Nhận xét về mức tăng giá điện lần này, TS. Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, cho rằng mức tăng giá bán lẻ bình quân 3% sẽ làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vòng 1 trực tiếp 0,099% và vòng 2 tăng 0,18%. Nếu tính tác động tới giá thành các nhà sản xuất dùng điện nhiều như sản xuất thép giá thành tăng 0,18%; xi măng tăng 0,45%; giấy tăng 0,4%. Đối với 25 triệu hộ tiêu dùng điện hiện nay, với mức bình quân dùng 200kW/tháng sẽ chịu mức tăng 12.000 đồng/tháng.
Còn PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho biết theo quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, mỗi năm ngành điện được xem xét, đề xuất điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân 1 lần. Song cần lưu ý điện là mặt hàng ảnh hưởng lớn đến đời sống, việc tăng giá sẽ tác động đến sản xuất và tiêu dùng, trực tiếp lẫn gián tiếp. Những ngành dùng nhiều điện đầu vào như hóa chất, luyện kim… tác động có thể thấy ngay khi điện tăng giá. Còn về gián tiếp, giá điện tăng sẽ đẩy mặt bằng giá cả hàng hóa trên thị trường tăng theo.
Những lo ngại của giới chuyên gia là có cơ sở, khi số liệu tính toán của Tổng cục Thống kê từng cho biết, nếu giá điện tăng 8%, tăng trưởng GDP sẽ giảm 0,36% và làm CPI tăng 0,4-0,5%. Như vậy, giá điện tăng 3%, GDP có thể giảm 0,14% và CPI tăng 0,17%. Trong khi tăng trưởng GDP quý I-2023 chỉ 3,32% đang tạo áp lực nặng nề cho các quý còn lại, khi mục tiêu tăng trưởng đặt ra cho năm nay 6,5%.
Vì thế, việc tăng giá bán điện bên cạnh những yếu tố khách quan, EVN cũng cần “tự xét lại cách làm ăn” của mình. Ít nhất có 3 vấn đề về giá điện cần được làm rõ đối với việc thua lỗ và buộc phải tăng giá bán điện của EVN: EVN có phải bị lỗ do cơ chế hay không; năng lực quản lý của EVN thực tế ra sao; chi phí đầu vào tăng cao như EVN giải thích - cụ thể là gì, tác động và kéo dài bao lâu.
Hãy thử xem mối quan hệ làm ăn của EVN với các đối tác. Năm 2022, EVN bị lỗ tới 26.236 tỷ đồng, theo giải thích do chi phí khâu phát điện tăng tới 72.855 tỷ đồng so với năm trước. Vấn đề là cùng khâu phát điện nhưng các doanh nghiệp không thuộc EVN lại có kết quả kinh doanh rất khác. Căn cứ vào thông tin công bố của các doanh nghiệp sản xuất điện niêm yết trên thị trường chứng khoán, có thể thấy hầu như không ai thua lỗ, dù đó là công ty nhiệt điện than và khí (vốn là những nhiên liệu có giá tăng rất mạnh).
Trong khi đó, EVN với lợi thế lớn về năng lực thủy điện hầu như không bị tác động bởi việc tăng giá than, khí và dầu, lại thua lỗ nặng. Đây có phải do EVN quản lý kém hiệu quả? Đã từng có ý kiến cho rằng cần làm rõ khoản lỗ của EVN là lỗ thực hay lỗ trên sổ sách. Bởi nhiều nhà máy điện lớn của EVN về nguyên tắc đã hết khấu hao, nhưng vẫn tiếp tục được tính khấu hao vào giá thành.
Bất cập nữa dễ nhận thấy là cơ chế giá bán lẻ điện của EVN hiện nay chưa hợp lý. EVN đang áp dụng cơ chế giá bán lẻ điện cho những nhóm khách hàng khác nhau, nên không phải khách hàng nào cũng được cung cấp điện với giá thấp hơn giá thành sản xuất. Bên cạnh đó, hiện nay vẫn áp dụng giá điện thấp ở 2 bậc đầu tiên trong khung giá điện sinh hoạt (theo chính sách trợ giúp người nghèo, vùng sâu, vùng xa).
Các chính sách này được thực hiện theo yêu cầu của Chính phủ, mọi chi phí được tính vào giá thành sản xuất và phân bổ cho các nhóm khách hàng khác, nên thực tế EVN không phải “tự gánh”.
Có lẽ, nên tách các chính sách xã hội ra khỏi hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN, để chi phí cho hoạt động này do ngân sách nhà nước chi trả, tránh tình trạng EVN “vin” vào việc này kêu thua lỗ, lấy cớ để tăng giá điện.