Thông tin trên được đưa ra trong báo cáo tại hội thảo “Thúc đẩy năng suất lao động cho tăng trưởng bền vững ở Việt Nam”do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức với sự hỗ trợ của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPS-C) vào sáng nay (29-11) tại Hà Nội.
Báo cáo của CIEM cho thấy, tốc độ tăng trưởng NSLĐ trong vòng 10 năm (2011-2020) đạt 6,0%, trong đó, giai đoạn 2011-2015 đạt 5,5% và giai đoạn 2016-2020 đạt 6,4% (vượt mục tiêu kế hoạch đề ra là 5,0%).
Tuy vậy, báo cáo cũng chỉ ra rằng NSLĐ của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và chênh lệch có xu hướng gia tăng.
Trong khi đó, NSLĐ của khu vực công nghiệp-xây dựng thấp và không ổn định, chủ yếu do tham gia ở phân khúc giá trị gia tăng thấp và sử dụng nhiều lao động, chưa thể hiện vai trò dẫn dắt và thúc đẩy tăng trưởng. NSLĐ của khu vực dịch vụ giữ xu hướng tăng nhưng thiếu ổn định và dựa nhiều vào các ngành dịch vụ truyền thống.
Đáng lưu ý, tốc độ tăng NSLĐ có xu hướng giảm dần, các địa phương “dẫn dắt” trong vùng chưa phát huy hết vai trò lan tỏa, chưa đóng vai trò thúc đẩy và lôi kéo tăng trưởng của vùng.
Đối với các vùng kinh tế trọng điểm, NSLĐ không đồng đều, tập trung ở một số thành phố lớn (Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu...) và chủ yếu ở hai vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và phía Nam.
Bên cạnh đó, NSLĐ của khu vực doanh nghiệp đạt 309,9 triệu đồng/lao động năm 2020, tăng 93,1% so với năm 2011 song mức chênh lệch NSLĐ giữa các loại hình doanh nghiệp ngày càng tăng. Nhiều rào cản đối với doanh nghiệp trong thúc đẩy NSLĐ đã xuất hiện như sự bất định khi đầu tư vào công nghệ, năng lực đổi mới phản ánh qua chất lượng quản lý còn yếu kém, lực lượng lao động thiếu những kỹ năng cần thiết và thiếu nguồn vốn đầu tư.
Theo đánh giá của CIEM, thực tế phát triển ở Việt Nam cho thấy sau hơn 35 năm Đổi mới co thấy, tuy Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong phát triển kinh tế - xã hội, ngay cả trong thời kỳ khó khăn do dịch Covid-19, song dư địa cho tăng trưởng theo phương thức truyền thống (chủ yếu dựa trên mở rộng quy mô lao động giá rẻ và vốn, hoặc gia tăng khai thác tài nguyên thiên nhiên) đã trở nên hạn hẹp.
Trong bối cảnh đó, NSLĐ chính là yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, từng địa phương và của khu vực doanh nghiệp.
Do vậy, việc xây dựng chương trình quốc gia về tăng NSLĐ là một nhiệm vụ quan trọng, vừa có ý nghĩa thời sự nhằm sớm thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững, vừa là trọng tâm chiến lược nhằm góp phần cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế và Cải thiện năng suất lao động để giúp Việt Nam “bắt kịp, tiến cùng và vượt lên” các quốc gia trong khu vực.
Chương trình quốc gia về tăng NSLĐ hướng tới mục tiêu coi NSLĐ là động lực, nền tảng cho tăng trưởng nhanh, bền vững trên cơ sở tận dụng hiệu quả các cơ hội của CMCN 4.0, chuyển đổi số và thông qua thúc đẩy liên kết vùng và phát triển vùng; từ đó góp phần gia tăng khả năng cạnh tranh, mức độ độc lập, tự chủ và sức chống chịu của nền kinh tế. Cụ thể, Chương trình dự kiến đặt ra một số chỉ tiêu như: (i) Tốc độ tăng NSLĐ bình quân từ 6,5-7,0%/năm, tốc độ tăng NSLĐ của các vùng kinh tế trọng điểm và 05 thành phố lớn cao hơn trung bình cả nước; (ii) Nâng cao tỷ trọng đóng góp của KHCN, ĐMST vào tăng trưởng; (iii) Phấn đấu nằm trong nhóm hàng đầu của ASEAN về tốc độ tăng NSLĐ vào năm 2030; và (iv) Năng lực Đổi mới sáng tạo (của WIPO) thuộc nhóm 40 nước đứng đầu, Chính phủ điện tử sẽ thuộc nhóm 60 nước đứng đầu thế giới. |