Thu ngân sách vượt dự toán: Có “Lệch pha” nền kinh tế trong đại dịch?

(ĐTTCO) - Thu ngân sách nhà nước (NSNN) tăng cao, trong khi người dân và doanh nghiệp trầm luân do dịch Covid-19, cùng với đó là cách chống dịch cực đoan ở một số địa phương gây nên những hệ lụy nặng nề cho nền kinh tế. Đây là điều bất thường và đáng lo ngại, là sự “lệch pha” của bức tranh kinh tế giữa đại dịch Covid-19. 
Thu ngân sách vượt dự toán: Có “Lệch pha” nền kinh tế trong đại dịch?
Thu ngân sách tăng từ đâu?
Theo Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), tổng thu NSNN lũy kế 11 tháng năm 2021 ước đạt 1.180.000 tỷ đồng, bằng 105,1% so với dự toán pháp lệnh và bằng 107,5% so với cùng kỳ 2020. Nếu loại trừ yếu tố gia hạn và một số khoản thu đột biến, thu NSNN 11 tháng năm 2021 bằng 104,1% so với cùng kỳ. 
Về cơ cấu, thu NS bao gồm thuế gián thu, thuế trực thu, thu từ đất. Trong đó chỉ có thuế trực thu là thu trực tiếp từ thu nhập của người dân và doanh nghiệp (thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp). Còn thuế gián thu bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Như vậy, khoản thu này hiểu theo nghĩa đơn giản là toàn bộ người dân từ trẻ đến người già khi tiêu dùng sản phẩm đều phải gián tiếp nộp thuế. Bên cạnh đó, thuế thu từ đất đai về bản chất cũng là thu từ dân, vì đất đai là sở hữu toàn dân. 
Thu NS tăng 7,5% so với cùng kỳ, tức tăng 88.500 tỷ đồng, trong khi Chính phủ chi ra gói cứu trợ 26.000 tỷ đồng và rút từ tiết kiệm chi 14.620 tỷ đồng, tổng số khoảng 40.600 tỷ đồng. Điều này khiến người ta có cảm giác “tay trái cho tiền nhưng tay phải thu lại gấp đôi”.
Như vậy rõ ràng con số thu NS vượt dự toán cả năm trong 11 tháng hoàn toàn trái ngược với tốc độ tăng trưởng GDP. Tăng trưởng GDP quý III-2021 âm 6,17% - mức thấp nhất trong lịch sử ngành thống kê, và nếu tính chung cả 9 tháng năm 2021 tăng trưởng GDP cũng chỉ đạt 1,47%, thấp nhất trong cùng kỳ nhiều năm qua.
Rõ ràng, thu NS tăng trong bức tranh tổng thể ảm đạm của nền kinh tế nên lo lắng hơn là lạc quan về nó.
Vậy thu NS tăng là do đâu? 
Trên thực tế, chỉ số giá sản xuất (PPI) và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nền kinh tế về nguyên tắc phụ thuộc nhiều vào chi phí đẩy. Tuy nhiên, trong thời gian qua dù giá xăng và một số giá của sản phẩm đầu vào tăng cao nhưng không kéo được chỉ số CPI tăng lên. CPI tính chung 11 tháng năm 2021 tăng 1,84% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.
Về mặt kinh tế, chỉ số giá CPI tăng thấp chẳng những không đáng để tự hào, còn cho thấy có sự giảm sút rất nghiêm trọng về phía cầu, đặc biệt cầu tiêu dùng do người dân phải thắt lưng buộc bụng không dám chi tiêu để đề phòng dịch Covid-19.
Thu ngân sách vượt dự toán: Có “Lệch pha” nền kinh tế trong đại dịch? ảnh 1
Nhưng doanh nghiệp và người dân vẫn còn khó khăn
Điều cần làm hiện nay là cần nâng đỡ phía cung, tránh lạm thu thông qua thanh tra, kiểm tra và đưa ra những chính sách tùy tiện làm doanh nghiệp khó khăn trong bối cảnh phải đối phó với dịch bệnh.
Song thật trớ trêu, theo cơ quan Thuế tính đến ngày 15-11-2021, cơ quan này đã thực hiện 54.884 cuộc thanh, kiểm tra, trong đó kiểm tra 755.098 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế, bằng 132,85% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh, kiểm tra 38.698 tỷ đồng (!)
Tại một số nước phát triển, khi nền kinh tế phục hồi trở lại giá cả cũng có xu hướng tăng lên. Ở Việt Nam, thời gian qua nền kinh tế nhìn từ phía cung dường như cũng đang trên đà phục hồi.
Sản xuất công nghiệp trong tháng 11 tiếp tục khởi sắc khi các địa phương trên cả nước thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Chỉ số sản xuất công nghiệp tính chung 11 tháng năm 2021 ước tính tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước (cao hơn tốc độ tăng 3% của cùng kỳ năm 2020). 
Tuy nhiên, nếu nhìn từ phía cầu sẽ thấy tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 ước tính tăng 6,2% so với tháng trước và giảm 12,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung, 11 tháng năm 2021 giảm 8,7% so với cùng kỳ năm trước; nếu loại trừ yếu tố giá giảm 10,4% (cùng kỳ năm 2020 giảm 3,8%).
Số liệu quá khứ cho thấy tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình chiếm khoảng 68% GDP. Do đó, với sự sụt giảm về tổng mức bán lẻ như trên, rất khó để GDP cả năm tăng quá 2,5%.
Trong nhiều năm qua, các số liệu của Tổng cục Thống kê đều cho thấy, nhập khẩu cho chi phí trung gian (đầu vào cho sản xuất) luôn ở mức cao: chiếm khoảng hơn 60% tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa, 30% cho tích lũy tài sản.
Như vậy nhập khẩu cho sản xuất chiếm trên 90% giá trị nhập khẩu hàng hóa, và chỉ khoảng gần 10% chi tiêu dùng cuối cùng của dân cư. Điều này có nghĩa một phần làm tăng thu NS trong 11 tháng qua do giá nhập khẩu tăng, thu cân đối NS từ hoạt động xuất nhập khẩu lũy kế 11 tháng đạt gần 211.000 tỷ đồng, bằng 118% dự toán, tăng 24,3% so với cùng kỳ. 
Nhưng một điểm cần chú ý, khi giá đầu vào tăng có thể dẫn đến 2 khả năng cho chu kỳ sản xuất sau đó: (1) tốc độ tăng trưởng bị kéo lùi lại và (2) chỉ số giá sản xuất và tiêu dùng tăng cao. Và cũng có thể cả 2 khả năng này đều xảy ra đồng thời. Nếu như vậy, bức tranh kinh tế và thu NS năm 2022 hẳn sẽ càng nhuốm màu ảm đạm hơn. 
 Để hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch Covid-19, Chính phủ chi khoảng 40.600 tỷ đồng, trong khi thu NS tăng khoảng  88.500 tỷ đồng, chủ yếu thu từ dân, chẳng khác nào “tay trái cho tiền nhưng tay phải thu lại gấp đôi”.

Các tin khác