Phục hồi, phát triển
TPHCM đã đi qua những tháng ngày căng thẳng nhất trong làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4. Trong “cơn bão” dịch bệnh, chưa bao giờ người dân TPHCM phải chịu nhiều tổn thất, mất mát như vậy.
Cũng chưa bao giờ, trong lịch sử của TPHCM từ giai đoạn đổi mới đến nay, thành phố tăng trưởng âm 6,78% trong khi kế hoạch năm 2021 đề ra là 6%.
Từ trong mất mát thương đau đó, điểm sáng và cũng chính là giá trị lớn lao là Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM có sự đoàn kết chung lòng, đồng cam cộng khổ. Với sự hỗ trợ của Trung ương, sự tương trợ của các tỉnh thành trong cả nước, sự ủng hộ của các tôn giáo, sự chia sẻ của kiều bào ở nước ngoài, TPHCM đã đứng vững, từng bước kiểm soát được dịch bệnh và dần bước sang trạng thái “bình thường mới”.
Hiện nay, TPHCM nỗ lực thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Trong giai đoạn mới, thành phố ra sức phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Vấn đề được nhiều cử tri quan tâm là TPHCM sẽ phục hồi ra sao, phát triển như thế nào, khi mà chúng ta vừa trải qua cơn “bạo bệnh” Covid-19 với biến thể Delta và giờ đây dịch Covid-19 vẫn còn hoành hành, thế giới phải đối mặt với biến thể mới Omicron nhiều phức tạp?
Nhìn toàn cảnh, làn sóng dịch Covid-19 lần 4 đã gây tác hại nghiêm trọng; song, trong đá vẫn có ngọc, trong gian khó vẫn có những điểm sáng rất đáng trân trọng. Kim ngạch xuất khẩu (không tính dầu thô) giữ ổn định và tăng 2,8%; tổng thu ngân sách Nhà nước có khả năng đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Nhiều cơ hội cũng nổi lên sau đại dịch Covid-19. Nhiều doanh nghiệp và đơn vị trên địa bàn TPHCM đã ứng dụng kinh tế số và kỹ thuật số, phát triển thương mại điện tử. Nhiều người dân cũng tạo lập tâm thế mới, thói quen mới, biết ứng dụng công nghệ nhanh nhạy hơn để phục vụ cuộc sống, làm các thủ tục, giấy tờ hành chính. Sau đại dịch là cơ hội rất tốt để TPHCM đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.
Dù khó khăn, TPHCM vẫn không điều chỉnh các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội được xác định tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI. Điều đó cho thấy quyết tâm và khát khao vực dậy, phục hồi và phát triển thành phố, nâng cao chất lượng đời sống người dân.
Khát khao đó được cụ thể hóa bằng các giải pháp mở cửa dần nền kinh tế từ ngày 1-10 và khẩn trương xây dựng Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội TPHCM giai đoạn 2022-2025 với các giải pháp cấp bách và trọng tâm để khôi phục những đứt gãy, vực dậy kinh tế - xã hội của thành phố.
Với truyền thống năng động, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM đang bắt tay ngay vào công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững vị thế đầu tàu kinh tế của cả nước.
Nâng chất lượng sống người dân
TPHCM phục hồi theo giai đoạn, trước hết tập trung cho phục hồi hoạt động sản xuất, ổn định đời sống người dân. Tiếp đến, chuyển những vấn đề được nhận diện thực chất qua đại dịch Covid-19 thành các động lực thúc đẩy cải cách mạnh mẽ và toàn diện kinh tế - xã hội.
Để đảm bảo chăm sóc sức khỏe người dân và có thể ứng phó với biến cố bất định, thích ứng dịch bệnh có thể xảy ra, trong quá trình phục hồi và phát triển, TPHCM chú trọng trụ cột về y tế, nâng cao năng lực hệ thống y tế (y tế cơ sở, y tế dự phòng và y tế điều trị), phát triển dịch vụ y tế thông minh.
Là thành phố đầu tàu kinh tế của cả nước, sự phục hồi và phát triển TPHCM không chỉ có ý nghĩa đối với riêng TPHCM mà còn tác động sâu rộng đến bức tranh kinh tế cả vùng và cả nước. Dư chấn của đại dịch Covid-19 không phải ngày một, ngày hai có thể khắc phục ngay các tổn thất và hệ lụy, mà công cuộc phục hồi cần một thời gian nhất định, trên tinh thần nhanh nhất có thể.
Để phục hồi nhanh chóng, TPHCM tập trung khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng từ lưu thông đến sản xuất, phân phối tiêu dùng; ưu tiên hỗ trợ nguồn lực cho các ngành kinh tế, các động lực tăng trưởng kinh tế từ đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu tăng tốc trở lại.
Vấn đề quan trọng là tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp sáng tạo phát triển.
Đó cũng là một nội dung chính trong chủ đề của năm 2022 - “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”.
Năm 2022, TPHCM được tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách (từ 18% lên 21%), giúp thêm nguồn lực quý giá cho đầu tư công, tháo gỡ các điểm nghẽn phát triển. Hơn nữa, việc thúc đẩy đầu tư công, nhất là các dự án trọng điểm, sẽ càng tạo sự lan tỏa, thu hút đầu tư xã hội, tác động mạnh tới sự thăng hoa kinh tế và nâng cao đời sống người dân.
"Chúng ta chia sẻ mất mát, đau thương với đồng bào thành phố đã gánh chịu trong đại dịch Covid-19 và cũng cảm ơn những thương đau đã qua giúp chúng ta thức tỉnh, có cơ hội nhìn lại toàn diện các lĩnh vực, các vấn đề và giờ đây bắt tay vào kiến thiết, phục hồi và phát triển một cách mạnh mẽ hơn. Mất mát khiến chúng ta có giây phút chùng lòng, thậm chí sợ hãi, nhưng vượt qua mất mát cũng giúp chúng ta mạnh mẽ hơn và trưởng thành hơn. Giờ đây với nỗ lực 200%, chắc chắn “chiếc lò xo” TPHCM bị nén trong thời gian qua sẽ bung sức, nảy bật phát triển" Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ |
Bên cạnh các chính sách hỗ trợ, chăm lo đời sống người dân, TPHCM tập trung củng cố và vận hành hệ thống an sinh xã hội với nhiều trụ cột. TPHCM đặc biệt quan tâm đối với những người yếu thế, gia đình chính sách có công, hộ nghèo, người già neo đơn và trẻ em mồ côi vì Covid-19.
Qua đại dịch, chúng ta càng thấu hiểu đời sống vô cùng khó khăn và dễ tổn thương của người lao động nhập cư, trong đó có tình trạng nhà ở không đạt chất lượng. Thực trạng đó đòi hỏi yêu cầu bức thiết phải chỉnh trang đô thị, cải tạo các dự án chung cư cũ, tổ chức lại cuộc sống cho người dân đang sống trên và ven kênh rạch, chú trọng các dự án xây nhà cho người có thu nhập thấp, công nhân, người lao động.
Đồng thời, thực tế đó cũng đặt ra yêu cầu phải thúc đẩy dạy nghề, tạo công ăn việc làm, kết nối, giới thiệu việc làm phù hợp trong tình hình mới. Không chỉ tạo ra việc làm nhiều hơn mà còn phải tạo ra việc làm tốt hơn, được đảm bảo về an sinh xã hội, có năng suất, thu nhập cao hơn và cân bằng giữa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Có được việc làm bền vững sẽ trực tiếp cải thiện căn bản chất lượng cuộc sống người dân.
Tăng cường giám sát và vai trò đại biểu HĐND
Trong nỗ lực chung của thành phố, HĐND TPHCM - với vai trò là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân - sẽ đổi mới hoạt động, nâng cao chất lượng giám sát để góp phần khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội TPHCM.
Từ năm 2021, TPHCM thực hiện chính quyền đô thị, không tổ chức HĐND quận, phường. Thực tế mới dẫn đến việc giám sát của HĐND TPHCM cần có định hướng mới, phù hợp với thực tiễn, đảm bảo quyền giám sát của nhân dân giao cho được thực hiện trọn vẹn.
Chính vì vậy, HĐND TPHCM khóa X tiến hành xây dựng Đề án nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND TPHCM trong điều kiện tổ chức chính quyền đô thị nhiệm kỳ 2021-2026. Đề án đưa ra những giải pháp tăng cường hiệu quả hoạt động của các kỳ họp HĐND TPHCM; nâng cao chất lượng công tác giám sát và khảo sát cũng như ngày càng nâng cao tính đại diện của đại biểu HĐND trong quyết định những vấn đề quan trọng của thành phố, góp phần đưa hoạt động HĐND, đại biểu HĐND sâu sát cơ sở, sâu sát với dân.
Để thực hiện hiệu quả chính quyền đô thị, HĐND TPHCM nâng cao vai trò của tổ đại biểu, xây dựng cơ chế giám sát của tổ đại biểu; xây dựng cơ chế tổ đại biểu trực tiếp tiếp công dân 1-2 lần/tháng.
Cùng với đó, tập trung theo dõi kiến nghị cử tri thông qua tổ đại biểu trực tiếp tại địa bàn được phân công; tiếp tục lắng nghe đề xuất kiến nghị của cử tri qua tổng đài 1022. Đặc biệt, từ tháng 1-2022, HĐND TPHCM thực hiện chương trình “Dân hỏi - Chính quyền thành phố trả lời”, tạo cầu nối hiệu quả hai chiều giữa người dân với chính quyền TPHCM. HĐND TPHCM cũng chú trọng xây dựng hệ thống thông tin cập nhật tình hình, tiến trình xử lý đơn thư; theo dõi, giám sát kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri.