Thiết kế “cuộc chơi” để đón “đại bàng”

(ĐTTCO)-Dịch Covid-19, thương chiến Mỹ - Trung làm đứt gẫy nhiều chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu, buộc các tập đoàn đa quốc gia phải dịch chuyển đầu tư ra ngoài Trung Quốc lục địa để tránh phụ thuộc vào một thị trường. Sự dịch chuyển dòng vốn FDI khỏi Trung Quốc mang đến cơ hội cho nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Dây chuyền sản xuất Samsung Việt Nam tại Thái Nguyên. Ảnh: VIẾt CHUNG
Dây chuyền sản xuất Samsung Việt Nam tại Thái Nguyên. Ảnh: VIẾt CHUNG
Để đón được “đại bàng” - các tập đoàn lớn đứng đầu các chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu - TS. NGUYỄN ĐỨC THÀNH, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, cho rằng Việt Nam cần có chiến lược thu hút đầu tư FDI mới, phù hợp với sự thay đổi trật tự kinh tế thế giới hiện nay.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, dịch Covid-19 đã làm trật tự kinh tế thế giới thay đổi. Sức ép từ Mỹ khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài chuyển dịch đầu tư ra khỏi Trung Quốc. Một số nhà đầu tư lớn như Panasonic, Foxconn, Luxshare - ICT Việt Nam… đã đến Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang để đặt nhà máy và mở rộng đầu tư.
Song, để thu hút được dòng vốn FDI này là vấn đề địa chiến lược, phù hợp với sự thay đổi trật tự kinh tế thế giới trong 30 năm tới. Lúc này làn sóng dịch chuyển đầu tư đang nhanh nhưng có thể chững lại trong vài năm tới.
Thời gian qua, các tập đoàn lớn nhận ra sự phụ thuộc vào thị trường như Trung Quốc có nhiều rủi ro, đặc biệt ứng xử của Trung Quốc trong thời gian qua khiến họ bất an. 
Để trở thành sự lựa chọn của các chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu, chúng ta cần có đường đi, hướng đi rõ ràng, không đơn thuần đưa ra các chính sách nhỏ lẻ, mà cần đặt ra chiến lược phát triển mới cho phù hợp với cục diện thế giới mới.
Hiện đã có một số nhà đầu tư đến Việt Nam, nhưng nếu chúng ta không thay đổi toàn diện về môi trường quản trị nhà nước, môi trường đầu tư kinh doanh, văn hóa tiếp nhận doanh nghiệp, chúng ta sẽ được rất ít. Vì thế, phải thay đổi để được hưởng lợi nhiều hơn.
Điều này giống như chúng ta lựa chọn đổi mới vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước, khi đó cục diện thế giới cũng có những thay đổi lớn. Thu hút đầu tư FDI trong bối cảnh hiện nay không thể tính bằng tỷ USD và bằng con số hàng ngàn dự án đầu tư.
PHÓNG VIÊN: - Nhiều ý kiến cho rằng để đón làn sóng FDI đang dịch chuyển, cần đẩy mạnh phân cấp, trao nhiều quyền hơn cho địa phương, tạo môi trường đầu tư thông thoáng. Ông có đồng ý với quan điểm này?
TS. NGUYỄN ĐỨC THÀNH: - Nhiều người cho rằng Luật Đầu tư đang trói buộc nhà đầu tư, hạn chế quyền tự quyết của địa phương, khi chỉ giao cho địa phương cấp phép dự án FDI quy mô dưới 10.000 tỷ đồng. Các dự án có quy mô đầu tư trên mức này phải được Thủ tướng đồng ý chủ trương đầu tư.
Thực ra việc cấp phép đầu tư FDI vẫn cần tuân thủ quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội quốc gia, cũng như sự điều phối của trung ương. Nếu giao địa phương được quyền cấp phép dự án FDI trên 10.000 tỷ đồng, dễ dẫn tới cuộc đua cạnh tranh xuống đáy để tiếp nhận dự án. Bỏ quy định này sẽ thông thoáng hơn, địa phương cấp phép dự án dễ dàng hơn, nhưng hiệu quả tổng thể mang lại cho đất nước sẽ giảm.
Vì thế, cần có sự kết hợp giữa địa phương với trung ương. Ở đây không đơn thuần là chuyện ai quyết. Điều quan trọng hơn trong chiến lược thu hút đầu tư FDI phải tạo ra môi trường kinh doanh khiến nhà đầu tư tin tưởng, tìm tới Việt Nam như điểm đến tin cậy. Làm được điều này, việc địa phương có hay không tự quyết định dự án đầu tư trên 10.000 tỷ đồng không còn quan trọng.
Cần tính tới bài toán xa hơn, tạo ra môi trường thể chế, luật pháp, văn hóa thân thiện để nhà đầu tư FDI tin tưởng tìm đến Việt Nam. Như vậy làn sóng dịch chuyển đầu tư FDI sẽ tiếp cận Việt Nam như một điểm đến hấp dẫn. Muốn vậy cần những thay đổi lớn về mặt chiến lược, không chỉ dừng lại ở việc lập ra một tổ công tác đặc biệt để đón làn sóng FDI đang dịch chuyển trong khu vực.
- Tính đến cuối tháng 4-2020, cả nước thu hút được trên 31.800 dự án đầu tư FDI, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 373 tỷ USD. Theo ông đã đến lúc Việt Nam cần lựa chọn kỹ các dự án FDI thực sự hiệu quả, cần thiết để cấp phép đầu tư?
 Trật tự kinh tế thế giới có những thay đổi, nếu Việt Nam không có gì đặc biệt, không có gì mới hoặc chỉ đưa ra những cải cách mang tính chất tiệm tiến, sẽ chỉ nhận được vài giọt mưa trong cơn mưa lớn của làn sóng dịch chuyển đầu tư FDI ra ngoài Trung Quốc.
- Đầu tư FDI không đơn giản như vậy. Vấn đề không phải là số lượng hay quy mô, mà vốn FDI vào Việt Nam luôn đi theo những hệ sinh thái. Có thể Samsung, LG, Foxconn, Panasonic, Intel… vào Việt Nam với quy mô vốn hàng trăm triệu đến hàng tỷ USD, nhưng đi liền với các tên tuổi này là hàng chục, hàng trăm doanh nghiệp nhỏ đến Việt Nam.
Đây là các doanh nghiệp vệ tinh nằm trong chuỗi cung ứng sản xuất của các ông lớn và đều có vốn đầu tư nhỏ. Bối cảnh doanh nghiệp trong nước chưa thể tham gia sâu chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu của các doanh nghiệp FDI, phải chấp nhận điều này.
Bởi lúc này nếu quy định quá cứng nhắc về số lượng, quy mô vốn đầu tư với các dự án FDI cấp phép, chẳng khác lấy đá ghè chân mình. Vì thế cần xây dựng chiến lược FDI có tầm nhìn dài hạn, với những lĩnh vực ưu tiên chiến lược, không thể nói nhà đầu tư FDI vốn nhỏ là kém quan trọng. 
Có địa phương vùng sâu, vùng xa, chỉ tiếp cận được những con “cá nhỏ”, nhưng với họ dự án FDI vốn nhỏ đến đầu tư vào du lịch cũng rất tốt. Dĩ nhiên, các trung tâm lớn như Hà Nội, TPHCM, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương… đã thu hút được rất nhiều dự án đầu tư FDI, họ có quyền chọn lọc.
Còn những tỉnh như Hà Giang hơn 30 năm qua chỉ thu hút được 1 dự án FDI xây khách sạn nhỏ tại huyện Hoàng Su Phì, trong khi tiềm năng du lịch của Hà Giang rất lớn. Vì thế, việc quy định quy mô dự án đầu tư FDI phải rất thận trọng, không thể quy định cơ học cho tất cả địa phương.
Đã đến lúc cần thiết kế lại “cuộc chơi” để đất nước thu được nhiều lợi ích nhất trong thu hút đầu tư FDI. Cần tránh cuộc đua xuống đáy, trao cho nhà đầu tư FDI nhiều cơ hội để mặc cả. Nhà đầu tư FDI bỏ tiền đầu tư vào Việt Nam họ có quyền mặc cả những ưu đãi phù hợp, chính đáng. Nhưng các bộ ngành, địa phương cũng có quyền kiểm soát “cuộc chơi” để mang lại lợi ích tối đa cho đất nước.
- Theo ông chiến lược thu hút đầu tư FDI thời gian tới nên tập trung vào những ngành, lĩnh vực nào?
- Việc Mỹ và phương Tây ứng xử thế nào với Trung Quốc sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chiến lược thu hút FDI của Việt Nam. Tuy nhiên chúng ta không thể xây dựng chiến lược thu hút FDI theo tư duy chọn ngành, chọn người thắng cuộc, vì chúng ta không bao giờ chọn đúng được.
Chúng ta chỉ cần chọn bỏ những ngành, lĩnh vực có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường lớn, những dự án FDI có công nghệ lạc hậu, hoặc những dự án đầu tư vào khu vực ảnh hưởng tới an ninh quốc phòng. 
Khi đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (IPA), hay Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), chúng ta đã đi theo hướng loại bỏ một số lĩnh vực không ưu đãi thuế, ưu đãi đầu tư.
Sẽ có những ngành, lĩnh vực nhà đầu tư FDI đầu tư vào lúc này chúng ta thấy không có giá trị nhưng trong tương lai có thể rất quan trọng. Vì vậy, với chiến lược thu hút đầu tư FDI thời gian tới cần được thiết kế theo hướng này, dựa trên mục tiêu thu hút đầu tư FDI, như thu hút các ngành có công nghệ tiên tiến, ít thâm dụng lao động, có tính lan tỏa, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tham gia các chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu, để đưa ra các lĩnh vực khuyến khích nhà đầu tư FDI.
Đồng thời, đưa ra các các ngành, lĩnh vực Việt Nam hạn chế đầu tư và không thu hút dự án đầu tư FDI vào các khu vực ảnh hưởng tới an ninh quốc phòng. 
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác