Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp Chính phủ. ẢNH: VIẾT CHUNG
Ngày 25-10, Văn phòng Chính phủ ban hành thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá về định hướng quản lý, điều hành giá các tháng cuối năm 2022.
Thông báo nêu rõ, trong những tháng còn lại của năm 2022, tình hình kinh tế xã hội, địa – chính trị thế giới còn rất nhiều phức tạp, lạm phát ở một số nước tiếp tục có xu hướng tăng cao, tình hình cung cầu, giá cả các mặt hàng chiến lược, nhất là mặt hàng xăng dầu dự kiến còn nhiều biến động phức tạp khó lường. Trong nước, một số chính sách hỗ trợ về thuế sẽ hết thời hạn vào cuối năm, tình hình giải ngân vốn đầu tư công tăng cường hơn, quý 4 là thời gian cao điểm chuẩn bị cho công tác sản xuất, chuẩn bị hàng dự trữ phục vụ nhu cầu lễ tết cuối năm, tác động của thiên tai, dịch bệnh… vì vậy cần tiếp tục tăng cường công tác quản lý, điều hành giá, nhất là đối với các địa phương.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương căn cứ dư địa lạm phát để chủ động chuẩn bị tốt các phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, đánh giá kỹ tác động để thực hiện điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định mức độ điều chỉnh phù hợp với diễn biến, mặt bằng giá thị trường theo đúng quy định.
Đến nay, nếu không có biến động quá bất thường thì công tác kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội và Chính phủ giao trong khoảng 4% là có tính khả thi. Tuy nhiên, công tác quản lý, điều hành giá cần tiếp tục thực hiện một cách chủ động và linh hoạt vừa phải đảm bảo kiểm soát lạm phát bình quân cả năm 2022 theo mục tiêu Chính phủ và Quốc hội giao vừa tạo nền tảng thuận lợi cho việc kiểm soát lạm phát trong năm 2023. Trong những tháng còn lại của năm 2022, điều hành chính sách tiền tệ theo mục tiêu đề ra phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách khác để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Đối với những mặt hàng nhà nước quản lý, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường (như dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, dịch vụ giáo dục, điện), các Bộ: Y tế, GD-ĐT, Công thương và các bộ ngành, địa phương chủ động trong việc tính toán, chuẩn bị các phương án giá để triển khai điều chỉnh vào thời điểm phù hợp với quy định và bối cảnh chung.
Phó Thủ tướng giao các bộ ngành, địa phương có trách nhiệm tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý tại từng thời điểm để có biện pháp điều hành phù hợp. Chuẩn bị các nguồn hàng dự trữ, bình ổn giá cả thị trường nhất là dịp cuối năm 2022 và dịp Tết nguyên đán năm 2023. Ưu tiên đảm bảo nguồn cung, đảm bảo cân đối cung - cầu thị trường, nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu như: xăng dầu, lương thực, thực phẩm (thịt heo, thịt gia súc, gia cầm tươi sống), vật liệu xây dựng, dịch vụ vận tải, các hàng hóa tiêu dùng thiết yếu có nhu cầu tăng cao vào dịp cuối năm.
Bộ Công thương, Bộ Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ được giao bám sát tình hình thị trường xăng dầu trong nước và quốc tế để triển khai thực hiện công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành ổn định, hiệu quả; bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của doanh nghiệp và người dân.