Ngày 19-10, Sở Công thương gửi văn bản đề xuất UBND TPHCM cho phép hàng quán được hoạt động cả hình thức bán mang đi và phục vụ tại chỗ; trừ các loại hình kinh doanh bán bia, rượu.
Theo đề xuất của Sở Công thương TPHCM, các cơ sở kinh doanh phải đáp ứng các yêu cầu an toàn trong phòng, chống dịch của ngành y tế và theo Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19.
Theo Sở Công thương, đề xuất này xuất phát từ các quy định của Chính phủ, Bộ Y tế, UBND TPHCM và đề nghị của Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam, về việc cho phép các cơ sở dịch vụ ăn uống trong địa bàn thành phố được mở cửa hoạt động bình thường.
Cũng theo đánh giá của Sở Công thương TPHCM, sau 15 ngày nới lỏng giãn cách xã hội, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đã tổ chức hoạt động trở lại trong điều kiện an toàn, để phục vụ nhu cầu người dân. Tuy nhiên, tỷ lệ hoạt động còn chưa cao, chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu trên địa bàn.
Hiện TPHCM có hơn 7,1 triệu người đã tiêm vaccine Covie-19 mũi 1, đạt tỷ lệ bao phủ trên 98%. Có hơn 5,43 triệu người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine theo quy định, đạt tỷ lệ 75%. TP đang tiếp tục được nâng tỷ lệ bao phủ vaccine lên, đảm bảo về cơ bản các điều kiện an toàn tham gia các hoạt động kinh doanh dịch vụ có kiểm soát.
Sở Công thương cũng kiến nghị TP giao Ban Quản lý An toàn thực phẩm chủ trì, phối hợp các quận, huyện và TPThủ Đức hướng dẫn các cơ sở thực hiện; tổ chức hậu kiểm để xử lý, khắc phục các hành vi kinh doanh không đáp ứng các yêu cầu an toàn phòng, chống dịch.
Cũng trong chiều 19-10, UBND TPHCM họp với TP Thủ Đức và các quận, huyện về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đề nghị thời gian tới cần xem xét mở thêm một số dịch vụ, như quán ăn phục vụ tại chỗ, hoặc các hoạt động sinh kế khác để tạo ra thu nhập cho người dân.
Trước đó, Hiệp hội văn hóa ẩm thực Việt Nam (VCCA) - đã gửi văn bản lên UBND TPHCM và Sở Công thương, kiến nghị cho phép các cơ sở dịch vụ ăn uống trong địa bàn được mở cửa hoạt động bình thường.
Hiệp hội này lý giải cả nước hiện có khoảng hơn 550.000 cơ sở dịch vụ ăn uống, trong đó có khoảng 430.000 cơ sở kinh doanh truyền thống, trên 82.000 nhà hàng chuyên dịch vụ thức ăn nhanh, trên 22.000 nhà hàng cà phê, bar và khoảng 16.000 cơ sở dịch vụ ăn uống khác, mỗi năm đóng góp khoảng 15% GDP cả nước.
Tuy nhiên tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường, tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp ngành ẩm thực và các chuỗi cung ứng trong ngành... Những thiệt hại kinh tế vừa qua mà dịch bệnh gây ra cho ngành ẩm thực đến nay vẫn chưa có thống kê, đánh giá cụ thể.