TS. Hồ Quốc Tuấn: Cần sự thực tế thay vì 'mơ mộng' viển vông

TS. Hồ Quốc Tuấn, phát biểu tại hội thảo.
TS. Hồ Quốc Tuấn, phát biểu tại hội thảo.

Tham dự hội thảo “Tài chính xanh và thị trường tín chỉ carbon” do Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức ngày 6-9 tại TPHCM, tôi học được 3 bài học.

1.Tiếp cận thận trọng và thực dụng

Từ trước hội thảo, trong bài trình bày của mình, nhóm nghiên cứu chúng tôi (gồm GS. Trần Ngọc Thơ, TS. Lê Đạt Chí, ThS. Nguyễn Thị Thu Hà và TS. Nguyễn Lê Ngân Trang) đã đồng ý rằng, cách tiếp cận thực dụng là hợp lý nhất cho Việt Nam trong con đường giảm phát thải và tiến về chuyển đổi xanh nền kinh tế.

Nguyên nhân đầu tiên do sự thay đổi khó lường trong những tiêu chí và mục tiêu giảm phát thải ở phạm vi quốc tế, cách thực hiện cũng như nguồn tài trợ cho quá trình chuyển đổi xanh này. Trong bối cảnh bất định đó, cách tiếp cận thực dụng, đi vào những lợi ích thiết thực nhất của DN và địa phương là cần thiết.

Lý do thứ hai, những mục tiêu giảm phát thải thật sự rất tham vọng trong điều kiện của Việt Nam. Vì vấn đề phát thải của Việt Nam đã đạt tới quy mô đáng lo ngại, phấn đấu giảm phát thải 5-10% không hề dễ dàng.

Thí dụ, TPHCM hiện đang phát thải khoảng 38,5 triệu tấn carbon mỗi năm, chủ yếu đến từ ngành sản xuất công nghiệp (khoảng 20 triệu tấn) và giao thông (khoảng 13 triệu tấn).

Với Quyết định 3273/QĐ-UBND, TPHCM đặt mục tiêu giảm phát thải 10% vào năm 2030 và 30% (nếu có thêm sự trợ giúp quốc tế), tương đương 4-12 triệu tấn carbon trong vòng 7 năm tới.

Lý do nữa là bài toán nan giải về giảm phát thải trong khi vẫn muốn duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức cao so với khu vực. Giảm phát thải ròng và hướng tới mục tiêu net zero phải phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, đó là nhận định theo tôi rất quan trọng.

Với trào lưu hướng vào kinh tế xanh trên toàn cầu, đôi khi những nhà nghiên cứu, nhà hoạt động môi trường, DN và tổ chức phi chính phủ có tâm huyết với vấn đề môi trường sẽ quên đi rằng: mục tiêu tối thượng là phải đạt được mức phúc lợi xã hội cao nhất của người dân, mà môi trường, dù cực kỳ quan trọng, cũng chỉ là một cấu phần trong tổng phúc lợi xã hội đó.

Những tranh luận gần đây về các dự án được cho tạo ra lợi ích cho cộng đồng, như tạo ra nguồn nước sạch cho người dân nhưng lại làm hủy hoại rừng, đã chỉ ra rằng những xung đột trong việc cân bằng giữa lợi ích về môi trường và phúc lợi xã hội khác còn tạo ra nhiều tranh cãi trong nhiều năm nữa.

Trong bối cảnh như vậy, cách tiếp cận thận trọng và thực dụng sẽ đảm bảo cho sự cân bằng giữa các mục tiêu.

2. Thiếu kết nối và chia sẻ giữa các chủ thể thực thi

Phát biểu ở hội thảo, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Kinh tế tư nhân (Ban IV), chia sẻ trong vòng 1 năm qua dù các cấp chính quyền đã nỗ lực tổ chức các hoạt động phổ biến thông tin, hiện vẫn có khoảng cách quá lớn giữa cơ quan nhà nước và DN.

Nỗ lực của 2 bên không gắn kết và chia sẻ với nhau. Bà lấy thí dụ trong đợt làm việc vừa rồi với các địa phương, nhiều câu hỏi đặt ra, bộ nói đã làm rất nhiều việc nhưng DN lại nói… không biết, các tỉnh cũng nói không biết.

Đây chỉ là một thí dụ cho rất nhiều sự thiếu kết nối trong tiến trình chuyển đổi sang kinh tế xanh nhóm nghiên cứu chúng tôi nhận ra. Đã có rất nhiều nghiên cứu ở nhiều lĩnh vực khác nhau liên quan đến công nghệ mới để làm giảm phát thải, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, tăng đa dạng sinh học và những quy trình để tối ưu hóa sản xuất ít gây ô nhiễm.

Nhưng những nhà nghiên cứu cũng như cơ quan ứng dụng trong các lĩnh vực khác nhau chưa có sự kết nối chặt chẽ. Trong khi những người thiết lập chuẩn mực báo cáo bền vững, xây dựng thị trường tài chính xanh than phiền thiếu những thước đo đáng tin cậy và đồng nhất, trong khi những nhà khoa học các ngành khác liên tục đưa ra nhiều thước đo và phương pháp mới.

Điều thị trường tài chính cần là sự thống nhất, chuẩn mực, trong khi các nhà khoa học lại đang tạo ra sự đa dạng quá mức nhưng lại thiếu thảo luận để đi đến đồng thuận đâu là những thước đo phù hợp nhất.

Với các DN niêm yết ở châu Âu đang đối mặt với yêu cầu báo cáo và quản trị rủi ro về môi trường và biến đổi khí hậu, không đo lường được tác động một cách đồng nhất cao, sẽ khó quản trị được quy trình chuyển đổi xanh và quản lý rủi ro.

Việt Nam cũng đang đối mặt với vấn đề tương tự, chỉ là ở dạng thức khác. Sự thiếu kết nối trong thông tin giữa chính quyền và DN, giữa DN với chuyên gia nghiên cứu, giữa DN với các tổ chức tài chính có nguồn tài trợ cho chuyển đổi xanh, chỉ là vài thí dụ tôi nhận thấy trong hội thảo.

Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho đầu tàu kinh tế-tài chính TPHCM. Nếu có thể tận dụng được những cơ chế đặc thù và vai trò trung tâm tài chính để được thí điểm trong vai trò kết nối, tạo dựng hệ sinh thái chuyển đổi xanh, TPHCM có thể mở khóa cho nhiều cánh cửa dẫn đến các cơ hội phát triển và mô hình kinh doanh mới.

Một mắt xích quan trọng trong đó chính là thị trường tài chính xanh - nơi kết nối các ngân hàng, quỹ đầu tư, chuyên gia với DN. Tài chính xanh và thị trường tín chỉ carbon suy cho cùng chỉ là công cụ, là cơ chế để đi đến sự kết nối đó.

Yếu tố mấu chốt cần nhớ ở đây, đó chỉ là những cơ chế kết nối, không nhất thiết phải là những “sàn” thực thể. Một trang web với đầy đủ thông tin, có độ tương tác và kết nối cao, cộng với những quy định pháp lý rõ ràng, đơn giản, thiết thực, là đủ tạo ra thị trường giao dịch tín chỉ carbon. “

Chợ” ngày nay không giống ngày xưa đòi hỏi phải có thực thể hữu hình cụ thể ở đâu đó, để rồi tốn kém thời gian tranh cãi nó sẽ được đặt ở đâu, xây dựng như thế nào... Thay vào đó, hãy dành công sức lớn nhất cho vai trò kết nối và chia sẻ thông tin đến các chủ thể cần nó, mà ở đây DN, đặc biệt là nhóm vừa và nhỏ, đang là nơi “đói” thông tin nhất.

3.Thông tin và minh bạch

Để kết nối và chia sẻ thành công, cũng như để đảm bảo không có tình trạng “rửa xanh” như ở một số nước, tức giả bộ tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường và giảm phát thải, nhưng thật ra không làm hoặc làm ngược lại, nên rất cần có sự minh bạch về thông tin.

Một trong những bước đi đầu tiên là những cổng thông tin thiết thực. Có 3 phát biểu trong hội thảo về vấn đề này mà tôi chú ý. Theo TS. Trần Văn, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, TPHCM có thể bắt đầu bằng việc công bố danh mục các dự án xanh với đầy đủ thông tin, tổng mức đầu tư, đánh giá của các định chế tài chính, tư vấn độc lập, cơ quan quản lý nhà nước về tiêu chuẩn xanh, việc huy động vốn, ấn định lãi suất, thời hạn trả nợ trên cơ sở hiệu quả tổng hợp đầu ra của dự án.

Theo bà Trần Thị Thúy Ngọc, Phó Tổng giám đốc Công ty Kiểm toán Deloitte Việt Nam, Singapore đã chi 5 triệu USD xây dựng trung tâm dữ liệu, đảm bảo đầy đủ toàn bộ nội dung liên quan đến thị trường tín chỉ carbon, tài chính xanh. Từ đây, các nhà đầu tư, tổ chức tín dụng có đủ thông số đánh giá dự án xanh, phát triển bền vững.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, các nhà phát hành phải quan tâm đến 4 vấn đề: sử dụng vốn thế nào, cho công trình dự án gì; dự án đó phải được thẩm định chặt chẽ; các nhà phát hành phải cho nhà đầu tư biết việc quản lý dòng vốn để có nguồn trả nợ cho trái phiếu như thế nào; báo cáo từ nhà phát hành, công ty kiểm toán, công ty chức năng thật minh bạch.

Tầm quan trọng của minh bạch và thông tin đầy đủ ở đây đã được các ý kiến này chuyển tải khá rõ ràng. Để có thể đảm bảo thực hiện hiệu quả vai trò kết nối, đảm bảo giám sát đúng, không để diễn ra trục lợi trong tiến trình thực hiện chuyển đổi xanh và xây dựng trung tâm tài chính xanh, điều đã và đang diễn ra ở các nước, không gì quan trọng bằng việc minh bạch các thông tin ở mức tốt nhất có thể, để nhiều chủ thể có thể tham gia giám sát.

Các tin khác