Báo cáo nghiên cứu phát hành ngày 23/8 của Trung tâm Perth USAsia, Australia, đã nêu ra một số yếu tố giúp Việt Nam ngày càng trở thành đối tác mong muốn của Australia cũng như nhiều quốc gia khác trong bối cảnh hai nước đang hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao vào đầu năm 2023 và chuẩn bị cho giai đoạn tăng cường hợp tác tiếp theo.
Theo báo cáo mang tên "Hợp tác với một Việt Nam chủ động: Chương trình nghị sự kinh tế thiết thực cho Australia", yếu tố thứ nhất là nhờ quy mô kinh tế và cách thức phản ứng phù hợp với đại dịch COVID-19 đã giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia năng động nhất Đông Nam Á. Việt Nam đã phục hồi sau suy thoái kinh tế do COVID-19 gây ra tương đối nhanh hơn so với các nước Đông Nam Á khác.
Trong khi Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan dự kiến điều chỉnh dự báo tăng trưởng của mình ở mức khiêm tốn hơn so với trước đại dịch, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam trong năm 2022 hiện là 7%, cao hơn mức tăng trưởng trước đại dịch.
Yếu tố thứ hai là Việt Nam đang gặt hái được những thành quả từ những nỗ lực nhằm định vị trong sự thay đổi của chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là khi các nước khác đang tìm kiếm một điểm đến mới thay cho Trung Quốc. Với môi trường chính trị ổn định, lao động được đào tạo tốt và còn tương đối rẻ và các chính sách đầu tư nước ngoài thuận lợi, Việt Nam đã trở thành một lựa chọn ưu tiên.
Bên cạnh đó, chính sách tích cực hội nhập kinh tế và ngoại giao của Việt Nam, bao gồm việc tham gia vào các hiệp định khu vực quan trọng như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) làm tăng khả năng cạnh tranh của Việt Nam.
Theo báo cáo, Việt Nam hiện được coi là một trong những quốc gia có nền chính trị ổn định nhất ở khu vực Đông Nam Á. Cùng với việc giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và duy trì trật tự xã hội, mục tiêu chính của Việt Nam là tăng trưởng kinh tế. Với mục tiêu này, Việt Nam không chỉ tham gia tích cực vào các nỗ lực thương mại đa phương mà còn đi đầu trong hội nhập thương mại khu vực.
Báo cáo đánh giá vai trò quốc tế của Việt Nam ngày càng tích cực và đạt được nhiều kết quả trong khuôn khổ Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng như trong các diễn đàn khu vực và quốc tế trên phạm vi rộng hơn.
Với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2020 trong năm đại dịch và là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam đã đóng một vai trò tích cực vào thời điểm địa chính trị bất ổn, củng cố hình ảnh như một quốc gia có trách nhiệm trên trường quốc tế.
Về quan hệ Australia và Việt Nam, báo cáo nhận định Australia luôn là đối tác quan trọng của Việt Nam, đặc biệt là nhờ những nỗ lực hợp tác sớm trong một số dự án cơ sở hạ tầng lớn, bao gồm cầu Mỹ Thuận hoàn thành năm 2000 và cầu Cao Lãnh hoàn thành năm 2018.
Trong khi đó, Việt Nam cũng đánh giá cao Australia trong vai trò là một đối tác trong khu vực, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung đang gia tăng. Đặc biệt, vào năm 2018, Australia và Việt Nam đã công nhận tầm quan trọng của mỗi nước và nâng quan hệ sông phương lên Đối tác Chiến lược.
Theo báo cáo, thời gian tới là cơ hội để Australia chứng tỏ giá trị của mình với tư cách là một đối tác song phương bằng cách hỗ trợ nề kinh tế Việt Nam đối phó với những thách thức mới nổi lên về năng lượng, gián đoạn chuỗi cung ứng và an ninh lương thực, tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực chuyển đổi số, giáo dục...