Samsung, Nike, Adidas… lo ngại đứt chuỗi cung ứng; Apple, Google, Amazon… tính toán lại vào Việt Nam

(ĐTTCO)-Làn sóng dịch Covid-19 thứ tư dai dẳng, khốc liệt và những biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt đang khiến các công ty nước ngoài từng nhắm đến Việt Nam như một điểm đến thay thế Trung Quốc, nay phải xem xét lại kế hoạch của họ, hoặc thậm chí tính đến chuyện rời bỏ Việt Nam.
Samsung, Nike, Adidas… lo ngại đứt chuỗi cung ứng; Apple, Google, Amazon… tính toán lại vào Việt Nam
Đe dọa chuỗi cung ứng 
Kể từ tháng 6, mỗi ngày Lyndal Hugo và đối tác của cô phải rất chật vật để đưa những chiếc xe tải chở đầy rau của họ vào TPHCM. Người phụ nữ Australia đã ở Việt Nam được 5 năm, theo đuổi niềm đam mê sản xuất lương thực bởi hiệu quả về chi phí, không phát thải khí nhà kính, không để lại dư lượng hóa chất. Doanh nghiệp của cô hiện sử dụng khoảng 50 người, sản xuất ở những khu vực cách TP khoảng 300km về phía Bắc, sau đó đóng gói rồi phân phối trong TP. Tuy nhiên, hiện nay mối liên kết giữa hai bộ phận của doanh nghiệp đã bị phá vỡ. TPHCM bị khóa chặt với dây giăng khắp phố, xe ra vào thành phố rất khó khăn, và những chuyến hàng được xác định “không thiết yếu” sẽ không được lưu thông. 
Trong những thập kỷ gần đây, Việt Nam đã xuất sắc thu hút những FDI là những “con cá lớn” trong lĩnh vực điện tử, giày dép và quần áo. Do chi phí lao động thấp, cơ sở hạ tầng đáng tin cậy và quy trình hành chính suôn sẻ đã thu hút những công ty như Samsung, Foxconn, Nike, Adidas, Gap và Levis. Nhưng với đại dịch hiện nay, tất cả hiện đang tranh giành một kế hoạch B, với nhiều nhà máy vẫn đang cố gắng duy trì hoạt động theo nguyên tắc “3 tại chỗ” (nhân viên ăn, ngủ và làm việc tại chỗ).
Ngày 26-8, Simon Fraser, Giám đốc Phòng Thương mại Úc (AustCham) tại Việt Nam, đăng tải khung cảnh vắng vẻ của TPHCM nhìn từ cửa sổ căn hộ ông: “Đây thường là một nơi đầy màu sắc, ồn ào và sôi động, đầy ắp người. Bây giờ nó hoàn toàn vắng vẻ. Tôi chưa bao giờ thấy bất cứ điều gì giống như vậy”. 
Bắt đầu từ 23-8, các khu phố ở TPHCM được chia thành các khu xanh, vàng, cam và đỏ. Cư dân trong các khu màu xanh và vàng được phép ra khỏi nhà mỗi tuần một lần để mua thực phẩm. Quân đội mang thức ăn cho những người ở vùng màu cam và đỏ. Các nhà máy có thể tiếp tục hoạt động, nhưng chỉ trong điều kiện “khép kín” nghiêm ngặt, theo đó công nhân phải ăn ngủ tại chỗ. Quy định tương tự cũng được áp dụng ở các tỉnh lân cận Long An và Bình Dương, các trung tâm công nghiệp cũng có số ca bệnh tăng đột biến.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, 30-50% nhà máy may đã phải đóng cửa do không đáp ứng được quy định dẫn đến việc phải hủy đơn hàng, một số khách hàng chuyển đơn hàng sang các nước cạnh tranh. Nhà sản xuất công nghệ cao Intel được cho là đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về chi phí thuê nhà ở của nhân viên tại các nhà máy lắp ráp. 
Julien Brun, đối tác quản lý tại công ty tư vấn chuỗi cung ứng CEL, cho biết các nhà máy vẫn hoạt động ở mức 50-70% công suất danh nghĩa, tùy thuộc vào ngành. Ông nói với The Loadstar: “Thách thức đối với hầu hết các nhà máy sử dụng nhiều lao động là một khi phát hiện trường hợp của Covid, toàn bộ nhà máy sẽ phải đóng cửa. Điều này gia tăng sự bấp bênh về khả năng sản xuất để có thể đáp ứng các đơn đặt hàng”.
Ông Brun lưu ý, nhiều nhà máy ở Việt Nam đã tiếp tục hoạt động chậm lại, bởi đang thiếu nguồn cung quan trọng do tắc nghẽn cảng, kiểm tra hải quan chậm trễ và thiếu năng lực vận chuyển. Và điều này góp phần làm cho hàng tồn kho nhanh chóng cạn kiệt, hết linh kiện hoặc nguyên liệu thô. Bên cạnh các thành phần sản xuất, việc bảo trì cũng bị ảnh hưởng, thiếu các bộ phận thay thế cho máy móc.
Samsung, Nike, Adidas… lo ngại đứt chuỗi cung ứng; Apple, Google, Amazon… tính toán lại vào Việt Nam ảnh 1 Ảnh minh họa. 
Các công ty hậu cần cũng đang cảm thấy gánh nặng của cuộc khủng hoảng Covid của TPHCM. Một nhà quản lý tại một công ty giao nhận đa quốc gia hàng đầu cho biết, trong khi ngành này hỗ trợ các nỗ lực của chính quyền trong việc kiểm soát đại dịch, thì “việc thiếu một cách tiếp cận phối hợp đang tác động rất lớn đến các công ty”. Thí dụ, công ty đã phải đăng ký tài xế xe tải với nhiều Bộ để họ có thể tiếp tục chạy trên đường, để rồi chứng kiến nhiều nỗ lực chỉ có tính ngắn hạn. Ông nói với The Loadstar: “Đây là thời điểm rất khó khăn cho các công ty logistics tại Việt Nam. Để tiếp tục hoạt động, chúng tôi phải cung cấp xét nghiệm PCR 2-3 ngày một lần, cùng với trang phục và khẩu trang an toàn”.
Việt Nam là nhà sản xuất giày dép và quần áo lớn thứ hai trên thế giới, và là một ông lớn trong lĩnh vực lắp ráp điện tử và điện thoại thông minh. Nike và Foot Locker là một trong những công ty đã xác nhận việc Việt Nam đóng cửa sẽ có tác động lâu dài hơn đến nguồn cung. Ngày 5-8, Giám đốc điều hành Adidas Kasper Rorsted cho biết: “Kể từ tháng 7, chúng tôi gặp phải một thách thức bổ sung trong tìm nguồn cung ứng cho mạng lưới của mình do sự gia tăng các ca nhiễm Covid-19 ở Đông Nam Á. Quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất là Việt Nam, nơi chính phủ yêu cầu đóng cửa các nhà máy quy mô lớn”.
Kế hoạch bị đứt quãng
Theo sau cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và việc đại dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc vào cuối năm 2019, Việt Nam nổi lên như một điểm đến thay thế tiềm năng cho vị thế công xưởng thế giới của Trung Quốc. Tuy nhiên, làn sóng Covid-19 mới với biến chủng Delta lây lan nhanh chóng khiến hoạt động sản xuất bị đứt gãy, đe dọa đảo ngược quá trình này. 
Làn sóng Covid-19 mới nhất cũng phá vỡ kế hoạch của các Big Tech như Apple, Google, Amazon và các nhà cung cấp chính của họ nhằm chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, do thắt chặt kiểm soát biên giới.
Thí dụ, loạt điện thoại thông minh Pixel 6 sắp tới của Google sẽ được sản xuất tại Trung Quốc, mặc dù công ty đã có kế hoạch chuyển sản xuất thiết bị cầm tay này sang miền Bắc Việt Nam vào đầu năm ngoái. Giống như dòng Pixel 5 năm ngoái, những chiếc điện thoại mới sẽ được lắp ráp tại thành phố Thâm Quyến do nguồn lực kỹ thuật hạn chế ở Việt Nam và những hạn chế về việc đi lại.
Trong khi đó, Apple sẽ bắt đầu sản xuất hàng loạt tai nghe AirPods mới nhất của mình ở Trung Quốc thay vì ở Việt Nam như kế hoạch trước đó. Dù vậy, họ vẫn hy vọng sau này sẽ chuyển khoảng 20% sản lượng AirPods mới sang Việt Nam. AirPods - cả hai mẫu bình dân và cao cấp - là một trong những sản phẩm sớm nhất mà Apple bắt đầu sản xuất với số lượng đáng kể tại Việt Nam, sau khi chuyển sản xuất sang đó khoảng 2 năm trước trong thời điểm căng thẳng thương mại Mỹ - Trung lên cao. Kế hoạch đưa một số sản xuất MacBook và iPad của Apple sang Việt Nam cũng bị hoãn lại do thiếu nguồn lực kỹ thuật, chuỗi cung ứng máy tính xách tay chưa hoàn thiện và tình hình Covid khó lường.
Việc sản xuất chuông cửa thông minh, camera an ninh và loa thông minh cho Amazon, công ty gần đây đã chuyển đến Việt Nam, cũng phải đối mặt với sự chậm trễ kể từ tháng 5 khi các dây chuyền lắp ráp ở miền Bắc đất nước phải đối mặt với sự gia tăng các ca nhiễm và các biện pháp ngăn chặn Covid nghiêm ngặt hơn.
Nhờ lực lượng lao động trẻ và vị trí gần Trung Quốc, Việt Nam có vị thế thuận lợi để thu hút các nhà sản xuất công nghệ khi Washington bắt đầu áp thuế trừng phạt đối với hàng hóa do Trung Quốc sản xuất vào năm 2018. Các nhà cung cấp của Apple, Google, Amazon, Microsoft và Dell đã thiết lập hoặc mở rộng nhà máy ở đây trong vài năm qua.
Tuy nhiên, việc xây dựng một chuỗi cung ứng khu vực mới cũng đòi hỏi các kỹ sư có kinh nghiệm và phải đào tạo cho công nhân địa phương. Cả Trung Quốc và Việt Nam đều đã áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn trong năm nay, điều này đã làm chậm quá trình chuyển dịch sản xuất giữa hai nước. 
Một giám đốc điều hành chuỗi cung ứng của Apple và Google cho biết, việc tiến hành cái gọi là giới thiệu sản phẩm mới - trong đó các công ty và nhà cung cấp làm việc cùng nhau để phát triển và sản xuất một sản phẩm hoàn toàn mới - tại Việt Nam đặc biệt khó khăn do thiếu kỹ sư. Người này nói: "Lực lượng kỹ thuật của Việt Nam vẫn chưa đủ. Với tất cả các hạn chế đi lại, việc sản xuất các sản phẩm hàng loạt sản phẩm ở Việt Nam không khả thi bằng ở những nơi khác”.
Cơ quan Quản lý Nhập cư Quốc gia Trung Quốc đầu tháng 8 xác nhận, họ đã thắt chặt kiểm soát biên giới và làm chậm việc cấp hộ chiếu và giấy thông hành mới để ngăn chặn sự bùng phát của biến thể Delta. Việc đưa người lao động sang Việt Nam cũng trở nên khó khăn hơn kể từ khi làn sóng lây nhiễm gia tăng vào tháng 5. Nhiều nhà quản lý chuỗi cung ứng cho biết các nhân viên Trung Quốc của họ khó xin đi công tác đến Việt Nam hơn, với "nhiều tài liệu và yêu cầu hơn" ở Trung Quốc kể từ đầu năm nay. Nhiều nhà cung cấp cho biết họ đã cố gắng cử các kỹ sư thuộc các quốc tịch khác, mặc dù họ vẫn phải đối mặt với các yêu cầu khắt khe hơn của cả 2 phía.
Để chống lại sự gia tăng các bệnh nhiễm trùng gần đây, các tỉnh trọng điểm của Việt Nam cũng đã yêu cầu các nhà máy ngừng sản xuất trừ khi họ có thể bố trí chỗ ngủ hoặc đi lại cho công nhân. Samsung Electronics tạm thời ngừng sản xuất tại TPHCM và cắt giảm lực lượng lao động do tình hình COVID gia tăng. Các nhà cung cấp chủ chốt của Apple là Foxconn, Luxshare và Goertek hồi tháng 5 cũng đã tạm ngừng sản xuất tại miền Bắc Việt Nam trong thời gian ngắn để tuân thủ các biện pháp kiểm soát Covid chặt chẽ hơn.
Samsung, Nike, Adidas… lo ngại đứt chuỗi cung ứng; Apple, Google, Amazon… tính toán lại vào Việt Nam ảnh 2 Ảnh minh họa. 
Chuyển hướng khỏi Việt Nam
Nhà cung cấp quần áo thể thao cho Nike Inc. và Lululemon Athletica Inc., Eclat Textile Co., đã rời Trung Quốc vào năm 2016 do điều kiện không còn lý tưởng cho sản xuất, thay vào đó họ quyết định mở rộng số lượng lớn tại Việt Nam. Giờ đây, khi cuộc chiến thương mại toàn cầu nóng lên, Eclat lại thấy mình dễ bị tổn thương và cần phải vươn ra ngoài Việt Nam.
Eclat hiện đang tìm cách thiết lập nhiều trung tâm sản xuất khu vực nhỏ hơn, có thể nhanh chóng phục vụ khách hàng. Nhưng Chủ tịch Hung Cheng-hai cho biết nhà sản xuất dệt may sẽ không xem xét thêm nhà máy hoặc mở rộng tại Việt Nam trong ít nhất 3 năm tới. Thay vào đó, công ty sẽ đầu tư vào các cơ sở mới ở các quốc gia Đông Nam Á như Indonesia hoặc Campuchia. Công ty dự kiến sẽ đầu tư 80 triệu USD để thiết lập 120 dây chuyền sản xuất trong khu vực, HĐQT công ty sẽ quyết định các địa điểm cụ thể vào cuối năm nay.
Mặc dù Mỹ và Trung Quốc đã nối lại các cuộc đàm phán, nhưng ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy chuỗi cung ứng toàn cầu đang bị biến đổi vĩnh viễn. Intel Corp. cho biết họ đang xem xét chuỗi cung ứng toàn cầu của mình, trong khi Apple Inc. và Amazon.com Inc. nằm trong số những công ty được báo cáo đang tính toán “Kế hoạch B”.
Tuy nhiên, sự đổ xô đến các quốc gia châu Á lân cận cũng đang đạt đến ngưỡng bão hòa. Spencer Fung, giám đốc điều hành của Li & Fung Ltd., nhà cung cấp hàng tiêu dùng lớn nhất thế giới, nói với Bloomberg vào đầu tháng 8: “Việt Nam đã quá đầy”.
Chico’s FAS Inc., quần áo và phụ kiện nữ có trụ sở ở Mỹ, hôm 31-8 cũng cho biết có kế hoạch chuyển hướng khỏi Việt nam do có rất nhiều thách thức đối với chuỗi cung ứng. “Chúng tôi đang đối mặt với những khó khăn của chuỗi cung ứng vĩ mô trong nửa sau của năm tài chính mà chúng tôi dự kiến sẽ ảnh hưởng đến doanh thu và tỷ suất lợi nhuận gộp, bao gồm chi phí vận chuyển hàng hóa cao hơn, thời gian vận chuyển đầu vào kéo dài và sự chậm trễ bàn giao nhà cung cấp sản phẩm do đại dịch gây ra” - Chico's cho biết.
Trong một hội nghị với các nhà phân tích Phố Wall, Giám đốc điều hành và Chủ tịch Molly Langenstein cho biết, những khó khăn cũng bao gồm áp lực chi phí từ hậu cần, tìm nguồn cung ứng, thực hiện và thị trường lao động. Bà cho biết Chico’s đã chuyển 9% tổng sản lượng của mình ra khỏi Việt Nam và sang các nước khác. 
“Phải nói rằng, mặc dù chúng tôi đang chuyển giao hàng và chúng tôi đã bảo vệ những hàng hóa đó từ Việt Nam, nhưng ít nhất một phần, chúng tôi đang gặp thêm sự chậm trễ ở các cảng và cả với đường bộ. Vì vậy, đó là lý do tại sao chúng tôi thận trọng hơn trong nửa cuối năm, khi biết rằng chúng tôi có một số khó khăn trong chuỗi cung ứng này” - bà nói.
Samsung, Nike, Adidas… lo ngại đứt chuỗi cung ứng; Apple, Google, Amazon… tính toán lại vào Việt Nam ảnh 3 Ảnh minh họa. 
Trung Quốc đắc lợi
Ngay cả các nhà máy có đủ điều kiện để duy trì một số hoạt động cũng gặp phải vấn đề trong việc đưa nguyên vật liệu đến nhà máy, và đưa hàng hóa thành phẩm ra ngoài do lệnh ở tại nhà có hiệu lực từ ngày 23-8. Những nhà máy không có chỗ ở cho công nhân buộc phải ngừng sản xuất hoàn toàn, khiến các nhà cung cấp có mối liên hệ phù hợp không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chuyển sản xuất sang nơi khác, và Trung Quốc đang hưởng lợi.
AICO đã bắt đầu chuyển một số hoạt động sản xuất từ Việt Nam sang Trung Quốc 1 năm trước, một động thái tỏ ra đặc biệt có lợi khi khu vực TPHCM đóng cửa. AICO nói với Furniture Today tại Las Vegas Market: “Sẽ có 3-5 tháng ngành công nghiệp này chỉ đơn giản là không có đồ nội thất từ Việt Nam”. Hiện tại, AICO đang xuất khẩu hàng từ Trung Quốc. “Từ tháng này, chúng tôi sẽ vận chuyển nhiều hơn từ Trung Quốc, và đó sẽ là vị cứu tinh của chúng tôi. Chúng tôi là một trong những người đầu tiên rời khỏi Trung Quốc và bây giờ chúng tôi là một trong những người đầu tiên quay trở lại”.
Với việc “tắt vòi” đối với hầu hết các nhà sản xuất ở Việt Nam, Amini cho biết sự thiếu hụt sản phẩm dẫn đến việc ngành này phải chuẩn bị "cho một trong những tác động lớn nhất trong cuộc đời" và rằng tình hình của Việt Nam đang đứng đầu trong các kịch bản Covid-19 tồi tệ nhất châu Á. 
Ashley và nhà sản xuất hàng cao cấp Theodore Alexander nằm trong số những doanh nghiệp có chỗ ở tại chỗ cho công nhân, nhưng họ vẫn không thể hoạt động và xuất xưởng hết công suất. Sau khi ngừng hoạt động kéo dài 1 tuần trước đó do Covid-19, Theodore Alexander hiện có khoảng 40% công nhân đang làm việc tại nhà máy. 
Chủ tịch Theodore Alexander Bắc Mỹ, Ed Teplitz cho biết: “Chúng tôi dù cố hết sức nhưng khả năng sản xuất của công ty hiện chỉ khoảng 30% công suất bình thường. Ngoài lực lượng lao động hạn chế, việc vận chuyển nguyên liệu thô rất khó khăn”.
Triển vọng phục hồi?
Làn sóng Covid-19 mới nhất cũng phá vỡ kế hoạch của các Big Tech như Apple, Google, Amazon và các nhà cung cấp chính của họ nhằm chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, do thắt chặt kiểm soát biên giới.
Tuy nhiên, câu chuyện toàn cảnh về việc Việt Nam trở thành điểm đến ưa thích của đầu tư nước ngoài dự kiến sẽ không thay đổi. Ngay cả khi họ cắt giảm các dự báo, các nhà kinh tế vẫn tin rằng quốc gia này sẽ phục hồi trở lại.
Chẳng hạn, HSBC đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế từ 6,1% trong năm nay xuống còn 5,1%. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Yun Liu của HSBC đã viết: “bất chấp những thách thức trước mắt, triển vọng phục hồi của Việt Nam vẫn rất khả quan với những yếu tố cơ bản vững chắc”.
Annabelle Hsu, một nhà phân tích của công ty nghiên cứu IDC, cũng nói với Nikkei Asia rằng, bất kỳ trở ngại nào đối với Việt Nam, vốn đã nổi lên như một địa điểm sản xuất thay thế quan trọng cho Trung Quốc, có thể chỉ là tạm thời.
“Chúng tôi lưu ý có một số tác động đến dây chuyền sản xuất và sự chậm lại trong chuyển dịch năng lực sản xuất do sự hồi sinh Covid-19 và các biện pháp của chính phủ. Tuy nhiên, chúng tôi không nghĩ rằng Chính phủ Việt Nam sẽ áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt như vậy trong thời gian quá lâu, nếu không sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế và năng lực sản xuất đang phát triển của nước này” - Hsu nói.

Các tin khác