Xếp hạng ngày càng giảm
Khi cân nhắc chọn địa điểm đầu tư, nhà đầu tư thường dựa vào các yếu tố như vị trí địa lý, chất lượng hạ tầng, quy mô thị trường, chất lượng nhân lực… Điểm rất quan trọng nữa là thủ tục hành chính, con người, bộ máy nhà nước ở đó thế nào.
Nội dung này chính là chất lượng điều hành kinh tế - lĩnh vực Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đo lường, đánh giá trong thời gian qua.
Kể từ khi PCI ra đời (năm 2005) đến nay, TPHCM đạt thứ hạng cao nhất là xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố (năm 2014). Với vị trí này, TPHCM chỉ xếp sau Đà Nẵng trong số các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (xếp hạng 1), vượt xa thứ hạng của Hà Nội (thứ 26).
Song kể từ sau năm 2014, dù điểm số nhìn chung có những cải thiện, nhưng thứ hạng của TP lại giảm dần: hạng 6 (năm 2015), hạng 8 (năm 2016 và 2017), hạng 10 (năm 2018), và hạng 14 (năm 2019 và 2020).
Trong cùng thời gian TPHCM “bước” ra khỏi top 10, Đà Nẵng vẫn ổn định trong top 5 địa phương xuất sắc nhất, Hà Nội đã 3 năm liên tiếp gần đây đứng vị trí thứ 9 và Hải Phòng vừa bước vào top 10 địa phương tốt nhất kể từ PCI 2019.
Việc giảm dần tương đối thứ hạng PCI của TPHCM gửi đến thông điệp về sự cần thiết phải thực hiện các chương trình cải cách mạnh mẽ hơn về quản trị, điều hành kinh tế địa phương, để bắt nhịp với không khí cải cách đang lan tỏa mạnh mẽ ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. TPHCM vẫn đang bước trên những “nấc thang” cải cách nhưng dường như đang bước chậm hơn so với một số trung tâm kinh tế khác.
Yếu chuyên môn, thiếu thân thiện
Yếu chuyên môn, thiếu thân thiện
Chỉ số thành phần “Chi phí gia nhập thị trường” của TPHCM trong PCI 2020 giảm đến 27 bậc so với PCI 2019, xếp thứ 59/63 tỉnh, thành. Điểm chỉ số này của TP đã thấp dần kể từ năm 2016 đến nay và kết quả năm 2020 có lẽ là điểm đáy. Đây là điều cần suy ngẫm.
Trong khi DN ghi nhận sự cải thiện về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết đăng ký kinh doanh, hiệu quả hoạt động của bộ phận một cửa, thì họ vẫn lo ngại về việc công khai thủ tục hành chính, chuyên môn và thái độ giải quyết công việc của cán bộ (các chỉ tiêu này đều kém hơn so với năm 2019).
Điều tra các DN vừa hoàn tất thủ tục cho kết quả đáng lo ngại, khi chỉ 32% DN ở TPHCM nhận định “cán bộ am hiểu chuyên môn” và “cán bộ thân thiện” ở khâu gia nhập thị trường. Đây là tỷ lệ thấp nhất cả nước, kém hơn nhiều so với tỷ lệ trung vị trên toàn quốc, khi nhận định về chuyên môn cán bộ (73%) và về sự thân thiện (79%).
Kết quả điều tra cũng cho thấy vẫn còn 12% DN phải chờ hơn 1 tháng để hoàn tất các thủ tục trước khi đi vào hoạt động - một tỷ lệ khá cao.
Chỉ số thành phần “Tính minh bạch và tiếp cận thông tin” của TP giảm 22 bậc so với PCI 2019, xếp thứ 42/53 tỉnh, thành. DN còn gặp nhiều khó khăn khi tìm kiếm, tiếp cận thông tin, tài liệu phục vụ hoạt động kinh doanh.
Chẳng hạn, chỉ 37% DN cho rằng các thông tin mời thầu được công khai. DN tại TP cũng nằm trong nhóm DN gặp trở ngại nhất, khi tìm hiểu các tài liệu về quy hoạch (xếp thứ 56/63 địa phương) và ít nhận được phản hồi nhất từ chính quyền địa phương sau khi đã đề nghị cung cấp tài liệu (xếp thứ 58/63 tỉnh, thành).
Chỉ số thành phần “Dịch vụ hỗ trợ DN” từng là thế mạnh của TPHCM trong các năm PCI, nhưng trong PCI 2020 đã đánh mất vị trí dẫn đầu và giảm 16 bậc, xếp thứ 17. Tỷ lệ DN cho biết có sử dụng dịch vụ hỗ trợ DN và tỷ lệ DN có ý định tiếp tục sử dụng dịch vụ đều giảm đáng kể so với PCI 2019.
Xu hướng này khá đồng nhất ở hầu hết nhóm dịch vụ được đánh giá như tư vấn pháp luật, tìm kiếm đối tác kinh doanh, liên quan đến công nghệ…
Một trong những điểm nghẽn về môi trường kinh doanh ở TPHCM đó là các dự án BĐS bị ách tắc quá lâu.
Nâng cấp môi trường kinh doanh
Từ kết quả điều tra DN, có thể thấy TPHCM cần tiếp tục cải thiện hiệu quả hoạt động của các trung tâm phục vụ hành chính công và bộ phận một cửa (như tăng thêm các thủ tục hành chính). Việc đánh giá, giám sát cán bộ công chức vận hành bộ phận một cửa cần được thực hiện tích cực hơn.
TP cũng cần công khai, minh bạch thông tin về quy hoạch, kế hoạch phát triển, các dự án đầu tư công, đấu thầu; dự án kêu gọi đầu tư; các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư; kể cả các quy trình, thủ tục cũng như kết quả giải quyết thủ tục hành chính của các ngành, các cấp.
Việc phối hợp với các hiệp hội DN rất quan trọng, trong đó cần tiến hành thường xuyên và thực chất cuộc đối thoại với các cơ sở kinh doanh. Chính quyền TP và các quận, huyện cần kịp thời giải quyết vướng mắc của DN; giao hiệp hội DN tham gia theo dõi, giám sát quá trình giải quyết, định kỳ tiến hành đánh giá công khai kết quả giải quyết vướng mắc từ DN.
Là đầu tàu kinh tế của cả nước, TPHCM nhận được nhiều kỳ vọng từ cộng đồng DN, do đó áp lực phải thực hiện cải cách cũng mạnh hơn so với nhiều địa phương khác. Để biến TP thành nơi “đất lành” cho nhà đầu tư, nơi thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh làm ăn, chính quyền các cấp của TPHCM cần chuyển mình và quyết liệt hơn nữa.
Tôi cho rằng có lẽ TPHCM một mặt tìm cách tháo gỡ các điểm nghẽn của môi trường kinh doanh, làm chuyển động các dự án bị ách tắc, bất động như thời gian qua, mặt khác cần nhanh chóng xây dựng chương trình nâng cấp môi trường kinh doanh; nhanh chóng thoát khỏi tình trạng luôn phải “tháo gỡ khó khăn”, chuyển sang trạng trái chủ động “tạo thuận lợi” cho nhà đầu tư.