Nhiều địa phương bình ổn thị trường dịp Tết Giáp Thìn

(ĐTTCO)-Chính quyền các địa phương cùng doanh nghiệp phân phối triển khai nhiều giải pháp cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, nhằm không có sự gián đoạn trong cung cấp cũng như xảy ra biến động về giá.

Người dân mua hàng tại Co.opmart Rạch Giá, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)
Người dân mua hàng tại Co.opmart Rạch Giá, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân sẽ tăng cao trong dịp cuối năm 2023 và đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về bình ổn giá, chính quyền các địa phương cùng các doanh nghiệp phân phối đã nỗ lực chuẩn bị nguồn cung hàng hóa ổn định trên địa bàn.

Qua đó, triển khai nhiều giải pháp cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, nhằm không có sự gián đoạn trong cung cấp hàng hóa cũng như xảy ra biến động về giá cả.

Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết ngay từ đầu năm, thành phố đã giao sở chủ trì và triển khai việc chuẩn bị nguồn hàng cho dịp cuối năm.

Các tháng Tết, lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 25-43% nhu cầu thị trường, bình quân mỗi tháng dự kiến cung ứng 5.000 tấn gạo, 70 triệu quả trứng gia cầm, 2.000 tấn đường, 1.000 tấn thực phẩm chế biến, 2.000 tấn dầu ăn, 10.000 tấn rau củ quả, 6.000 tấn thịt gia súc, 8.000 tấn thịt gia cầm, 200 tấn thủy hải sản.

Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh dự báo sức mua mùa Tết năm nay tăng khoảng 11-13% so với Tết Quý Mão 2023. Bên cạnh lương thực, thực phẩm thiết yếu, các mặt hàng bánh kẹo, nước giải khát, hoa, quần áo, giày dép… sẽ tăng mạnh vào giáp Tết.

Riêng mặt hàng gạo, vừa qua Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức kiểm tra nguồn hàng gạo tại các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Qua nhận định của các đầu mối xuất khẩu cho thấy, giá gạo thế giới đang trong xu hướng tăng và khó dự đoán do phụ thuộc nhu cầu của các thị trường lớn và tính toán chiến lược của các nước xuất khẩu.

Sở đang theo dõi sát sao diễn biến này vì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá gạo trong nước và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất lương thực, thực phẩm dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Theo Giám đốc Vận hành hoạt động kiêm Giám đốc Marketing Saigon Co.op Nguyễn Ngọc Thắng, hệ thống đã chuẩn bị nguồn hàng từ nhiều tháng trước Tết. Saigon Co.op cũng tính toán lại giá cả, cân đối thu chi nhằm mang đến nguồn hàng phong phú cùng nhiều ưu đãi.

Dự báo tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, khách hàng tiếp tục thắt chặt chi tiêu, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu. Năm nay, lượng hàng tại hệ thống siêu thị tăng khoảng 30% so với cùng kỳ và tăng 50% so với ngày bình thường.

Đại diện Công ty Chăn nuôi và Chế biến thực phẩm Sài Gòn cho biết để chuẩn bị cho dịp Tết 2024, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sargi) đang mời gọi thêm một số đối tác tham gia vào quá trình giết mổ nhằm tăng nguồn thịt heo cung ứng ra thị trường. Hiện Sargi có những trang trại, nhà máy trực thuộc nên đơn vị chủ động được nguồn hàng đầy đủ.

Tại tỉnh Bình Dương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Dương Phan Thị Khánh Duyên, sở đã có kế hoạch chuẩn bị các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân trong dịp Tết và cả năm 2024, bao gồm 5 nhóm hàng hóa: lương thực (gạo, nếp…); thực phẩm công nghệ (đường, sữa, bột ngọt, dầu ăn, nước chấm, nước giải khát, mì gói, bánh mứt, kẹo…); thực phẩm tươi sống (thịt gia súc, gia cầm, trứng gà, trứng vịt, rau củ, quả…) và thực phẩm chế biến (giò lụa, lạp xưởng, xúc xích....); mặt hàng xăng dầu; thuốc trị bệnh cho người.

Tổng giá trị hàng hóa dự trữ khoảng trên 11.602 tỷ đồng (không tính xăng dầu, thuốc trị bệnh); trong đó, giai đoạn trước, trong và sau Tết Giáp Thìn 2024 khoảng 2.258 tỷ đồng.

Ở các địa phương khác như thành phố Cần Thơ, các tỉnh An Giang, Sóc Trăng, Long An, Trà Vinh,… cũng đã có kế hoạch cho mùa mua sắm cuối năm thông qua vận động doanh nghiệp chuẩn bị nguồn hàng chất lượng, vận động doanh nghiệp tổ chức các hoạt động khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng.

Bộ Công Thương nhận định trong thời gian tới, thị trường hàng hóa thế giới sẽ còn nhiều biến động do tác động của các vấn đề bất ổn chính trị đang tiếp tục gia tăng tại nhiều khu vực.

Khách mua hàng bình ổn tại siêu thị Co.op Food, quận Phú Nhuận. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Khách mua hàng bình ổn tại siêu thị Co.op Food, quận Phú Nhuận. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Bộ Công Thương đề nghị Sở Công Thương các địa phương chủ động tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh triển khai các biện pháp bình ổn thị trường theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, phối hợp với ngành ngân hàng hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng thiết yếu phục vụ Tết với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, tạo nguồn hàng hóa bình ổn thị trường dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Các Sở Công Thương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các đơn vị chức năng tại các địa phương theo dõi sát tình hình sản xuất, diễn biến thời tiết, dịch bệnh, đánh giá năng lực sản xuất, nguồn cung ứng các mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Chủ động có phương án hoặc đề xuất phương án để bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường các mặt hàng nông sản thực phẩm thiết yếu thời điểm cuối năm và Tết Giáp Thìn 2024.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng từ sau đại dịch COVID-19, cộng đồng doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về thị trường, vốn, thủ tục hành chính... Do đó, cơ quan chức năng phải tính đến lâu dài, hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, chi phí lưu thông, lưu kho, lưu bãi, chi phí đưa hàng vào các siêu thị, trung tâm thương mại.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp phân phối thực phẩm cũng cam kết tăng sản lượng trong tình huống khẩn cấp, sẵn sàng bán hàng lưu động đến nơi thiếu hàng cục bộ, kiên quyết không để xảy ra khan hiếm hàng hóa, mất cân đối nhu cầu trong mọi tình huống.

Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ hàng giả, hết hạn, kém chất lượng; kịp thời xử lý ngay các sản phẩm chưa đáp ứng các quy định về an toàn thực phẩm, nhất là thực phẩm tươi sống.

Sở Công Thương Bình Dương đề nghị các doanh nghiệp tham gia chương trình đảm bảo số lượng, chất lượng hàng hóa theo kế hoạch đã đăng ký; chủ động ký kết hợp đồng hàng hóa với nhà cung cấp để đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho thị trường trước, trong và sau Tết Giáp Thìn 2024 (từ 1/12/2023-1/3/2024).

Bên cạnh mục tiêu đảm bảo cân đối cung cầu, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và ổn định giá cả, theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương, chương trình bình ổn thị trường năm nay, đặt ra mục tiêu tăng cường thực hiện các giải pháp bảo đảm chăm lo đời sống và an sinh xã hội cho người lao động có thu nhập thấp tại các khu, cụm công nghiệp và các xã vùng nông thôn, nhất là trong dịp Tết Giáp Thìn 2024.

Tại các tỉnh, thành có vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, chính quyền địa phương xúc tiến tổ chức các chuyến bán hàng, chuẩn bị tốt nguồn hàng chính sách, các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, phục vụ Tết để cung ứng sớm và đầy đủ cho người dân. Đặc biệt, chú trọng công tác cung ứng hàng hóa cho các vùng bị thiệt hại do thiên tai với số lượng đủ, giá cả hợp lý, chất lượng bảo đảm.

Các tin khác