Những nghị quyết về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, doanh nghiệp nhà nước, kinh tế tư nhân cũng như những khẳng định mạnh mẽ của Thủ tướng về sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế được kỳ vọng tạo sức sống mới cho doanh nghiệp. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) xung quanh vấn đề này.
* Phóng viên: Cách đây hơn 70 năm, trong thư gửi cho giới doanh nhân ngày 13-10-1945, khi nói về vai trò của doanh nhân, Bác Hồ viết: “Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng, nghĩa là sự kinh doanh của các nhà công thương nghiệp thịnh vượng”. Nhiều ý kiến cho rằng Nghị quyết Trung ương 5 cũng như những thông điệp mới đây của Chính phủ đều dựa trên nền tảng tư tưởng này. Từ góc độ đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông nghĩ sao?
* TS VŨ TIẾN LỘC: Đúng là Nghị quyết Trung ương 5 về phát triển kinh tế tư nhân vừa được thông qua tiếp tục khẳng định các tinh thần này. Trung ương và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Phải xóa bỏ mọi rào cản, định kiến… phải chăm lo phát triển kinh tế tư nhân; “Chính phủ phục vụ” doanh nghiệp theo cách nói của Thủ tướng.
Vì vậy có trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và bản thân các doanh nhân. Nhưng thể chế nào, doanh nhân đó. Thể chế minh bạch, chính quyền tận tâm thì doanh nghiệp sẽ phát triển lành mạnh, người dân sẽ đem vốn vào làm những việc ích quốc, lợi dân như Bác Hồ đã dạy.
* Ông từng nói rằng việc thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đã xảy ra tình trạng “trên nóng dưới lạnh”?
* Sau một năm thực hiện, Nghị quyết 35/NQ-CP được đánh giá là nghị quyết có tính toàn diện, có tầm nhìn dài hạn, mang tính chất đột phá và do đó nhận được sự quan tâm hưởng ứng tích cực của các bộ ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội. Thủ tướng và các Phó Thủ tướng đã rất sát sao, đôn đốc và giữ vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy thực hiện nghị quyết với tinh thần trong Chính phủ mới không có chỗ để bàn lùi. Một số bộ ngành đã khởi động nhiều chương trình lớn, quan trọng với doanh nghiệp.
Và đương nhiên, ở dưới địa phương cũng có nhiều điển hình rất tốt. Chẳng hạn Đà Nẵng đi đầu trong việc xây dựng mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo, xử lý thủ tục hành chính theo phương châm hết việc chứ không phải hết giờ. Đồng Tháp đi tiên phong trong cơ chế đối thoại, giải quyết khó khăn vướng mắc, hỗ trợ cho doanh nghiệp và nhà đầu tư, duy trì “cà phê doanh nhân” hàng tuần thân thiện… Nhưng chúng ta vẫn chưa thể thỏa mãn với những gì đã đạt được.
* Tức là những gì đạt được chưa thể làm cho các doanh nghiệp bớt khó khăn, hay nói đúng hơn là giải phóng được nguồn lực, sức sáng tạo của doanh nghiệp, thưa ông?
* Đó là điều chúng ta không thể phủ nhận. Các doanh nghiệp vẫn đang trong tình trạng vô cùng khó khăn. Bốn tháng đầu năm 2017, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tuy đạt con số 40.000, nhưng số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể cũng bằng một nửa số lượng doanh nghiệp thành lập mới. Nguyên nhân chính vẫn là do môi trường kinh doanh vẫn còn vô vàn khó khăn, vướng mắc cần được giải quyết, tháo gỡ. Chi phí kinh doanh ở Việt Nam về cơ bản ở mức cao.
Chẳng hạn chi phí tiếp cận điện năng của Việt Nam cao gấp gần 49 lần so với Philippines. Chi phí nộp thuế cao hơn 2 lần so với Singapore. Rồi chi phí tuân thủ chứng từ xuất khẩu gấp gần 4 lần so với Singapore và hơn 3 lần so với Philippines. Nếu so sánh với các nước phát triển khác thì chi phí còn cao đến mức nào.
Đặc biệt, chi phí về vận tải và logistics hiện vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu chi phí kinh doanh của các doanh nghiệp ở Việt Nam. Chẳng hạn, chi phí vận chuyển cho một container hàng từ cảng Hải Phòng về Hà Nội hay ở chiều ngược lại (khoảng 100km), đắt gấp 3 lần so với chi phí vận chuyển một container hàng từ Trung Quốc và Hàn Quốc về Việt Nam. Đó là chúng ta chưa nói tới các chi phí không chính thức, hay còn gọi là phí bôi trơn, lót tay.
* Chính vì thế các doanh nghiệp cần được hỗ trợ?
* Cái cần nhất với doanh nghiệp không phải là hỗ trợ, nhất là hỗ trợ về tài chính, nếu có thì hỗ trợ nên theo hướng giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực về quản trị chứ không hỗ trợ trực tiếp cho hoạt động kinh doanh. Hỗ trợ không nên bằng cách can thiệp hành chính vào thị trường và doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp cần nhất là một hệ thống pháp luật về kinh doanh minh bạch và công bằng, cần một hệ thống thủ tục hành chính đơn giản và thuận tiện, cần một nền tư pháp bảo vệ cho họ được an toàn.
* Ý ông là pháp luật về kinh doanh đang có vấn đề?
* Rõ ràng, việc thực hiện pháp luật về kinh doanh, đặc biệt là chủ trương không hình sự hóa các quan hệ kinh tế đã có nhiều tiến bộ. Nhưng doanh nghiệp vẫn nơm nớp nỗi lo việc thực hiện chính sách thiếu nhất quán.
Tình trạng chính sách “sớm nắng chiều mưa”, “ông nói gà, bà nói vịt”, thay đổi đột ngột, thiếu lộ trình chuyển đổi và hiện tượng hồi tố, chậm trễ và thiếu công bằng trong việc giải quyết các tranh chấp của doanh nghiệp, đang là điểm quan ngại hàng đầu. Thanh tra, kiểm tra chồng chéo, trùng lặp khiến doanh nghiệp không còn thời gian và động lực sáng tạo.
Cũng rất may, ngay tại hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp ngày 17-5, Thủ tướng đã ký chỉ thị 20 yêu cầu không được thanh tra doanh nghiệp quá một lần/năm và nếu thanh tra đột xuất thì không được mở rộng phạm vi. Tôi cho đó là một món quà mà Thủ tướng tặng cộng đồng doanh nghiệp. Món quà ấy, tôi tin sẽ làm cho cộng đồng doanh nghiệp an tâm đầu tư, kinh doanh và sáng tạo hơn. Chính phủ cũng vì thế mà liêm chính hơn.
* Còn về phía doanh nghiệp, ông nghĩ phải làm gì để đón nhận món quà ấy một cách hữu hiệu?
* Tôi nghĩ doanh nghiệp cũng phải đổi mới, sáng tạo, nâng mình lên đáp ứng yêu cầu của cạnh tranh và hội nhập. Nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp, thực hiện liêm chính, chuyên nghiệp và hiệu quả, hướng tới chuẩn mực quốc tế, là yêu cầu đối với mỗi doanh nghiệp. Thủ tướng đã khởi động làn sóng cải cách lần thứ hai.
Tôi mong tinh thần đồng hành với doanh nghiệp của Thủ tướng và Chính phủ sẽ “đơm hoa, kết trái”. Và trong hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2018 sẽ chỉ còn những giải pháp để nâng tầm doanh nghiệp, nâng tầm nền kinh tế và vị thế quốc gia, chứ không phải là những kiến nghị giải quyết những rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp.
* Xin cảm ơn ông.