Tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 5,34 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 2,5 tỷ USD, giảm 4,3%; giá trị xuất khẩu chăn nuôi ước đạt 74 triệu USD, giảm 9,6%; giá trị xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm 2020 đạt 932 triệu USD, giảm 15,9%.
Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu hàng nông sản, thủy sản… vẫn có nhiều tín hiệu tốt. Theo Bộ NN-PTNT, Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga vừa có thông báo chính thức cho phép nhập khẩu sản phẩm thịt gà chế biến từ Việt Nam. Điều này đồng nghĩa, sản phẩm thịt gà chế biến của Việt Nam cũng được xuất sang các nước trong Liên minh Kinh tế Á Âu.
Trước đó, Cục Thú y Việt Nam đã chủ động, tích cực đàm phán với Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga về các yêu cầu vệ sinh thú y đối với thịt gà chế biến. Để có thể xuất khẩu được thịt gà chế biến vào các thị trường khó tính này, Việt Nam phải đáp ứng được các tiêu chuẩn chăn nuôi, giết mổ, chế biến thịt gà theo chuỗi, bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc.
Doanh nghiệp đầu tiên được Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga cấp phép xuất khẩu sản phẩm thịt gà chế biến sang thị trường này là Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam. Việc thị trường xuất khẩu thịt gà chế biến được mở rộng thêm sang nhiều nước không những giúp nâng cao giá trị gia tăng của ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam, mà còn mở ra hướng đi mới cho người chăn nuôi gà, giảm bớt phụ thuộc vào thị trường trong nước; từ đó nâng cao vị thế của ngành chăn nuôi Việt Nam.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Úc, cần phải đa dạng hóa mặt hàng nông sản tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Úc, đặc biệt các mặt hàng không phải đàm phán mở cửa, có thể xuất khẩu ngay. Trong đợt làm việc với các nhà nhập khẩu tại Úc tuần qua, đại diện Thương vụ cho rằng, măng tây tươi là mặt hàng nông sản phù hợp, có giá trị cao.
Hiện nay, măng tây Việt Nam vắng mặt tại thị trường Úc, trong khi Úc là quốc gia nhập khẩu nhiều măng tây, chủ yếu từ Mexico và Peru. Năm 2019, kim ngạch nhập khẩu măng tây vào Úc đạt gần 18 triệu USD. Trong khi đó, Việt Nam lại rất đa dạng về nguồn nông sản này, măng tây được trồng tại nhiều vùng ở Việt Nam như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Hà Nội…
Thương vụ Việt Nam đã làm việc với nhà nhập khẩu tại Úc để sẵn sàng nhập măng tây từ Việt Nam ngay trong tháng 3 này và có kế hoạch nhập khẩu ổn định. Các nhà xuất khẩu, hợp tác xã, người nông dân trồng măng tây đáp ứng được các điều kiện về an toàn sinh học có thể tham gia. Thương vụ hy vọng việc tìm kiếm cơ hội đa dạng mặt hàng xuất khẩu (đặc biệt là không phải đàm phán mở cửa) sẽ giúp bà con nông dân bớt tập trung sản xuất quá lớn vào một số mặt hàng dẫn đến nhiều rủi ro khi có biến động.
Nếu măng tây Việt Nam xây dựng được thương hiệu tại Úc, từ đó tạo được uy tín, sẽ mở ra cơ hội to lớn về một ngành hàng nông sản nhiều triển vọng trên thị trường thế giới. Măng tây xuất khẩu vào Úc không phải xin giấy phép nhập khẩu. Tuy nhiên, các lô hàng sẽ bị kiểm tra việc đáp ứng các điều kiện về an toàn sinh học theo quy định của Úc. Quan trọng nhất không được nhiễm bọ trĩ (Thripidae).