Yêu cầu làm rõ vấn đề liên quan sử dụng kinh phí chi thường xuyên
Tiếp tục vấn đề vướng mắc trong pháp luật về đầu tư công, ĐB Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) cho rằng, phải sửa cả 3 luật: Đầu tư công, Quản lý tài sản công và Ngân sách nhà nước.
Được yêu cầu làm rõ vấn đề liên quan sử dụng kinh phí chi thường xuyên để thực hiện các khoản chi có tính chất đầu tư, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, Luật Đầu tư công ban hành năm 2014, được sửa đổi năm 2019; lần sửa đổi năm 2019 hoàn toàn không có các nội dung liên quan vấn đề này. Luật Ngân sách nhà nước ban hành năm 2015 cũng tương tự.
“Sau khi ban hành 2 luật này, Bộ Tài chính cũng đã ban hành rất nhiều thông tư hướng dẫn để tạo hành lang pháp lý cho các bộ, ngành và địa phương sử dụng nguồn chi thường xuyên thực hiện sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất”, ông Mạnh nêu rõ.
Cụ thể, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 52, Thông tư 108, đặc biệt là Thông tư số 92 năm 2017 hướng dẫn chi tiết việc lập dự toán, phân bổ và quyết toán kinh phí để sửa chữa, bảo trì, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất từ nguồn chi thường xuyên.
Đáng lưu ý, ngày 29-7-2021, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 65 có hiệu lực từ ngày 15-9-2021. Thông tư này không điều chỉnh các vấn đề về sử dụng nguồn chi thường xuyên cho xây dựng, cải tạo, nâng cấp, mở rộng tài sản nhưng lại bãi bỏ Thông tư 92 năm 2017 kể từ 15-9-2021.
Theo ông Lê Quang Mạnh, trong năm 2022, các địa phương, bộ, ngành đều vướng mắc. Trong đó, vướng mắc quan trọng là do không có cơ sở pháp lý, không có căn cứ để lập dự toán, thanh toán cũng như thực hiện các khoản liên quan chi từ nguồn thường xuyên cho các hạng mục có tính chất đầu tư như sửa chữa nhỏ, nâng cấp, mở rộng...
Để giải quyết vướng mắc này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng có thể đề nghị UBTVQH giải thích pháp luật theo đúng quy định của Chương 14 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Từ đó, Bộ Tài chính có căn cứ sửa lại như Thông tư của Bộ.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên chất vấn. Ảnh: QUANG PHÚC
Cũng về vấn đề này, ĐB Trần Hữu Hậu cho biết đã nhiều lần nêu ra trong các kỳ họp trước và vướng mắc hiện nay đang nằm ở Thông tư 65 năm 2021 của Bộ Tài chính. ĐB Hậu đề nghị ngoài vấn đề giải thích pháp luật, nên sửa pháp luật theo hướng đưa nội dung về chi thường xuyên có tính chất đầu tư vào trong luật.
“Đề nghị Quốc hội xem xét nội dung về sửa Luật Ban hành quy phạm pháp luật để chúng ta có thể trình Quốc hội một luật sửa nhiều luật về chỉ một nội dung, một vấn đề hoặc một vài vấn đề nhưng có thể đi ngay vào cuộc sống, giải tỏa nguyên nhân cán bộ sợ sai, không dám làm”, ĐB Hậu nhấn mạnh.
Điều hành chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Luật Ngân sách có hiệu lực từ năm 2015, đến nay không có vướng mắc. Luật Đầu tư công cũng ban hành khá lâu và đã một lần sửa đổi bổ sung. Việc phân loại các dự án đầu tư công khác với việc phải làm các danh mục dự án đầu tư. Hàng khóa, Quốc hội quyết định danh mục đầu tư công của Trung ương và ở địa phương thì quy định danh mục đầu tư công của địa phương.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội ký, đóng dấu gửi ngay văn bản này, báo cáo Chính phủ và gửi cho các cơ quan, bộ, ngành Liên quan. Trong trường hợp các cơ quan thấy không đủ rõ mà có yêu cầu giải thích, thì UBTVQH sẽ giải thích pháp luật.
Liệu có xảy ra vụ nào như SCB nữa không?
Cuối phiên chất vấn sáng nay, đại biểu Quốc hội (ĐB) Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phản ánh, bản thân ông và cử tri chung lo ngại việc hiện có 4 ngân hàng thương mại cổ phần đang trong vòng kiểm soát đặc biệt.
"Liệu các ngân hàng này có xảy ra như vụ SCB nữa hay không, xin Thống đốc cho biết để khách hàng gửi tiền yên tâm", ĐB Hòa nêu và cho rằng, việc kiểm soát đặc biệt một số ngân hàng là rất nguy hiểm.
ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp). Ảnh: QUANG PHÚC
Không trả lời thẳng “có” hay "không", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, xây dựng đề án tái cơ cấu ngân hàng yếu kém trong điều kiện bình thường đã khó, trong bối cảnh Covid-19 và kinh tế thế giới đình trệ, lạm phát như vừa qua càng khó khăn hơn. Việc tái cơ cấu ngân hàng cũng chưa có tiền lệ, tìm được nhà đầu tư tự nguyện tham gia càng khó khăn. Tuy nhiên, NHNN đã xây dựng đề án, đã qua quá trình xin ý kiến cấp có thẩm quyền và sẽ sớm hoàn thiện, triển khai thực hiện.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tại phiên chất vấn chiều 6-11
Theo báo cáo tổng hợp các vấn đề tồn tại, hạn chế, những nhiệm vụ chưa thực hiện, thực hiện chưa đầy đủ hoặc chưa có sự chuyển biến theo yêu cầu nghị quyết của Quốc hội, được Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày tại phiên họp sáng, từ 2015, NHNN Việt Nam đã lần lượt ra quyết định mua lại bắt buộc với giá 0 đồng đối với Ngân hàng Xây dựng (Việt NamCB, sau đổi là CBBank), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) và Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), nhằm tái cơ cấu, đảm bảo an toàn, ổn định hệ thống các tổ chức tín dụng.
Song, tiến độ tái cơ cấu những ngân hàng này rất chậm. Tháng 10-2022, có thêm NHTMCP Sài Gòn (SCB), được đặt vào kiểm soát đặc biệt. Đến thời điểm kiểm toán (tháng 8-2023), việc xử lý 3 ngân hàng mua bắt buộc mới ở bước được Chính phủ phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc, đang ở giai đoạn xác định giá trị doanh nghiệp, 1 ngân hàng mới được Chính phủ phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc (DongABank).