Sự trỗi dậy của các thị trường nội địa
Thực tế việc này đẩy các tổ chức và hiệp định thương mại tự do vào các hoàn cảnh đầy thách thức để duy trì các cam kết đã thông qua. Bởi đại dịch có thể dẫn đến sự thoái trào trong quá trình toàn cầu hóa khi mà việc giao thương trở nên khó khăn hơn bao giờ hết, đặc biệt là với các quốc gia có độ mở thương mại cao và hội nhập quốc tế sâu rộng như Việt Nam (thương mại trên GDP chiếm hơn 200%).
Song song với thương mại, dòng chu chuyển vốn quốc tế đã bị gián đoạn, chuỗi cung ứng bị thu hẹp, tiêu dùng trong nước phụ thuộc vào thị trường nội địa nhiều hơn, tâm lý bi quan của người tiêu dùng và nhà đầu tư cũng đè nặng lên hoạt động giao thương quốc tế.
Trong tình thế đó, sự đứt gãy chuỗi cung ứng làm cho mỗi quốc gia trở nên ưu tiên vào kinh tế nội địa nhiều hơn và chỉ tập trung phát huy các nguồn lực sản xuất sẵn có trong nước thay vì chú trọng vào hợp tác quốc tế. Tất cả đã tạo thành những nhân tố hoàn hảo, cùng cộng hưởng tác động để báo hiệu một xu hướng thoái trào của làn sóng toàn cầu hóa theo kiểu cũ đang hình thành.
Cũng có quan điểm cho rằng, Covid-19 chỉ làm trầm trọng và xúc tác nhanh hơn sự phá vỡ toàn cầu hóa, vì vốn dĩ đã tồn tại những bất ổn đến từ mâu thuẫn lợi ích giữa các quốc gia dẫn đầu thương mại toàn cầu trong những năm gần đây, điển hình là thương chiến Mỹ - Trung, quá trình Brexit của Anh với EU, cũng như việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào tháng 1-2017, đồng thời xem xét lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA).
Tóm lại, hoàn cảnh "đèn nhà ai nấy sáng, thân ai nấy lo" trong hoàn cảnh hiện nay sẽ đẩy thế giới đến những xu hướng mới trong các mối liên kết thương mại và đầu tư theo kiểu mới và điều này có khả năng sẽ định hình một làn sóng toàn cầu hóa theo kiểu mới hậu Covid-19.
Từ toàn cầu hóa theo kiểu mới
Cấu trúc đa phương của xu hướng toàn cầu hóa mới
Covid-19 đã giúp các công ty nhận thấy tính rủi ro và đầy bất ổn của các chuỗi cung ứng toàn cầu, chúng dễ dàng bị một cú sốc như đại dịch lần này bẻ gãy và không có gì chắc chắn rằng chúng sẽ không lặp lại một cách tương tự trong tương lai.
Vì vậy, xu hướng là họ muốn thiết lập các nguồn cung ứng và chuỗi giá trị về gần hơn, dễ kiểm soát hơn và tính đa dạng hóa cũng đòi hỏi phải cao hơn.
Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung trước đó cũng phần nào đã khởi động và thúc đẩy tiến trình này khi Trung Quốc nghĩ rằng cần có chiến lược làm suy yếu vai trò dẫn đầu của Mỹ trong thương mại toàn cầu. Và Covid-19 càng khiến cho Trung Quốc tin rằng vai trò trung tâm nhu cầu thế giới của Mỹ sẽ dần biến mất.
Trung Quốc đã đưa ra chính sách kinh tế mang tên “vòng lưu thông kép” để thực hiện ý đồ chiến lược này. Xu hướng toàn cầu hóa kiểu mới là một cấu trúc đa phương chứ không còn vị thế độc tôn của Mỹ như trước đây. Vòng lưu thông bên ngoài bao gồm 3 khu vực là châu Âu, Bắc Mỹ và châu Á sẽ giao lưu thương mại trên quy mô khu vực.
Trong khi đó, "vòng lưu thông nội bộ" sẽ khẳng định vị thế chủ chốt của nền kinh tế Trung Quốc trong hoạt động giao thương ở khu vực châu Á. Một xu hướng theo kiểu Trung Quốc sẽ là “cửa ngõ” để các nền kinh tế trong khu vực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Điều này khiến cho vị thế của Trung Quốc được nâng tầm nhằm có thể sánh vai ngang hàng với Mỹ trong cuộc chơi toàn cầu hóa mới.
Một nhà máy sản xuất tại Nhật Bản. Ảnh: Reuters
Đến một trật tự thế giới mới
Trong xu hướng đó, hầu như quốc gia buộc phải tiến hành tái cấu trúc nền kinh tế, việc này có thể dẫn đến sự thay đổi về mặt chính trị. Song song đó, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa dân tuý có khả năng sẽ trỗi dậy. Những điều này sẽ dẫn đến viễn cảnh một trật tự thế giới mới trong tương lai có thể được thiết lập thời hậu Covid-19.
Điều này càng rõ ràng hơn khi xét trong bối cảnh thế giới vốn đã chứa đựng nhiều bất ổn, điển hình là thương chiến Mỹ - Trung vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt, đây là cuộc chiến cho vị thế ai sẽ cường quốc số một thế giới trong tương lai, chứ nó hoàn toàn không phải vì thương mại, đầu tư hay công nghệ.
Sự cấu trúc lại trong nền kinh tế toàn cầu sẽ là thời cơ mà Trung Quốc có thể tận dụng để rút ngắn khoảng cách với Mỹ, Nhật, Đức, Nga trên phương diện kinh tế lẫn chính trị. Sự so kè giữa Mỹ và Trung Quốc đã xuất hiện từ lâu và đỉnh điểm nhất là cuộc chiến tranh thương mại vào năm 2018.
Trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang phải gánh chịu sự tàn phá khủng khiếp từ Covid-19, Trung Quốc dường như đã bắt đầu khởi động các chính sách hồi phục và kích thích nền kinh tế của mình.
Trong nguy có cơ, nền kinh tế ở vị trí số 2 dường như đang tận dụng thời cơ ngàn năm có một để thu hẹp khoảng cách với kẻ dẫn đầu, cũng như nới rộng khoảng cách với các quốc gia đang bám sát phía sau như Nhật Bản, Đức, Ấn Độ, từ đó nâng tầm vị thế với phần còn lại của thế giới.
Kỷ nguyên hậu Covid-19 có thể sẽ dẫn đến một trật tự thế giới mới được thiết lập kể từ sau Thế chiến thứ II, thời điểm Mỹ đã có những thành công nhất định trong thiết lập vị thế.
Sự mâu thuẫn đã tồn tại khi đại dịch bùng phát, xuất phát từ việc Liên Hiệp quốc (UN) đã không thể hiện mạnh mẽ vai trò thúc đẩy nỗ lực hợp tác giữa các quốc gia nhằm ứng phó với sự tàn phá của Covid-19, việc này càng làm sự chia rẽ sâu sắc giữa các siêu cường như Trung Quốc và Mỹ thêm trầm trọng.
Song song đó, sự phản ứng chưa kịp thời của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã dẫn đến những tranh luận lớn về vai trò chống dịch của tổ chức này, thậm chí trở thành một sàn diễn chính trị giữa các nhóm quốc gia thân Mỹ và các quốc gia ủng hộ Trung Quốc.
Đối với Mỹ, việc tăng cường hợp tác và giải quyết được các vấn đề nội bộ trong nước lẫn quốc tế là một bài toán khó cho các nhà lãnh đạo Mỹ nhằm thiết lập một trật tự quốc tế mới theo ý muốn. Mỹ có thể nhìn vào bài học lịch sử khi đã xây dựng một trật tự mới thời hậu Thế chiến thứ II (năm 1945) thành công, thay vì phải chấp nhận trật tự mà chủ nghĩa phát xít dẫn dắt thời hậu Thế chiến thứ I (năm 1919).
Trong giai đoạn hiện nay, hành động đầu tiên mà Mỹ và các liên minh hướng đến đó là trừng phạt Trung Quốc do nghi ngờ quốc gia này cố tình làm lây lan Covid-19, càng làm sự chia rẽ giữa các nước thêm trầm trọng hơn.
Hơn bao giờ hết, Mỹ và Trung Quốc hãy cho thấy vai trò của mình trong việc tìm ra giải pháp để chấm dứt Covid-19, đặc biệt là quá trình tìm ra vaccine điều trị, thay vì so găng trên bàn cân chính trị hiện nay. Chấm dứt Covid - 19 mới là những gì thế giới đang thực sự cần chứ không phải một bảng xếp hạng kinh tế các quốc gia.
Trong xu thế đó, nền kinh tế Việt Nam đã gánh chịu những tác động rất lớn, cả sự lây nhiễm dịch bệnh, chính sách chống dịch của các nước lẫn các xu hướng toàn cầu. Việt Nam đã làm gì để chống đỡ và các chính sách thích ứng tiếp theo nhằm thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của Việt Nam sẽ được chúng tôi phân tích trong số báo tuần sau.