Là chỉ đạo của Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2022 của Khu công nghệ cao TPHCM (SHTP).
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trao đổi với nhà đầu tư. Ảnh: CAO THĂNG
Phát biểu chỉ đạo này được đặt trong bối cảnh sau dịch bệnh và rủi ro địa chính trị thế giới đang khó đoán định, dẫn đến tình hình rất khó khăn cho TPHCM trong việc phải chặn đứng đà suy giảm và sau đó duy trì được mức độ ổn định của dòng vốn FDI mới. Bên cạnh đó, một xu hướng được quan sát ở lăng kính dài hơi hơn là sự mất cân đối trong việc phát triển các ngành công nghiệp của thành phố: ngành công nghiệp xây dựng (bất động sản) chiếm ưu thế và có xu hướng lấn át các ngành công nghiệp sản xuất khác mà thành phố mong muốn thúc đẩy.
Đề án “Định hướng phát triển các khu chế xuất và công nghiệp TPHCM giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030” do Ban quản lý các Khu chế xuất và Khu công nghiệp TPHCM thực hiện đã chỉ ra tăng trưởng tại các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố trong những năm qua khá chậm (trung bình 4-5%/năm) và có sự không đều giữa các khu với nhau. Sự không hiệu quả này thể hiện qua nhiều chỉ số thống kê như mức nộp ngân sách của các khu công nghiệp tại TPHCM đa phần thấp, bình quân doanh thu trên diện tích sử dụng đất không cao.
Thực chất, cốt lõi của việc đuổi kịp hoặc dẫn đầu trong làn sóng phát triển mới là việc phải tìm ra và phát triển được các ngành mà mình có lợi thế và có khả năng phát triển trước các đối thủ cạnh tranh khác. Có hai lý do: một là các ngành truyền thống không ứng dụng công nghệ sẽ không thể đuổi kịp các ngành có ứng dụng công nghệ và sớm muộn cũng sẽ bị loại bỏ, ví dụ ứng dụng công nghệ số hóa vào việc trồng trọt sẽ giúp gia tăng sản lượng, giảm chi phí. Do đó, các đơn vị không ứng dụng sẽ khó có thể cạnh tranh với các đơn vị này và dần thất bại. Hai là không phải ngành nào cũng có thể chuyển đổi với các điều kiện hiện tại và không phải ngành nào chuyển đổi cũng hiệu quả dưới góc độ chi phí - lợi ích. Bởi các ngành khác nhau có mức độ ứng dụng công nghệ mới khác nhau và có những ngành rất khó để ứng dụng công nghệ mới do công nghệ chưa hiệu quả ở mức độ thương mại hoặc có phức tạp để ứng dụng khi trình độ khoa học kỹ thuật còn thấp.
163 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 12,068 tỷ USD trong những năm vừa qua là điểm sáng quan trọng của SHTP. Trong số đó, Intel (Hoa Kỳ), Samsung (Hàn Quốc), TTI (Đức), NTT (Nhật Bản)… đã tạo ra các sản phẩm từng ngày, từng tuần; đang tăng vốn, tính toán tới việc đầu tư mở rộng sản xuất cũng như chuyển dịch các nhánh khác nhau trong chuỗi sản xuất của mình về đây. Hành trang này đi cùng với quá trình kết thúc giai đoạn khởi động (thu hút các công ty công nghệ thế giới/lan tỏa công nghệ/bắt đầu nghiên cứu, hình thành công ty công nghệ của Việt Nam/TPHCM). Khu dần dần chuyển sang giai đoạn phát triển (tăng cường đầu tư các hoạt động nghiên cứu - triển khai, phát triển năng lực nội sinh về công nghệ cao, tiến tới trở thành một tiểu đô thị về khoa học công nghệ) mà Ban quản lý SHTP đã nhấn mạnh trong nhiều hội thảo.
Trong bối cảnh TPHCM có nhiều ngành nghề có thể phát triển nhưng việc dàn trải nguồn lực là không hợp lý và cái giá phải trả sẽ là cơ hội phát triển cho các ngành nhiều tiềm năng hoặc có giá trị tương lai. Vì vậy, ưu tiên là tập trung đầu tư cho các ngành có xu hướng chuyển đổi, các ngành chủ lực mới. Theo định hướng này, SHTP cần có chính sách thu hút đầu tư linh hoạt, với trọng tâm là những ngành có tiềm năng phát triển, mức độ và định hướng áp dụng công nghệ và cả mô hình quản lý có khả năng thích ứng cao với cuộc cách mạng công nghệ mới nhằm xây dựng năng lực nội sinh công nghệ cao và phát triển các sản phẩm chủ lực gắn với kinh tế số. Qua đó sẽ mở rộng mạng lưới hợp tác dẫn dắt trong công tác nghiên cứu, ươm tạo, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đào tạo doanh nghiệp, góp phần nâng cao mức độ sẵn sàng và khả năng thích ứng của các ngành công nghiệp trọng điểm của thành phố.