Bên cạnh tiềm năng lớn, thương mại điện tử (TMĐT) cũng đã và đang cho thấy nhiều bất cập như quảng cáo và mua-bán công khai hàng hóa không có xuất xứ rõ ràng; hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, thậm chí là hàng “cấm”; tranh chấp thương mại ảo gia tăng...
Nhiều quan điểm cho rằng, cần quan tâm, siết chặt giao thương ảo, không chỉ để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng mà còn tránh thất thu thuế, nhất là kinh doanh trên các kênh thịnh hành Facebook, Youtube…
Thế nhưng, đòi hỏi vừa phải quản lý – hạn chế bất cập, tránh thất thu, lại vừa phải tạo thuận lợi thúc đẩy ngành kinh tế được coi là lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số - là bài toán không dễ giải.
Gần 2 năm trở lại đây, dịch Covid-19 hoành hành kéo giảm tốc độ tăng trưởng nhiều ngành, nghề, lĩnh vực, trên quy mô toàn cầu, TMĐT vẫn tăng trưởng tốt nhờ những lợi ích thiết thực - đặc thù. TMĐT Việt Nam không những thuận xu hướng, mà còn tăng trưởng vượt bậc, nhờ Việt Nam kiểm soát dịch bệnh tốt hơn nhiều nước khác.
Cụ thể, bởi lo ngại nhiễm và lây truyền dịch bệnh, đa phần người dân hạn chế ra ngoài, hạn chế mua-bán trực tiếp, nên toàn ngành kinh doanh trực tuyến cực thịnh khi đạt 11,8 tỷ USD trong bối cảnh toàn cầu suy thoái, hầu hết các ngành nghề khác biến động mạnh và tiêu cực.
Ông Nguyễn Bình Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội TMĐT Việt Nam nhận định: “Trong 10 sàn giao dịch TMĐT lớn nhất Đông Nam Á hiện nay, Việt Nam hiện hữu ít nhất 5 sàn, như vậy có thể nói là TMĐT Việt Nam đang có lợi thế rất lớn trong khu vực, cùng tiềm năng phát triển vô cùng hứa hẹn”.
Tuy nhiên, cần khẳng định lại thực tế là càng nở rộ - thịnh hành, TMĐT càng bộc lộ những bất cập, tiêu cực… Việc siết chặt quản lý là yêu cầu thực tiễn. Quan trọng, “siết” thế nào, “siết” tới đâu trong bối cảnh hoạt động này vẫn được coi là mới mẻ-sơ khai-cần phổ cập? Ông Đặng Hoàng Hải – Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tê số, Bộ Công Thương dẫn chứng cho thấy, đây là bài toán khó với cơ quan chức năng Việt Nam.
“Trên thế giới cũng như tại Việt Nam, muốn phát triển TMĐT thì bán hàng trên Facebook cũng là một phương tiện tốt và nếu nó lành mạnh thì cần thúc đẩy. Chúng ta cũng cần nhìn nhận, việc thu thuế có rất nhiều quan điểm, một số nước cam kết luôn là 5 - 10 năm không thu thuế đối với TMĐT vì họ cho rằng, đấy là nơi sẽ đem lại lợi cho toàn xã hội và việc thu thuế của TMĐT không cần thiết bởi lợi nhuận đem lại trong xã hội sẽ bù đắp vào số thuế sẽ thu”, ông Hải cho biết.
Đến thời điểm hiện tại, khi đa số người dân có những hiểu biết căn bản về giao thương trực tuyến, cùng những bất cập mới nảy sinh, cơ quan này đang thay đổi chủ trương, lên kế hoạch dần siết chặt hoạt động này. Bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cũng nêu rõ, không phủ nhận thời kỳ các hộ gia đình, các hộ cá thể có thể mở gian hàng-bán hàng trên mạng xã hội và tăng trưởng được – đấy là lộ trình phát triển tất yếu.
“Nhưng đến giai đoạn cần phát triển hơn nữa, cần mở rộng khách hàng, DN cần đến những hệ thống phân phối trực tuyến lớn, đó là các sàn TMĐT để có thể làm 1 cách chuyên nghiệp, bài bản”, bà Huyền lưu ý.
“Bài bản và chuyên nghiệp hơn” có nghĩa là thay vì để hoạt động mua bán livestream tràn lan trên các nền tảng thịnh hành Facebook, Tiktok, Youtube…cơ quan chức năng đã-đang và sẽ hướng người bán-người mua chuyển sang mua-bán trên các sàn TMĐT. Đây là những DN cung cấp nền tảng hỗ trợ giao dịch online – có đăng ký thuế rõ ràng, hoạt động được định hướng bởi những văn bản pháp luật như Nghị định 52 của Chính phủ về thương mại điện tử; Nghị định 98 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại điện, gần đây nhất là Quyết định 645 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt “Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025”, cùng hệ thống pháp luật chung khác. Trong dư luận, nhiều quan điểm đồng thuận chủ trương “siết chặt” hoạt động này.
“TMĐT là kinh tế số cả thế giới họ làm, TMĐT rất tuyệt vời, cần cổ vũ nhưng cần tách biệt rõ khỏi việc cho kinh doanh và làm bậy. Việc sàn TMĐT ai cũng ủng hộ phát triển, càng như vậy càng phải tăng cường chống hàng gian, hàng giả”, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Thái Hà Books nêu quan điểm.
Ở chiều ngược lại, những người trực tiếp hoạt động hoặc cho thuê nền tảng hoạt động mua-bán online chưa hoàn toàn đồng thuận các chủ trương từ cơ quan quản lý vì nhiều lý do. Việc quản lý phải thuận lợi thỏa đáng cho DN, vì xét đến cùng nếu không có những DN tiên phong, dám nghĩ, dám làm thì Việt Nam sẽ không có TMĐT.
Rõ ràng, ngoài vấn đề “niềm tin của người tiêu dùng”, hệ thống thanh toán điện tử chưa thuận lợi, hoạt động giao nhận hàng hóa chưa đáp ứng yêu cầu, nhân lực hiểu rõ và tham gia vận hành TMĐT còn thiếu, cơ sở hạ tầng thiết yếu chưa đồng bộ… thì ngành đang thiếu một hệ thống pháp luật “soi chiếu” tình hình thực tiễn, tiên liệu khả năng phát triển ngành; cần có những văn bản hướng dẫn, thực thi cụ thể, thúc đẩy hoạt động này phát triển đúng tiềm năng, trước khi khẳng định được vị thế “tiên phong của nền kinh tế số” như tinh thần Nghị quyết 52, Nghị quyết 645.
Rõ ràng, khó khăn, thuận lợi song hành khi vừa muốn quản lý chặt, vừa muốn thúc đẩy thương mại điện tử, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ ngày càng hiện đại và cơ quan chức năng từng thừa nhận “nguồn nhân lực và năng lực quản lý luôn có độ trễ so với sự phát triển của công nghệ và nhân lực công nghệ”.
Thêm một yếu tố nữa, ít được nhắc đến nhưng tác động không lường, đó là, nếu nội địa bị siết chặt, DN công nghệ, DN thương mại điện tử ngoại ồ ạt tràn vào, là mối lo cho thị trường trong nước. Khi đó, việc thất thu thuế thực sự đáng lo hơn.