Ở Việt Nam, quy mô thương mại điện tử ước tính đạt mức 13 tỷ USD năm 2020, nhưng sự phát triển này kém bền vững. Khảo sát của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công thương chỉ ra rằng, khoảng 83% người tiêu dùng lo ngại sản phẩm kém chất lượng so với quảng cáo. Điều này đặt ra bài toán về xây dựng niềm tin đối với người tiêu dùng.
Loạn kiểu bán, giao hàng
Theo Bộ Công thương, dịch Covid-19 đã làm xoay chuyển thói quen tiêu dùng truyền thống, từ mua hàng trực tiếp sang mua trực tuyến. Dịch gây ra tổn thất lớn cho nền kinh tế, nhưng cũng là cơ hội để ngành thương mại điện tử phát triển mạnh hơn. Nhận định này đúng với mọi trường hợp, thậm chí các doanh nghiệp bất chính cũng dựa vào đây để tìm kiếm cơ hội làm giàu.
Cách nay vài tháng, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số rà soát, phát hiện có trên 5.000 gian hàng (hơn 21.000 sản phẩm hàng hóa) vi phạm tại các sàn thương mại điện tử, như Lazada.vn, Sendo.vn, Vatgia.com… Đại diện Lazada.vn cho biết, đơn vị này đang tiến hành rà soát, xử lý các gian hàng kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng. Tuy vậy, thời gian gần đây, rà soát lại một vài sàn thương mại điện tử nêu trên, tình trạng rao bán hàng nhái mẫu mã, xuất xứ vẫn tràn ngập.
Ví dụ, đôi giày Sneaker nữ có bộ nhận diện thương hiệu gần giống Nike giá chỉ 159.000 đồng, đang được rao bán trên Sendo.vn. Người bán không ngại thừa nhận món hàng xuất xứ Quảng Châu (Trung Quốc) và là hàng nhái loại 1. Tại Lazada.vn, túi xách nhái Hermes Bikin có giá dao động từ 349.000 đến 4,5 triệu đồng/chiếc, vẫn được chào bán vô tư, dù đơn vị này cam kết với cơ quan chức năng sẽ xử lý doanh nghiệp sai phạm.
Gần đây, các trang fanpage bán hàng “mọc” lên như “nấm sau mưa”. Trong đó, sản phẩm tiêu dùng như rau củ quả, thủy hải sản… được bán khá nhiều, sẵn sàng giao tận nơi cho khách hàng. Nhiều người kinh doanh nhỏ lẻ thừa nhận, đây được xem như kênh “kiếm cơm”, tăng thu nhập… Thế nhưng, kênh bán hàng này cũng tiềm ẩn không ít rủi ro cho khách, khi chính những người giao hàng (shipper) lại là người làm “xấu mặt” người bán.
Chị Nguyễn Thị Hoàng Oanh (ngụ đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3) bức xúc kể lại câu chuyện bị một shipper đến giao hàng đột ngột tại nhà mà không báo trước. “Tôi đã dặn kỹ với người bán hàng rằng, tôi có mặt ở nhà vào chiều tối, trong khoảng thời gian từ 6 giờ trở đi. Nếu shipper tới nhớ gọi trước vài giờ đồng hồ để tôi nhờ người nhận, nhưng shipper không làm như vậy, họ tới nơi mới gọi.
Chưa kể, shipper này còn gọi điện mắng tôi xối xả, trút giận rằng, tôi muốn bùng đơn hàng nên mới vậy”, chị Hoàng Oanh phản ánh. Đáng ngại hơn, gần đây còn có tình trạng shipper của một số thương hiệu lén trộm đồ, ăn vụng đồ ăn của khách rất phản cảm. Chị M.Đ (TPHCM) mới đây đã chia sẻ rộng rãi câu chuyện mắt thấy tai nghe lên mạng xã hội về việc chứng kiến một shipper giao đồ khô gà, trong thời gian đợi khách đã mở hộp khô gà và bốc ăn ngon lành.
Nói không với hàng dỏm
Công bố từ “Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam 2019”, khoảng 70% người dùng Internet tham gia mua sắm trực tuyến ít nhất một lần trong năm, 61% người dùng sử dụng Internet cho mục đích tìm kiếm thông tin mua hàng, với tỷ lệ người dùng có thời lượng truy cập Internet 3 - 5 tiếng một ngày lên đến 30%.
Giá trị mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng trên 5 triệu đồng chiếm tỷ lệ cao nhất tương đương 35%, từ 3 - 5 triệu đồng chiếm 22%, từ 1 - 3 triệu đồng chiếm tỷ lệ 26%. Tuy nhiên, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cũng cho biết, mặc dù khoảng 70% người mua hàng trực tuyến sử dụng hình thức thanh toán dịch vụ thu hộ người bán, nhưng tỷ lệ người mua hoàn trả sản phẩm đã đặt hàng trực tuyến còn cao.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công thương thông tin, có 83% người (từng được khảo sát) lo ngại sản phẩm kém chất lượng so với quảng cáo, cùng hàng loạt lý do khiến khách hàng phân vân khi đặt mua sản phẩm. Chẳng hạn, giá cả không rẻ hơn khi mua ngoài cửa hàng, thông tin cá nhân bị rò rỉ…
Về những bất cập trên, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, khuyến cáo: “Người kinh doanh phải thay đổi tư duy, cách tiếp cận khách hàng. Nếu còn kiểu làm ăn chụp giựt, chắc chắn sẽ không tồn tại được trong môi trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay”.
Tương tự, bà Phan Thị Việt Thu, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM, cho rằng, người tiêu dùng hãy mạnh mẽ chỉ đích danh các doanh nghiệp thường xuyên vi phạm đến các cơ quan bảo vệ mình để được hỗ trợ. Trên hết, người tiêu dùng được quyền tẩy chay sản phẩm để doanh nghiệp dỏm không còn đất sống.