GDP tăng cao nhất trong các quý II 10 năm qua
Sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế có thể thấy ngay từ sự tấp nập trên từng con đường góc phố, ánh đèn sáng từ mọi tầng trong các khách sạn đêm đêm, những chuyến hàng không không còn ghế trống, những chuyến hàng vào ra trên từng cảng biển và sự nhộn nhịp trên các công trường, nhà máy.
“Chưa có năm nào đơn đặt hàng nhiều và kim ngạch xuất khẩu đạt cao như 6 tháng vừa qua. Trong 10 năm qua chưa bao giờ kim ngạch xuất khẩu trong 1 tháng đạt tới 1 tỷ USD, nhưng 3 tháng vừa qua kim ngạch xuất khẩu mỗi tháng đạt 1,1 tỷ USD” - ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết.
Tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng đã được 5,6 tỷ USD. Với tốc độ này, mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD của năm 2022 trong tầm tay.
Về ngành dệt may, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cho biết kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đạt 22,3 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Mục tiêu năm nay xuất khẩu đạt 43 tỷ USD, trong đó 6 tháng đầu năm đã đạt hơn 50% mục tiêu.
Còn bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), cũng cho biết từ khi dịch bệnh được kiểm soát, doanh nghiệp (DN) da giày có nhiều đơn hàng hơn, triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh tốt hơn. Hàng không và du lịch cũng đã có sự phục hồi mạnh mẽ.
Theo đó, vận tải hành khách của ngành hàng không 6 tháng đạt 20 triệu khách, tăng 54,1% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu du lịch lữ hành 6 tháng đầu năm tăng 94,4% so với cùng kỳ năm trước.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN được duy trì và đang dần phục hồi, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm đã khởi sắc ở hầu hết ngành, lĩnh vực, đặc biệt trong quý II. Tốc độ tăng GDP quý II ước tính tăng 7,72% so với cùng kỳ năm ngoái- cao nhất của quý II trong 10 năm qua (2011-2021).
Đau đầu chi phí đầu vào, xăng dầu và logistics
Tuy nhiên, đây là sự phục hồi so với mức rất thấp của 2 năm bị dịch bệnh. Trong khi đó, dịch Covid-19 với các biến thể mới có thể còn diễn biến phức tạp; tình hình chính trị thế giới khó lường; kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, đứt gãy chuỗi cung ứng, giá hàng hóa thiết yếu và nguyên vật liệu cùng giá xăng dầu và chi phí logistics tăng cao… là những thách thức sản xuất, kinh doanh tiếp tục phải đương đầu.
Sau 2 năm sản xuất, kinh doanh suy giảm và gián đoạn vì dịch bệnh, nhiều lao động chuyển nghề, đến nay nhiều ngành đang rất thiếu lao động. Chưa hết, thủ tục hành chính vẫn là vấn đề làm DN thêm khó khăn, vất vả cả về thời gian và chi phí.
Một nỗi lo nữa là áp lực cạnh tranh và chất lượng. Bởi trước việc giá cả đầu vào tăng cao như giá điện, xăng kéo giá thành du lịch tăng theo, nhiều khách sạn phải chọn cách hạ chất lượng dịch vụ. Đây là cách làm không mong muốn. Sự hồi phục mạnh mẽ của du lịch trong quý II là nhờ du lịch nội địa, khách quốc tế vẫn rất ít chỉ 602.000 lượt tới trong 6 tháng, thấp hơn cùng kỳ năm 2019 tới 92,9%.
Để chống đỡ với khó khăn, nhiều khách sạn 5 sao giảm giá, mở rộng cửa với khách nội địa, giảm chất lượng dịch vụ xuống mức 4 sao, có nơi còn 3 sao. Điều này sẽ khiến mặt bằng chất lượng giảm, trong khi chúng ta đang hướng tới du lịch sang trọng nhiều hơn nữa.
Xuất khẩu thủy sản tuy đang được mùa đơn hàng, nhưng canh cánh nỗi lo chi phí đầu vào, thiếu nguyên liệu và gánh nặng chi phí logistics, chi phí xăng dầu. Chi phí 1 container đông lạnh 40 feet xuất khẩu đi Mỹ hơn 400 triệu đồng. Có DN mỗi tháng xuất khoảng 10-15 container phải chi 10-20 tỷ đồng. Chưa kể gánh nặng phí hạ tầng cảng biển. Giá xăng dầu tăng cao, để 1 tàu cỡ 12-15m ra biển mỗi chuyến mất 300 triệu đồng xăng dầu.
“Phải khai thác được 10-15 tấn cá ngừ mới đủ chi phí và có chút lãi. Vì thế hàng loạt tàu không ra biển. Tàu nằm bờ là nhà máy đối diện nguy cơ thiếu nguyên liệu” - ông Nguyễn Hoài Nam chia sẻ.
Các bộ, ngành phải xây dựng kịch bản ứng phó khó khăn
“Khó khăn chồng chất khó khăn, thách thức mới xuất hiện. Nhưng đồng thời, cơ hội cũng rất nhiều khi chúng ta cấu trúc lại các trật tự, cơ chế về thương mại, đầu tư và cơ hội dịch chuyển đầu tư từ các nước, đang hướng đến Việt Nam rất nhiều” - Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nói và khẳng định: “Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH-ĐT cũng như các bộ, ngành cam kết đồng hành, hỗ trợ tối đa cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN hoạt động hiệu quả, làm sao nhanh chóng vượt qua khó khăn, nắm bắt được các cơ hội”.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết sẽ báo cáo lên Chính phủ những khó khăn DN phải đối mặt, và sẽ tham mưu với Chính phủ các giải pháp chính sách trọng tâm điều hành 6 tháng cuối năm, để đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, cùng với DN vượt qua khó khăn.
“Các bộ, ngành sẽ xây dựng kịch bản, đưa ra các chính sách, giải pháp cả trong ngắn hạn và trung, dài hạn. Mục đích cuối cùng vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi sản xuất, phát triển DN” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Nhưng điều trông đợi của các DN, của hiệp hội là các chính sách của Chương trình phục hồi kinh tế đến được với DN. Chính phủ cũng cần sớm có giải pháp để giảm giá xăng dầu, giảm phí hạ tầng cảng biển, giảm chi phí logistics, giảm chi phí đầu vào cho sản xuất, kinh doanh.
Giá xăng dầu quá cao như hiện nay sẽ tác động đến nhiều loại hàng hóa nguyên, nhiên liệu sản xuất là đầu vào của DN, đồng thời tác động đến những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu và đời sống người lao động. Chi phí logistics của Việt Nam đang cao hơn một số quốc gia trên thế giới, nên ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của khu vực DN và nền kinh tế.
Dịch Covid-19 với các biến thể mới có thể còn diễn biến phức tạp; tình hình chính trị thế giới khó lường; giá hàng hóa thiết yếu và nguyên vật liệu cùng giá xăng dầu và chi phí logistics tăng cao… là những thách thức tiếp tục phải đương đầu. |