Thế nhưng, cái lạ là dù giá thanh long liên tục xuống thấp người dân vẫn trồng, tiếp tục mở rộng diện tích.
Như tại Tiền Giang, năm 2017, toàn tỉnh có khoảng 6.000ha thanh long, trồng tập trung tại huyện Chợ Gạo. Từ năm 2018 đến nay, dù giá thanh long liên tục xuống thấp, nhiều gia đình vẫn bỏ ruộng lúa, ruộng khóm, ao cá để chuyển qua trồng thanh long, dù chi phí đầu tư rất cao (250 - 350 triệu đồng/ha).
Đáng nói là diện tích thanh long tăng thêm này (gần 2.500ha), tập trung nhiều nhất là ở huyện Tân Phước, một huyện nằm sâu trong vùng Đồng Tháp Mười, chuyên trồng lúa và trái thơm. Tại Long An, trước đây thanh long chỉ trồng chủ yếu tại huyện Châu Thành, với diện tích hơn 2.000ha.
Lúc “dội chợ”, thanh long đổ đống cũng không có thương lái đến mua.
Trong khoảng 1-2 năm trở lại đây, người dân trong tỉnh vẫn mở rộng diện tích trồng (hiện hơn 11.777ha) rải khắp nhiều huyện chứ không còn là “đặc sản” Châu Thành. Như huyện Tân Trụ, vốn chuyên trồng lúa mùa, nuôi tôm nước mặn, nay đã “bén” rễ gần 1.000 ha thanh long; trong khi các huyện vùng lũ Đồng Tháp Mười cũng “cắm” trên 1.000ha (Bến Lức 322ha, Thủ Thừa 360ha, Thạnh Hóa 70,5ha, Mộc Hóa 77,5ha…). Thậm chí, TP Tân An cũng “giành phần” với 750ha.
Theo lý giải của ông Tư Phương, ở xã Đức Tân, huyện Tân Trụ: “Nuôi tôm, trồng lúa bấp bênh, lỗ lời không biết trước, trong khi thanh long có tương lai hơn, bởi biết lời lỗ rõ hơn”. Theo tính toán của ông Phương, 5 công đất nhà (5.000m2) nuôi tôm thẻ 3 năm, hết 2 năm lỗ, chỉ có 1 năm lời không nhiều.
Làm lúa cũng chẳng khác nào “tiền cũ đổi tiền mới”, nhưng tiền mới thu về ít hơn số vốn bỏ ra. Còn trồng thanh long tuy mới thu hoạch vài đợt, giá có thấp nhưng về lâu dài vẫn hơn nuôi tôm, làm lúa. Ông Lê Văn Tài ở xã Thạnh Mỹ, huyện Tân Phước (Tiền Giang), cũng cho rằng làm lúa, trồng thơm không bằng trồng thanh long. Nếu làm lúa 1ha, mỗi vụ bỏ vốn 25 - 30 triệu đồng, những lúc lúa có giá lời 5 - 10 triệu đồng, còn lúc giá thấp thì từ hòa đến lỗ, tiền công coi như mất trắng.
Nếu 1 năm làm 3 vụ, chi phí đầu tư nặng hơn, rủi ro cao hơn. Còn trồng 1ha thanh long, chi phí đầu tư ban đầu có cao, nhưng trồng một lần thu hoạch nhiều năm và năng suất thuộc dạng “khủng”. Nếu trồng 5 - 7 năm trở lên, mỗi năm 3 vụ, có thể thu 50 - 60 tấn/ha. Chỉ cần giá 5.000 đồng/kg là lời “ăn đứt” lúa.
Có lẽ vì thế, ông Bảy Cưng ở ấp 1, xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa, Long An đã bỏ 1,7ha đất lúa sang trồng thanh long (chi phí trên 500 triệu đồng), với hy vọng sớm “đổi đời”. Nhiều nông dân các huyện Đồng Tháp Mười đều làm như thế. Họ mạnh dạn bỏ lúa màu để trồng thanh long. Chỉ tính từ đầu năm 2018 đến nay, vùng này đã “bứng” gần 2.000ha đất lúa để trồng thanh long…
Theo ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Tiền Giang: Thực tế, những năm qua, cây thanh long đã giúp nhiều nông dân khấm khá hơn so với làm lúa và các loại rau màu khác. Do đã xác định thanh long là một trong những loại trái cây chủ lực, tỉnh rất coi trọng quy hoạch vùng trồng, cơ sở hạ tầng để hỗ trợ nông dân.
Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào trồng trọt cũng được hỗ trợ, khuyến khích. Tỉnh đang định hướng tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ… để bà con “sống khỏe” với cây thanh long.
Tuy nhiên, ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở Công thương Long An, lại cảnh báo: Thanh long của Việt Nam trong thời gian qua có trên 80% xuất khẩu sang Trung Quốc, nên mỗi khi thị trường này “có chuyện” là thanh long bị ế, nên nhà nông, nhà vườn khi sản xuất cần tính toán cân đối lợi nhuận thu về và độ rủi ro xảy ra, chủ động đầu ra.