Việc kích thích tiêu dùng nội địa trong lĩnh vực bán lẻ, dịch vụ dễ tạo ra hiệu ứng tăng trưởng trong ngắn hạn. Qua đó, góp phần bù đắp phần nào khoản suy giảm kinh tế do ảnh hưởng của khu vực xuất khẩu. Trong quý 2 hàng năm, Việt Nam có nhiều cơ hội để kích thích tăng trưởng dịch vụ bán lẻ, lưu trú, ăn uống, lữ hành bởi có nhiều lễ hội như Giỗ tổ Hùng Vương, lễ 30-4 và 1-5…
Thông thương, kỳ nghỉ dài, người dân sẽ lựa chọn điểm đến du lịch hấp dẫn và chi phí phù hợp như vé máy bay, dịch vụ lưu trú, ăn uống, tham quan, trải nghiệm, tiêu dùng… Do vậy, ngành du lịch sẽ thất bại nếu không tạo được sự cạnh tranh về các chi phí này.
Giá cao không hẳn doanh thu và lợi nhuận sẽ cao. Việc này còn tùy thuộc vào độ nhạy cảm của giá đối với nhu cầu của từng loại hàng hóa và dịch vụ cụ thể. Thông thường, dịch vụ giải trí, du lịch khá nhạy cảm với giá. Chẳng hạn, nếu vé máy bay đến các điểm du lịch trong nước cao hơn đến các điểm du lịch của các nước lân cận thì du khách sẽ chọn xuất ngoại.
Tương tự, giá vé tham quan, giá dịch vụ lưu trú, ăn uống trong nước cao hơn, du khách cũng sẽ lựa chọn quốc gia có chi phí này thấp hơn. Nhiều người tham gia kinh doanh dịch vụ bán lẻ, lưu trú, lữ hành suy nghĩ rằng, vào các dịp lễ hội thường nhu cầu tăng cao, nên tăng giá để tăng doanh thu và lợi nhuận.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, giá tăng dẫn đến cầu giảm, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thu nhập của người dân bị giảm sút như hiện nay. Trong bối cảnh đó, chỉ những khu vực, quốc gia có chiến lược giá phù hợp sẽ thu hút được du khách.
Trong dịp lễ 30-4 và 1-5 năm nay, một tỷ lệ lớn người mua tour du lịch nước ngoài thay vì trong nước sẽ làm mất cơ hội kích cầu nội địa. Hiện nhiều doanh nghiệp trong nước gặp khó vì không tiêu thụ được sản phẩm; nhiều khách sạn, nhà nghỉ phải rao bán vì không có khách.
Để giải quyết khó khăn này, cần kích cầu tiêu dùng, cụ thể là kích thích du khách nước ngoài cũng như trong nước lựa chọn điểm du lịch nội địa. Và để làm được điều đó, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị vận chuyển hành khách, kinh doanh lưu trú, khai thác dịch vụ, bán buôn bán lẻ…
Cơ hội cho ngành du lịch chia đều cho các tất cả các quốc gia. Quốc gia nào có chiến lược giá, dịch vụ cạnh tranh hơn sẽ thu hút được du khách và thu lợi nhuận nhiều hơn. Để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành du lịch, ngoài những định hướng dài hạn như phát triển loại hình du lịch, điểm tham quan, dịch vụ giải trí…, cần quan tâm đến chiến thuật thu hút du khách trong những thời điểm cụ thể, nhất là thời điểm diễn ra kỳ nghỉ dài.
Muốn vậy, đòi hỏi có sự tham gia của các ngành liên quan, như ngành hàng không cần có những chuyến bay giá rẻ hơn bình thường; đơn vị lưu trú có chương trình giá ưu đãi và dịch vụ tiện lợi bổ sung; các điểm tham quan chú ý đến việc không tăng giá và khuyến mãi đính kèm; bán hàng cho du khách với giá cả phù hợp…
Khi tỷ lệ lớn du khách chọn các điểm tham quan tại Việt Nam sẽ tạo ra tác động kích cầu tới rất nhiều ngành, tạo được nhiều việc làm, doanh số nhiều ngành sẽ tăng gấp bội, lợi nhuận cũng theo đó tăng lên. Du lịch không thể phát triển nếu thiếu chiến lược tổng thể, thiếu sự tham gia có trách nhiệm của các ngành hàng không, vận tải, bán lẻ…
Khi các ngành cùng thấu hiểu được triết lý làm du lịch, thì sự phát triển của ngành du lịch sẽ kích thích các ngành liên quan cùng phát triển theo hướng bền vững hơn.