Nông sản Việt chinh phục những thị trường khó tính

(ĐTTCO)- Năm 2022, hàng loạt nông sản của Việt Nam như: Chanh leo, sầu riêng, bưởi, chuối, khoai lang, tổ yến đã chinh phục được các thị trường lớn như: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản.
Những lô sầu riêng đầu tiên được xuất khẩu qua cửa khẩu Lạng Sơn.
Những lô sầu riêng đầu tiên được xuất khẩu qua cửa khẩu Lạng Sơn.

Kết quả này khẳng định thành công của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong đàm phán mở cửa thị trường và tư duy chuyển đổi từ sản xuất theo sản lượng sang tập trung vào chất lượng của nông dân và doanh nghiệp.

“Trái cây nước ngoài bán giá rất cao mà của mình ra bị đụng hoài, cho nên có những mô hình sản xuất an toàn rất bổ ích cho nông dân. Cây trái bây giờ sản xuất an toàn, ở xóm thôn mọi người đều học tập nhau chia sẻ về cách chăm sóc với nhau như: phun thuốc, chăm sóc như thế nào cho đúng quy trình, đảm bảo điều kiện để xuất khẩu” - Đây là những chia sẻ của nông dân một số vùng chuyên canh cây ăn trái ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Niềm vui có được từ khi bà con tham gia sản xuất nông sản an toàn đón trước việc mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch đối với những nông sản là lợi thế của Việt Nam. Năm nay, lần đầu tiên đưa trái sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, gia đình ông Lê Hữu Viết, ở huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai đã thu hàng trăm triệu đồng từ hơn 2 ha trồng loại quả này.

Ông Viết cho biết, canh tác theo cách truyền thống như trước đây chưa ứng dụng khoa học kỹ thuật nên hiệu quả chưa cao. Từ khi tham gia sản xuất theo hướng dẫn sản xuất an toàn, các thành viên hợp tác xã trong vùng được cấp mã số xuất khẩu chính ngạch và được đảm bảo khâu đầu ra nên bà con yên tâm sản xuất để nâng cao thu nhập.

“Khi tham gia, thứ nhất là tự tin và mở rộng tầm nhìn và cứ thế phát triển, còn trước kia khi chưa tham gia thì mò mẫm chắp vá rất vất vả nhưng hiệu quả rất thấp. Hiện nay đang khuyến khích nông dân đi đúng hướng thứ nhất là sản phẩm sạch, chất lượng ngon không những cạnh tranh ở thị trường nội địa mà còn cạnh tranh với thị trường quốc tế” - ông Viết chia sẻ.

Theo bà Đặng Thị Thúy Nga, Giám đốc Hợp tác xã thương mại dịch vụ Xuân Định, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai: “Xuất khẩu từ tiểu ngạch sang chính ngạch bây giờ phải quyết định hướng đi. Từ trước đến nay, những công ty lớn chưa bao giờ biết đến mình và ngược lại nhưng nay hợp tác xã có mã vùng trồng thì rất nhiều doanh nghiệp nhà xuất khẩu lớn tìm đến mình. Họ mong muốn đăng ký và được ủy quyền mã vùng trồng của mình để xuất khẩu, đây không chỉ là niềm vui với nông dân mà còn cả hợp tác xã và tỉnh Đồng Nai”.

Kiểm tra bao bì, tem nhãn sầu riêng trước khi xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Mở cửa thị trường đã khó nhưng giữ được thị trường còn khó hơn. Để làm được điều này, đòi hỏi mỗi nông dân, doanh nghiệp phải thay đổi tư duy sản xuất để đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn của từng thị trường, cùng với vai trò đồng hành của cơ quan quản lý Nhà nước trong thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm nông sản chủ lực và những nông sản tiềm năng.

Với kinh nghiệm sản xuất và xuất khẩu được lô bưởi đầu tiên vào thị trường Mỹ trong năm 2022, bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc công ty cổ phần Tập đoàn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu chia sẻ: “Mở cửa 1 thị trường mất ít nhất từ 3 - 5 năm, doanh nghiệp khi làm một số sản phẩm xuất khẩu vào Mỹ cũng mất đến 6 năm. Đây là nỗ lực rất lớn từ phía các cơ quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong đàm phán để mở cửa thị trường. Khi chúng ta đã mở cửa được thị trường thì vấn đề quan trọng là làm sao để duy trì và phát triển thị trường đó, đây không chỉ là nhiệm vụ của riêng doanh nghiệp mà còn là vai trò của các địa phương của nông dân trong chuỗi liên kết để làm sao có thể phát huy được thị trường đó”.

Nhận định về việc mở cửa được thị trường, ký kết các Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch nông sản sẽ tạo điều kiện pháp lý rõ ràng và minh bạch, là động lực cho nông dân sản xuất chuyên nghiệp với quy mô hàng hóa lớn, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, cập nhật thông tin, kết nối thương mại nông sản ở các thị trường đã có cũng như mở rộng cơ hội tiếp cận các thị trường mới sẽ giúp các thành phần tham gia chuỗi giá trị nâng cao khả năng cạnh tranh và xây dựng thương hiệu nông sản Việt dựa trên các vùng trồng uy tín, chất lượng và giá trị cao.

“Chúng tôi đánh giá rất là tốt, vừa nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp, của cơ quan quản lý Nhà nước và đặc biệt là người dân có trách nhiệm hơn, chuyên nghiệp hơn làm ăn bài bản và hệ thống hơn, phải nhìn nhau mà làm, phải làm một cách đồng bộ thì mới tạo ra các sản phẩm đồng đều với chất lượng như nhau thì mới có thể xuất khẩu được. Hy vọng rằng sang năm 2023 chúng ta sẽ tiếp tục mở cửa được nhiều các thị trường hơn các loại trái cây trọng điểm và đặc biệt chúng tôi kỳ vọng những nông sản, trái cây chúng ta mở cửa được phải duy trì bền vững và mở rộng thị phần ở các nước, qua đó khẳng định sự thành công của việc đàm phán và cũng là thành công của ngành đó” - ông Hoàng Trung nói.

Mở cửa được thị trường đã khó, giữ được thị trường càng khó hơn. Từ câu chuyện thay đổi tư duy sản xuất theo sản lượng sang tập trung vào chất lượng mang lại những kết quả ấn tượng trong năm 2022, bước sang năm 2023, ngành nông nghiệp, doanh nghiệp và nông dân quyết tâm đưa nông sản Việt vươn ra biển lớn. Cùng với những thị trường như: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc… toàn ngành tiếp tục nỗ lực đàm phán để mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch thêm nhiều nông sản vào các thị trường lớn và tiềm năng khác.

Các tin khác