Ngày 9-8, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng ký văn bản khẩn về việc tăng cường thực hiện nghiêm các giải pháp đảm bảo cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn.
Lãnh đạo UBND TPHCM yêu cầu Sở Công thương khẩn trương cùng các quận huyện nghiên cứu giải pháp tổ chức lại các điểm bán lương thực, thực phẩm thiết yếu tại những chợ truyền thống đang tạm ngưng hoạt động, hoặc hình thành các điểm bán nhỏ cung ứng mặt hàng tươi sống.
Sở Công thương được yêu cầu tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường, triển khai chương trình bình ổn thị trường, đẩy mạnh hoạt động kết nối cung cầu, đảm bảo nguồn cung ứng để bình ổn thị trường cho TP.
Đồng thời, nghiên cứu, điều chỉnh việc triển khai thực hiện "phiếu mua hàng" hiệu quả, phù hợp với năng lực cung ứng hàng hóa của hệ thống phân phối, nhằm bảo đảm kịp thời cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu đầy đủ cho người dân trên địa bàn. Nhất định không để xảy ra tình trạng thiếu hàng khi người dân đến mua sắm.
Lãnh đạo TPHCM nhấn mạnh UBND phường, xã, thị trấn tổ chức phát phiếu đi chợ, siêu thị cho người dân, cần ghi rõ thời gian đi và các địa điểm chợ, siêu thị, cửa hàng gần nhất để người dân mua sắm.
Các địa phương cần phối hợp sở - ngành liên quan theo dõi nắm chắc diễn biến thị trường, thông tin và phối hợp xử lý kịp thời khi có dấu hiệu khan hiếm hàng hóa, không để tình trạng thiếu hàng, tăng giá đột biến trên địa bàn.
Đối với các hệ thống phân phối (siêu thị của Saigon Co.op, SATRA, Bách hóa xanh, Lotte, Aeon, MM Mega Market, BigC, Emart...), thành phố yêu cầu phối hợp chặt chẽ với địa phương để đánh giá nhu cầu, tiếp tục gia tăng năng lực dự trữ và bán hàng; đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn TP.
Ngoài ra, các hệ thống phân phối phải cung cấp thông tin về mặt hàng, giá cả, quy cách đóng gói, phương thức giao nhận... Trên cơ sở đó, phối hợp cùng địa phương thông tin đến người dân trong khu vực hoặc địa bàn phụ trách, để đăng ký nhu cầu mua hàng, chuẩn bị đơn hàng, triển khai nhiều hình thức cung ứng đa dạng (trực tuyến, qua điện thoại, bán hàng đồng giá, bán hàng đăng ký trước...); hạn chế việc tập trung đông người, không đảm bảo các yêu cầu phòng dịch.
Tính đến ngày 9-8, ba chợ đầu mối tại TPHCM là Hóc Môn, Bình Điền và Thủ Đức vẫn đóng cửa. Có 201/234 chợ truyền thống và một số siêu thị, cửa hàng tiện lợi phải tạm ngưng hoạt động vì dịch Covid-19. Việc cung ứng, phân phối hàng hóa cho người dân từ khi thành phố giãn cách xã hội chống dịch đến nay vẫn tập trung vào các hệ thống phân phối hiện đại, làm gia tăng áp lực và tạo thêm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Chợ dã chiến Bình Thới cũng tổ chức bán hàng theo combo, để việc mua bán diễn ra nhanh chóng.
Ông Nguyễn Bá Tùng - Trưởng Ban quản lý chợ Bình Thới, cho biết sau khi mở lại từ ngày 1-8, chợ chỉ tổ chức cho 15 quầy hàng và bán lưu động trước sân. Tất cả đều đóng gói sẵn. Chợ còn tổ chức 3 đội bán hàng lưu động tại các phường trong quận có nhu cầu.
Chợ Nguyễn Tri Phương ở quận 10 sau hai lần tạm đóng vì dịch cũng đã mở lại với số lượng tiểu thương bán hàng giảm nhiều. Hiện tính cả tiểu thương và người phụ bán chỉ khoảng hơn 60 người.
Theo đại diện ban quản lý chợ, chợ đã siết chặt rất nhiều các quy định phòng dịch, giới hạn người bán lẫn mỗi lượt khách vào mua, để phòng dịch Covid-19.