc biệt tham mưu cho Chính phủ đón nhận dòng vốn FDI chất lượng. Mọi cặp mắt đang kỳ vọng tổ công tác đặc biệt có thể tham mưu giúp Thủ tướng đưa ra những quyết định nhanh và chưa từng có để cạnh tranh với các đối tác trong khu vực thu hút dòng vốn từ các tập đoàn đa quốc gia quyền lực toàn cầu.
Tuy nhiên, chính việc thành lập tổ công tác đặc biệt cũng đặt thêm vấn đề về hiệu năng hoạt động của Chính phủ. Phải chăng bộ máy hiện nay cồng kềnh và thiếu hiệu quả đến mức không có một cơ chế ổn định tự động giúp Chính phủ có thể kích hoạt ngay khi cần thiết để thu hút dòng vốn FDI? Phải chăng hệ thống luật lệ rắc rối và các thủ tục hành chính rườm rà đến mức khó lòng các bộ ngành và địa phương có thể phối hợp hiệu quả để thu hút FDI?
Thực tế hàng chục năm qua ở nước ta đã chứng minh, rằng một nhà nước lớn (bộ máy cồng kềnh, thiếu hiệu năng) chỉ có thể là người bạn đồng hành với các FDI nhỏ và nhiều ô nhiễm.
Đại dịch toàn cầu vẫn chưa biết khi nào kết thúc, và ngay cả khi kết thúc làn sóng dịch chuyển FDI toàn cầu vẫn sẽ tiếp tục, các tập đoàn đa quốc gia vẫn muốn đa dạng hóa sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu thay vì tập trung vào một Trung Quốc ngày càng khó lường.
Đặc biệt, vào ngay lúc này, khi mà các dòng vốn toàn cầu vẫn còn đang hoảng sợ lựa chọn điểm đến an toàn vì đại dịch và mâu thuẫn Mỹ-Trung đang ngày càng trở nên khó đoán định, quốc gia nào đưa ra những cam kết mạnh mẽ tức thì và chưa từng có mới có cơ may giành được thị phần lớn dòng vốn FDI chất lượng so với các quốc gia láng giềng.
Chỉ có một nhà nước nhỏ (tinh gọn, hiệu quả) mới có cơ may cạnh tranh với các nước trong thu hút các FDI lớn và chất lượng. Trong khi đó, tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng lại chỉ là một giải pháp tình thế, ngắn hạn, hơn là một cải cách thể chế thực thụ, lâu dài để liên tục đón sóng FDI thế hệ mới giai đoạn hậu Covid-19.
Đón sóng FDI lớn, chất lượng cần phải làm tổ cho đại bàng. Nhưng làm tổ cho đại bàng cần những nghệ nhân tinh xảo biết phối hợp chứ không phải một đại hùng binh mạnh ai nấy làm.