Bài viết này xin được góp ý với VAFI về mặt phương pháp những vấn đề nhạy cảm liên quan đến lãi suất và đến túi tiền phần lớn người lao động. Cho dù là đề xuất với ý đồ tốt, nhưng không phải muốn nói sao cũng được.
Điều đầu tiên, đối với những ai không am hiểu về tiền tệ cũng đều thấy vấn đề lãi suất (cả tiền gửi và cho vay), giống như huyết áp con người, có thể chúng hiện đang ở mức cao đấy, nhưng hạ huyết áp đột ngột về 0, ắt sẽ dẫn đến đột quỵ. Đó là nhập môn căn bản của bất kỳ lĩnh vực nào. Riêng đối với đề xuất đưa lãi suất về 0, các sai lầm cụ thể sẽ được phân tích dưới đây.
1. Sai lầm trong so sánh “lãi suất tiền gửi” giữa VNĐ và các đồng tiền khác
VAFI so sánh lãi suất tiền gửi VNĐ (khá cao) với các ngoại tệ khác (0%), để từ đó đặt vấn đề lãi suất phải giảm ngang bằng, tức về 0. Thực ra việc so sánh lãi suất tiền gửi của 2 đồng tiền với nhau chỉ dành cho giới kinh doanh ngoại hối khi họ thực hiện các giao dịch “carry trade” (kinh doanh chênh lệch lãi suất).
Lấy thí dụ, lãi suất tiền gửi đồng Yen Nhật gần 2 thập niên nay ở mức xấp xỉ 0%, trong khi lãi suất đồng USD cùng giai đoạn ở mức khoảng 5%. Giới kinh doanh chênh lệch lãi suất (carry trade) cứ việc bán Yen và chuyển sang tiền gửi USD để ăn chênh lệch 5%.
NHTW Mỹ (Fed) không vì sợ USD lên giá làm tăng nhập siêu mà hạ lãi suất USD về 0. Bởi lẽ có muốn cũng bất khả thi, vì lãi suất tiền gửi là do các yếu tố cân bằng cung cầu thị trường tiền tệ quyết định chứ không thuộc thẩm quyền của NHTW.
Thay cho vai trò can thiệp của NHTW, tỷ giá USD và Yen sẽ tự điều chỉnh. Đối với VNĐ, do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không để tỷ giá thả nổi hoàn toàn để điều chỉnh “carry trade” giống như USD và Yen Nhật, nên họ sẽ thực hiện bằng các chính sách kiểm soát vốn để hạn chế các giao dịch ngoại hối dẫn đến bất ổn tỷ giá.
Không một NHTW nào khi không bỗng nhiên ra lệnh các ngân hàng tự điều chỉnh lãi suất tiền gửi giảm, chỉ vì lãi suất một đồng tiền quốc gia khác quá thấp. Trừ phi NHTW đó chấp nhận mất đi tính độc lập trong chính sách tiền tệ.
Điều này chỉ xảy ra đối với các quốc gia neo cứng tỷ giá đồng tiền nước mình vào đồng ngoại tệ như USD. Việt Nam chắc chắn không rơi vào trường hợp này.
2. Sai lầm trong so sánh “lãi suất chính sách” giữa VNĐ và các đồng tiền khác
2. Sai lầm trong so sánh “lãi suất chính sách” giữa VNĐ và các đồng tiền khác
Tăng hay giảm lãi suất tiền gửi không thể và không do NHTW quyết định. Nếu muốn, NHTW chỉ có thể giảm lãi suất chính sách về 0 và qua đó truyền động sang lãi suất tiền gửi (tức hy vọng các NHTM “tuân lệnh” NHNN mà giảm lãi suất theo).
Ngay cả như thế, việc VAFI so sánh lãi suất chính sách giữa hai nước để đề xuất Chính phủ, NHNN giảm lãi suất tiền gửi cũng là sự ngộ nhận giữa “Táo và Cam”. Chỉ có thể dùng phép so sánh tương đối lãi suất chính sách giữa hai đồng tiền.
Trước hết, cần phải hiểu khái niệm “tương đối” trong so sánh lãi suất chính sách của đồng tiền 2 quốc gia. Hiện thời lãi suất chính sách của Fed xấp xỉ 0,5% và Yen Nhật 0%. Nhưng cũng không vì thế mà ta nói lãi suất USD cao hơn Yen 0,5%.
Không thể lấy 0,5% trừ cho 0% rồi cho ra chênh lệch = cộng 0,5%, giống như lấy Táo trừ đi Cam, để rồi từ đó đề nghị Fed giảm lãi suất 0,5% để “nỗ lực hội nhập” với NHTW Nhật.
Nói thế cũng giống như nói chiều cao trung bình 1 mét 7 hiện tại của người Việt phải tăng lên 1 mét 8 cho bằng với người Mỹ. Phép so sánh “tương đối” chỉ hàm ý: nếu chiều cao người Mỹ sắp tới đây tăng thêm 0,2m thì người Việt cũng phải phấn đấu tăng xấp xỉ 0,2m để còn “nỗ lực” hội nhập thể thao không thua kém với bạn bè. Không thể qua một đêm sáng dậy trở thành người cao 2 mét bằng dân Mỹ.
Chiều cao trung bình của 2 dân tộc cũng không khác gì “lãi suất tự nhiên” giữa đồng tiền 2 quốc gia. Lãi suất tự nhiên mỗi nước tích lũy nhiều yếu tố tạo thành, như năng suất lao động, sự phát triển của công nghệ, cấu trúc kinh tế, nhân khẩu học.
Chẳng hạn, một quốc gia có năng suất thấp và công nghệ lạc hậu như Việt Nam, thì lãi suất tự nhiên cao hơn so với Mỹ, Nhật, châu Âu là điều bình thường. Lãi suất chính sách là một phép đo của lãi suất tự nhiên, VAFI đặt ra các điều kiện (theo ý chủ quan của mình) để 2 năm kế tiếp đưa lãi suất chính sách về 0%. Đó là nhiệm vụ bất khả thi, trừ phi có ai đó tìm ra gen đột biến.
3. Sai lầm trong cái gọi là “nỗ lực hội nhập” chính sách tiền tệ của VAFI
3. Sai lầm trong cái gọi là “nỗ lực hội nhập” chính sách tiền tệ của VAFI
Hơn một năm qua, cả thế giới sống chung với đại dịch Covid-19, nhiều NHTW các nước đều giảm sâu lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế và sinh kế người dân. Trong hoàn cảnh này, nếu một NHTW nào đó không có động thái giảm lãi suất chính sách, thì quả thật khó thuyết phục.
Nhưng nếu có giảm lãi suất thì NHTW cũng dựa trên khuôn khổ chính sách tiền tệ của riêng họ chứ không phải chỉ dựa trên lãi suất chính sách của nước khác giảm, để rồi họ cũng phải giảm theo.
Thí dụ như Fed, khuôn khổ chính sách tiền tệ mới cập nhật của họ đặt nặng vấn đề ưu tiên tạo nhiều công ăn việc làm hơn so với mục tiêu lạm phát. Fed chấp nhận để lạm phát vượt mục tiêu cứng 2% trong một thời gian không xác định.
Vì vậy, Fed thông báo sẽ không tăng lãi suất đến năm 2024. Trong khi đó khuôn khổ chính sách tiền tệ của NHTW châu Âu (ECB) là chỉ có duy nhất một mục tiêu lạm phát. Câu thần chú của ECB luôn là “thận trọng tối đa với lạm phát”, nên có khả năng họ sẽ tăng lãi suất trước Fed.
Có thể thấy, chẳng có ai nhìn vào lãi suất của nhau để cho nó lên xuống theo kiểu nước lên thuyền lên. Mỗi quốc gia đều có khuôn khổ chính sách tiền tệ “độc lập” của riêng mình. Chẳng ai phải nỗ lực hội nhập với ai trong chính sách tiền tệ. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cũng chỉ dám khuyên NHNN sắp tới nên “hiện đại hóa” chính sách tiền tệ, chẳng hạn như minh bạch nhiều hơn, linh hoạt tỷ giá nhiều hơn…
Như vậy “hiện đại hóa” chính sách tiền tệ là lời khuyên phổ quát toàn cầu của một định chế tiền tệ hàng đầu như IMF, còn “nỗ lực hội nhập” chính sách tiền tệ (đưa lãi suất về 0) là phát kiến độc nhất chỉ có ở VAFI.
Ảnh: VIẾT CHUNG
4. Sai lầm do dùng công cụ thuế của chính sách tài khóa thay cho chính sách tiền tệ
VAFI có một đề xuất đáng lưu ý là Chính phủ nên đưa ra các sắc thuế chống đầu cơ để hướng dòng tiền đi vào kênh tiền gửi tiết kiệm, và do đó tự dưng sẽ làm giảm lãi suất huy động. Nếu làm thế sẽ “thành công vang dội”.
Tuy nhiên đây là 2 vấn đề khác nhau. Tăng thuế thị trường bất động sản để thực hiện nguyên tắc công bằng, trung lập và hiệu quả của chính sách thuế chứ đâu chỉ có chống đầu cơ.
Còn chúng có chảy vào kênh tiết kiệm hay kênh nào khác lại là câu chuyện khác, nhiều khi không (hoặc ít) liên quan gì đến chính sách thuế trên thị trường bất động sản. Đó không phải là mối quan hệ nhân quả.
5. Sai lầm do chưa cập nhật thực tế diễn biến thị trường tài chính toàn cầu
5. Sai lầm do chưa cập nhật thực tế diễn biến thị trường tài chính toàn cầu
VAFI phê bình những người phản biện mình là thiếu thực tế, trong khi đó VAFI “gồm các nhà đầu tư tài chính thực thụ, cảm nhận rõ nét từng chuyển động của thị trường tài chính”. Nhưng với đề xuất lãi suất 0%, e rằng VAFI đang đi ngược lại với các chuyển động của thị trường tài chính toàn cầu.
Các trang báo quốc tế gần đây đề cập ngày càng dày đặc khả năng có thể xuất hiện “một cơn thịnh nộ” của dòng vốn quốc tế tháo chạy khỏi các nền kinh tế mới nổi, nếu như Fed tăng lãi suất đồng USD (gợi nhớ lại thời điểm 2013 khi Fed tăng lãi suất làm dòng vốn tháo chạy khỏi các nền kinh tế mới nổi dẫn đến sụt giảm mạnh trong thị trường chứng khoán và tỷ giá).
Mới đây nhất, kinh tế gia Duvvuri Subbarao, nguyên Thống đốc NHTW Ấn Độ, trong một phân tích trên tờ Financial Times ngày 21-6 có tựa đề: “Các nền kinh tế mới nổi có lý do chính đáng lo lắng về dòng vốn tháo chạy” cũng đã đưa ra cảnh báo tương tự. Ông khuyên rằng các nền kinh tế mới nổi cần phải tăng cường dự trữ ngoại hối để phòng ngừa nguy cơ này.
Trong bối cảnh đó, chỉ cần lãi suất VNĐ đứng yên không thay đổi, dòng vốn cũng đảo chiều mạnh quay về Mỹ rồi. Còn nếu đưa lãi suất về 0%, không biết những điều tồi tệ sẽ đến đâu, nhưng chắc chắn dự trữ ngoại hối của NHNN sẽ “tụt áp” về 0 ngay lập tức.
Hoặc NHNN sẽ áp dụng cấm 100% các giao dịch chuyển ngoại tệ ra nước ngoài. Vậy là phải quay lại một thời kỳ đen tối trước đây là “áp chế tài chính”, chỉ tự mình ta chơi với ta.
6. Vài điều với VAFI
6. Vài điều với VAFI
Tóm lại, giống như xem phim thần thoại viễn tưởng, đề xuất của VAFI thoạt thấy có lý. Nhưng khi tấm màn nhung khép lại, chưa bàn đến đồng tiền rẻ 0% có chảy đúng vào địa chỉ nơi ông phù thủy phất cây gậy theo mệnh lệnh hành chính, lãi suất 0% có thể kích hoạt phản ứng dây chuyền đồng thời: lãi suất 0% dẫn đến ngay lập tức tiền đồng mất giá, nguy cơ dòng vốn đảo chiều đột ngột ra nước ngoài, dự trữ ngoại hối sụt giảm, kích hoạt rủi ro lạm phát và kỳ vọng lạm phát tăng tốc. Cuối cùng là nguy cơ khủng hoảng tài chính đến từ các cuộc tấn công tiền tệ.
Đề xuất của VAFI có thể là có thiện ý. Nhưng việc nôn nóng chích vaccine lãi suất 0 vào toàn bộ nền kinh tế theo cách vội vàng, có thể không phải kích hoạt phản ứng phụ như vaccine bình thường, mà sẽ là “thiếu hiệu quả”, “không an toàn”.
Loại vaccine “thần thoại” và cây đũa thần phù phép nhằm mục đích hướng dòng tiền nhàn rỗi chảy vào nơi nó cần đến theo ý chí của VAFI, rõ rồi, chúng không thể nào được cấp phép trong đời thực.
Chỉ sợ nhất là thương hiệu, uy tín của nhà sản xuất vaccine lãi suất 0 bị mai một, không còn ai nhớ đến. Nếu thế cũng thật tiếc vì thị trường sẽ mất đi một tiếng nói phản biện trọng lượng mỗi khi có các nhóm lợi ích lộng hành.