Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm
PHÓNG VIÊN: - Cầu Rạch Miễu 1 đang quá tải, cầu Rạch Miễu 2 vừa khởi công nhưng trong thời gian chờ hoàn thành, cần phải có giải pháp để giải quyết dứt điểm nạn kẹt xe. Địa phương đã đề xuất làm cầu phao hoặc đóng thêm phà. Xin ông cho biết, ý kiến của Bộ GTVT về các đề xuất này như thế nào?
* Thứ trưởng NGUYỄN DUY LÂM: - Cầu Rạch Miễu 1 được đưa vào sử dụng tháng 1-2009 với lưu lượng khai thác dự kiến hơn 535.500 xe ô tô/năm. Tuy nhiên, hiện lưu lượng phương tiện ô tô qua cầu đã tăng gấp 10-13 lần. Năm 2021, lưu lượng xe qua cầu đạt hơn 5.410.000 ô tô/năm, trung bình 21.000 xe/ngày đêm. Đặc biệt, trong những ngày lễ, tết lượng xe qua cầu khoảng 27.000 xe/ngày đêm. Đó là lý do dự án cầu Rạch Miễu 2 được xây dựng. Tuy nhiên, dự án này cần khoảng hơn 3 năm thi công. Việc giải quyết ùn tắc giao thông khu vực trong thời gian chờ cầu Rạch Miễu 2 hoàn thành là một vấn đề nan giải. Đề xuất của địa phương về việc xây dựng cầu phao là không khả thi, do đây là tuyến luồng hàng hải.
Từ tháng 1-2021, Sở GTVT tỉnh Tiền Giang đã đầu tư bến phà Rạch Miễu tạm, kết nối từ đường tỉnh 864 phía bờ Tiền Giang và quốc lộ 57B phía bờ Bến Tre, phục vụ tất cả phương tiện dưới 30 tấn, miễn phí cho người đi bộ và xe 2 bánh. Do lượng khách qua phà còn ít nên hiện chỉ vận hành 1 chiếc phà loại 100 tấn. Bộ GTVT sẽ chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với các địa phương nghiên cứu, trong trường hợp cần thiết sẽ đề xuất điều động thêm phà để đảm bảo giao thông cho bến phà Rạch Miễu.
- Cùng với cầu Rạch Miễu, cầu Đại Ngãi được kỳ vọng sẽ tạo thành trục giao thông quan trọng giúp các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL kết nối với TPHCM. Tuy nhiên, hiện dự án vẫn chưa được xây dựng do những khó khăn trong thu xếp nguồn vốn đầu tư. Bộ GTVT có thể cho biết tiến độ mới nhất triển khai dự án này như thế nào?
* Dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên QL60 thuộc địa phận 2 tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản tại Quyết định số 1478/QĐ-TTg ngày 28-10-2019. Tuy nhiên, đến nay phía Nhật Bản vẫn chưa có cam kết vốn vay chính thức cho dự án và dự kiến phải đến quý 2-2025 mới có thể khởi công dự án. Để đẩy nhanh tiến độ, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội đưa dự án cầu Đại Ngãi vào danh mục dự kiến đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công, thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Bộ GTVT có tờ trình điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, Bộ KH-ĐT đang thẩm định và dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 4-2022. Hiện Bộ GTVT đang chỉ đạo các đơn vị liên quan chuẩn bị các thủ tục cần thiết để hoàn thiện và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án và triển khai các bước tiếp theo như công tác cắm cọc giải phóng mặt bằng, thiết kế kỹ thuật, lựa chọn nhà thầu... để đủ điều kiện khởi công dự án theo quy định.
- Một trong những bức xúc về giao thông khu vực ĐBSCL là tình trạng thả nổi cao tốc TPHCM - Trung Lương dẫn đến chất lượng xuống cấp, nguy cơ ùn tắc, tai nạn trên tuyến tăng cao. Giải pháp đưa ra là cần triển khai sớm việc thu phí trên tuyến này, vừa để phân luồng phương tiện vừa để hoàn vốn đầu tư trước đó hoặc đầu tư các tuyến mới, ý kiến Bộ GTVT về việc này?
* Với tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương, khi không tổ chức thu phí, phương tiện lưu thông tập trung toàn bộ trên tuyến dẫn đến tốc độ lưu thông không cao và thường xảy ra ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, việc thu phí cao tốc đầu tư công cần được Quốc hội thông qua, do Luật Giao thông đường bộ quy định không thu phí với các tuyến đường đầu tư bằng ngân sách, mà thu phí bảo trì trên đầu phương tiện khi đăng kiểm. Việc thu phí cao tốc đầu tư công có thể thực hiện ngay hay phải chờ tới khi sửa Luật Giao thông đường bộ sẽ do Quốc hội quyết định.
Bộ GTVT xác định, nhu cầu về vốn để tiếp tục đầu tư và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông ở nước ta rất lớn, đặc biệt là đối với hệ thống đường bộ cao tốc. Chính vì vậy, việc nghiên cứu phương án thu hồi vốn đầu tư các dự án đường bộ cao tốc do nhà nước đầu tư để tái đầu tư là vấn đề cần thiết. Quốc hội cũng đã có chủ trương và giao Chính phủ, Bộ GTVT nghiên cứu triển khai. Bộ GTVT sẽ tham mưu hoàn thiện cơ sở pháp lý về việc tổ chức thu phí sử dụng đường cao tốc do nhà nước đầu tư. Sau đó, chủ trương cho thu phí/giá để hoàn vốn đầu tư các tuyến đường bộ cao tốc sử dụng toàn bộ vốn đầu tư công cần được Quốc hội (hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) thông qua. Trên cơ sở chấp thuận của Quốc hội, các cơ quan có thẩm quyền (Chính phủ, các bộ, ngành) mới có thể triển khai tiếp các thủ tục cần thiết để hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan làm cơ sở triển khai thực hiện thu phí.
Trong khi chờ đủ điều kiện thực hiện thu phí, trước mắt Bộ GTVT và các địa phương sẽ ưu tiên đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến đường song hành để phân lưu giao thông hợp lý hơn, người dân sẽ không tập trung chọn đi vào đường cao tốc, từ đó khai thác tuyến cao tốc hiệu quả, an toàn hơn.
Từ nay đến năm 2025, khu vực miền Tây triển khai 19 dự án, gồm 17 dự án đường bộ, 1 dự án hàng hải, 1 dự án đường thủy nội địa. Trong đó, 6 dự án đã hoàn thành, 11 dự án đang tổ chức triển khai thi công, tiến độ cơ bản đáp ứng yêu cầu và 2 dự án đang chuẩn bị khởi công. Giai đoạn 2025-2030, khu vực này sẽ có thêm 14 dự án đường bộ, 3 dự án hàng hải, 3 dự án đường thủy, 4 dự án hàng không, 1 dự án đường sắt (TPHCM - Cần Thơ) được đầu tư. Như vậy, những nút thắt giao thông sẽ dần được tháo gỡ.
- Xin cảm ơn ông.