Phải để cho các ngân hàng 'liệu bò đo chuồng'

(ĐTTCO) - Hiện tượng tăng trưởng tín dụng đột ngột vào cuối năm 2023 (13,71%) có thể do NHNN dùng áp lực để các NHTM cho vay mạnh tay để gần đạt được chỉ tiêu 14%. Điều đó cho thấy không thực chất.

Phải để cho các ngân hàng 'liệu bò đo chuồng'

Bởi lẽ tín dụng không thể căn cứ vào tháng 12, mà phải tính bình quân cho 4 quý để thấy mức tăng trưởng thực. Còn chỉ tiêu gần 14% của năm 2023 rất có thể nhiều khoản tín dụng không đáp ứng nhu cầu thực.

Chẳng hạn, các NHTM sẽ không khó khăn trong việc thỏa thuận cho vay cầm cố sổ tiết kiệm, và hoạt động này không gây ra bất cứ rủi ro nào cho NH, nhưng trên sổ sách tài sản và tổng dư nợ của NH được tăng lên. Một góc nhìn khác, không loại trừ vấn đề “xào nấu” sổ sách vào cuối năm để có mức tăng trưởng cận kề mục tiêu 14%.

Chúng ta bước vào năm 2024 với nhiều hy vọng hơn, và cũng nhìn thấy những điểm mới hơn từ chính sách tín dụng của NHNN. Đó là NHNN đặt chỉ tiêu trần tín dụng 15%, tương ứng có khoảng 2 triệu tỷ đồng sẽ được cung ứng ra nền kinh tế trong năm. Đây là mục tiêu để ngành NH phấn đấu, nhưng khả năng hấp thụ đến đâu còn tùy điều kiện của nền kinh tế và khả năng vay tiền của doanh nghiệp (DN).

Dĩ nhiên, tùy sức khỏe từng NH sẽ được giao room tín dụng phù hợp, không phải NH nào cũng giống nhau, và NHNN đã dừng chính sách giao room cầm chừng sau đó cấp nới theo kiểu xin – cho như trước. Xét theo thông lệ quốc tế, áp room tín dụng cho các NH không còn phù hợp, cần phải dỡ bỏ để các NH cho vay tùy theo tình hình tài chính, khả năng huy động vốn, tùy theo thị trường mà họ hoạt động…

Do vậy việc NHNN giao hẳn room như vậy là hợp lý, sẽ không còn vất vả xem xét từng NH để giao room và nới ra khi cạn room tín dụng. Điều đó cũng dễ cho các NH có một dự báo, một kế hoạch tài chính, nhất là kế hoạch hoạt động tín dụng hợp với thực tế.

Thế nhưng cũng cần lưu ý, khi áp dụng phương thức này chỉ trong những trường hợp thật đặc biệt, tránh trường hợp NH bơm tín dụng rất nhiều cho các sân sau rồi xin mở room, và NHNN lại nới room một loạt cho các NH. Và khi để cho các NH cho vay tùy theo khả năng của mình, NHNN chỉ thực hiện vai trò giám sát.

Khi đó để chống lạm phát, NHNN có thể sử dụng những công cụ khác, trong đó có công cụ dự trữ bắt buộc nhằm giới hạn được số tiền các NH cho vay, điều hòa lượng tiền đổ vào trong lưu thông.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng còn nhiều điểm phải rút kinh nghiệm. Năm 2023, hiện tượng NH dùng tiền gửi của xã hội để hỗ trợ hoạt động kinh doanh các công ty “sân sau” hoặc những bên liên quan của các thành viên lãnh đạo.

Tiền đó tuy cũng đổ vào nền kinh tế nhưng nhiều bất cập, như nhóm sân sau được hưởng các đặc quyền, đặc lợi từ NH, từ điều kiện cho vay dễ dàng đến lãi suất thấp làm tăng rủi ro cho các NH. Thậm chí khi “sân sau” không trả được nợ, NH sẽ tìm mọi cách để che giấu nợ xấu. Đó là bài học kinh nghiệm để nhà điều hành có chính sách quản lý phù hợp hơn.

Điều quan trọng lúc này là nợ xấu. Nợ xấu không phải là hiện tượng của một thời điểm, mà là hiện tượng của một quá trình. Năm 2022, chúng ta gặp khó khăn về nợ xấu, năm 2023 vẫn chưa phục hồi được và nợ xấu tăng lên, năm 2024 có lẽ cũng sẽ như thế.

Do vậy, mục tiêu của NHNN là 15% và Chính phủ vẫn luôn đốc thúc tăng tín dụng, nhưng không phải các NH nhất định phải cho vay để đến cuối năm đạt 15%. Hãy để cho các NH “liệu bò đo chuồng” theo khả năng cho vay, khả năng thẩm định rủi ro và khả năng vay được của nền kinh tế.

Quan trọng hơn nữa, năm nay ngành NH Việt Nam phải quan tâm nhiều hơn đến tín dụng xanh, đó là những loại tín dụng hỗ trợ cho môi trường, những dự án về môi trường, những công ty hoạt động với mục đích cải thiện môi trường. Vì theo kế hoạch, năm 2025, Việt Nam sẽ thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon.

Để chuẩn bị cho tương lai này, thiết nghĩ NHNN cũng nên sớm giao những chỉ tiêu về tín dụng xanh cho các NH, thay vì chỉ đặt ra mục tiêu TTTD 15% chung chung cho cả nền kinh tế.

Các tin khác