TPHCM có còn hấp dẫn hệ sinh thái khởi nghiệp?

(ĐTTCO) - Giữa “mùa đông gọi vốn” của giới khởi nghiệp khu vực và thế giới, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TPHCM vẫn được đánh giá hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư.

TPHCM có còn hấp dẫn hệ sinh thái khởi nghiệp?

Xung quanh câu chuyện này, ĐTTC đã có cuộc trao đổi với TS. NGUYỄN VIỆT DŨNG, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM.

PHÓNG VIÊN: - Ông có thể chia sẻ tình hình hút vốn đầu tư của doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp tại TPHCM trong những tháng đầu năm và dự báo từ nay đến cuối năm?

TS. NGUYỄN VIỆT DŨNG: - Trong bối cảnh toàn cầu đang chứng kiến sự sụt giảm khá mạnh của dòng đầu tư mạo hiểm, 5 tháng đầu năm các thương vụ rót vốn đầu tư vào Việt Nam đạt khoảng 500 triệu USD, trong đó TPHCM chiếm 50%. Dự báo năm 2023 tổng vốn đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam khoảng 900 triệu USD (TPHCM vẫn chiếm 50% của cả nước). Đặc biệt, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TPHCM vẫn được đánh giá hấp dẫn.

Mới đây nhất, theo báo cáo của công ty nghiên cứu và tư vấn chính sách đổi mới sáng tạo hàng đầu thế giới Startup Genome, TPHCM nằm trong top 100 hệ sinh thái mới nổi toàn cầu. Cũng theo báo cáo này, các chuyên gia nhận định suy thoái kinh tế là thời điểm tốt để đầu tư vào các công ty khởi nghiệp.

TPHCM có còn hấp dẫn hệ sinh thái khởi nghiệp? ảnh 1

Vì thế, để tận dụng tốt cơ hội hút vốn này, DN khởi nghiệp TPHCM cần phải định hình tư duy. Thứ nhất, tập trung vào giá trị cốt lõi để sản phẩm làm ra phải tạo ra giá trị, giải quyết được vấn đề cụ thể của cộng đồng, tránh làm ra những sản phẩm không thiết thực. Vào thời kỳ đỉnh cao khi dòng vốn nhiều, các dự án dạng tiềm năng cũng có thể gọi được vốn lớn. Tuy nhiên, khi dòng vốn đã siết lại, cần có sản phẩm thực sự đáp ứng nhu cầu.

Khi nghị quyết mới cho TPHCM được thông qua, DN khởi nghiệp sẽ có nhiều cơ hội hơn, bởi kinh phí hỗ trợ sẽ là nguồn hỗ trợ không hoàn lại.

Thứ hai, các DN khởi nghiệp cần tiết kiệm chi phí, tối ưu hóa dòng tiền. Ở giai đoạn dễ dàng gọi vốn, DN thường sa vào việc chi mạnh tay, nhưng với thời điểm hiện tại tiết kiệm là tiêu chí không thể bỏ qua.

Ngoài ra, cần thiết xây dựng tư duy hành động, sáng tạo trong việc tạo ra sản phẩm, nhưng cũng cần cẩn thận và chỉn chu. Khi tiếp cận các quỹ đầu tư, DN khởi nghiệp không chỉ chăm chăm nghĩ đến con số, mà còn là mạng lưới quan hệ, hệ thống hỗ trợ tư vấn, truyền thông… từ đó sẽ có những lựa chọn phù hợp nhất cho mình.

- Trong bối cảnh gọi vốn đầu tư mạo hiểm từ các nhà đầu tư, quỹ đầu tư, nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước lại càng trở nên quan trọng. Thế nhưng nhiều DN khởi nghiệp vẫn e ngại thủ tục khi tiếp cận, thưa ông?

- Trước hết phải nói rõ kinh phí hỗ trợ của Nhà nước chỉ là một phần kinh phí trong quá trình DN khởi nghiệp hoàn thiện sản phẩm dịch vụ (hay được gọi là dòng vốn mồi), không phải dòng vốn đầu tư như các quỹ đầu tư. Việc phải đáp ứng các yêu cầu, thủ tục để được hỗ trợ đang khiến nhiều DN khởi nghiệp cảm thấy mệt mỏi. Song nói đi cũng cần nói lại, khi DN tìm đến các nguồn vốn nói chung và kinh phí hỗ trợ của Nhà nước nói riêng phải tìm hiểu kỹ yêu cầu, từ đó đáp ứng theo từng bước.

Thực tế, các DN có tư duy sáng tạo, khả năng vận hành làm ra các sản phẩm, dịch vụ tốt, “dư sức” đáp ứng các trình tự thủ tục. Trong bối cảnh hiện nay các DN khởi nghiệp cần đa dạng kỹ năng, không biết phải tìm hiểu, rèn luyện, không nên trông chờ, ỷ lại, ngại khó.

Hiện nay đã có không ít DN khởi nghiệp tiếp cận được với nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước. Đây là những minh chứng cho thấy khó nhưng không phải không thể tiếp cận.

- Những năm qua để hỗ trợ DN khởi nghiệp trong hoạt động kết nối với các quỹ đầu tư, Sở KH-CN đã triển khai những hoạt động như thế nào, thưa ông?

- Từ năm 2016 đến nay, chính quyền TPHCM và Sở KH-CN đã có rất nhiều chương trình hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Cụ thể, hỗ trợ DN nâng cao năng lực, kỹ năng gọi vốn, huấn luyện DN phát triển sản phẩm, tổ chức các sự kiện để DN gặp và lắng nghe các chuyên gia trong và ngoài nước chia sẻ; kết nối các sản phẩm của DN khởi nghiệp với các khách hàng tiềm năng, quỹ đầu tư thông qua các cuộc thi…

Một chương trình đã tạo được tiếng vang trong giới khởi nghiệp mấy năm qua là Chương trình hỗ trợ phát triển và tăng tốc cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Speedup). Tháng 3 vừa qua, chúng tôi đã khởi động chương trình của năm 2023. Kinh phí hỗ trợ mỗi dự án tối đa 2 tỷ đồng, thời gian hỗ trợ tối đa 2 năm.

Khởi động từ năm 2017, đến năm 2022, đã có 242 dự án đăng ký tham dự, 61 startup được xét hỗ trợ. Chương trình này không chỉ có nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, còn có vốn đối ứng từ các quỹ đầu tư. Nhiều dự án khởi nghiệp được hỗ trợ thông qua các chương trình đã gọi vốn thành công từ các quỹ đầu tư hoặc nhà đầu tư “thiên thần”, với định giá tăng nhiều lần so với định giá trước khi nhận được hỗ trợ.

- Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, khởi nghiệp cũng nhiều thách thức không ít bạn trẻ chọn con đường trở thành youtuber hay tiktoker với hy vọng làm giàu khi các nền tảng này đang được ưa chuộng. Ông nghĩ gì về điều này?

Theo góc nhìn của tôi, xã hội rất đa dạng. Mỗi người có những mong muốn, sở thích và lựa chọn khác nhau. Rất có thể trong số những người tham gia các hoạt động mạng xã hội sẽ có người tìm kiếm được cơ hội thị trường và phát triển thành cơ hội kiếm tiền cho mình. Tất nhiên, con số đó chưa nhiều nên rất cần có định hướng rõ nét, giúp các bạn trẻ nhận thức được vấn đề xem con đường mình đi đã đúng hay chưa để có sự điều chỉnh.

Về việc nhiều cử nhân, thạc sĩ ra trường không có việc phải chạy xe ôm công nghệ, tôi nghĩ nếu bạn thực sự có năng lực, trình độ, kiếm việc không quá khó khăn khi nhiều DN đang thiếu nhân lực chất lượng. Không phải cứ học đại học, thạc sĩ ra là có việc, bằng cấp chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ là phải có năng lực thực sự.

Đã đến lúc cần thay đổi góc nhìn về bằng cấp và định hướng tốt hơn cho các bạn trẻ trong hành trình lựa chọn con đường tương lai cho mình.

- Xin cảm ơn ông!

Các tin khác