Vì sao du lịch trong nước giá cao, 'xuất ngoại' giá rẻ?

(ĐTTCO) - Đang bước vào cao điểm mùa du lịch hè, nhưng giá tour trong nước đa phần lại cao hơn tour nước ngoài. Do vậy, số lượng khách chọn tour xuất ngoại tăng đáng kể. 
Hà Giang thu hút du khách trong và ngoài nước bởi cảnh thiên nhiên hùng vĩ, ngoạn mục. Ảnh: Hoàng Hùng
Hà Giang thu hút du khách trong và ngoài nước bởi cảnh thiên nhiên hùng vĩ, ngoạn mục. Ảnh: Hoàng Hùng

Giá vé máy bay, dịch vụ… quá cao

Cuối tuần qua, chị Nguyễn Lê Mai (ngụ đường Nguyễn Tất Thành, quận 4, TPHCM) đến văn phòng tư vấn của một công ty du lịch nằm trên đường Nguyễn Huệ (quận 1) để đặt tour du lịch nước ngoài. Cả 3 người trong gia đình chị Mai đều thống nhất chọn tour trọn gói đến Thái Lan 5 ngày 4 đêm, mức giá 6,5 triệu đồng/người, sẽ khởi hành cuối tháng 6.

Khi được hỏi sao không chọn du lịch trong nước với nhiều điểm đến cũng đang rất hấp dẫn, chị Lê Mai giải thích: “Gia đình cũng đã bàn bạc và định đi du lịch trong nước để con cái biết được cảnh đẹp, văn hóa của quê hương. Thế nhưng, giá tour trong nước cao quá. Ví dụ, tour đi Nha Trang - Mũi Né có mức giá khoảng 7,5 triệu đồng/người, còn đi Hà Nội - Hà Giang - Cao Bằng mức giá lên tới khoảng 10 triệu đồng/người”.

Trong khi đó, theo chị Lê Mai, nếu chọn đi tự túc thì giá máy bay chiều TPHCM - Hà Nội (khoảng thời gian cuối tháng 6) đã từ 1,2-2,1 triệu đồng/người. Tính trọn gói di chuyển, ăn ở khách sạn, thuê xe du lịch đến các điểm tham quan 5 ngày 4 đêm (TPHCM - Hà Nội - Cao Bằng), chi phí phải trả hơn 10 triệu đồng/người.

Kể lại câu chuyện trải nghiệm không mấy vui vẻ trong chuyến du lịch vừa qua, anh Trần Nguyễn Quốc Trương (ngụ đường Quang Trung, quận Gò Vấp, TPHCM) nói: “Đầu tháng 4, tôi đi du lịch tự túc cùng nhóm bạn tại Côn Đảo. Mặc dù không phải mùa cao điểm vui chơi, Côn Đảo cũng rất vắng khách, nhưng giá các suất ăn bình dân khá cao. Chẳng hạn, một phần cơm gà hoặc cá bán tại quán nhỏ cách Nhà khách công an huyện Côn Đảo khoảng 1km cũng có giá từ 45.000-60.000 đồng, nước mía từ 20.000-25.000 đồng/ly".

Tương tự, với chị Hương Quỳnh (ngụ đường Lê Quang Định, quận Bình Thạnh, TPHCM), giá các suất ăn bán tại một số trạm dừng chân dọc đường từ TPHCM đến các tỉnh Tây Nguyên vừa đắt lại vừa dở. Điển hình như trạm dừng chân tại Bù Đăng (Bình Phước) bán bánh canh, hủ tiếu có giá từ 45.000-50.000 đồng/tô nhưng chất lượng lại thua xa các quán ăn bình dân ở vùng ven TPHCM.

Theo các doanh nghiệp du lịch, thị trường nội địa khó cạnh tranh với các nước khi du lịch trong nước cứ đến hẹn lại... tăng giá, mạnh ai nấy làm, nhất là ngành hàng không vì cơ cấu giá vé máy bay chiếm khoảng 40% giá tour trọn gói.

Ngành hàng không cam kết thúc đẩy du lịch, tung ra giá vé ưu đãi nhưng thực chất khách hàng rất khó tiếp cận, bởi nhiều điều kiện đặt cọc giữ chỗ khắt khe. Chưa kể, dù có giảm nhưng tình trạng nhiều đơn vị lữ hành “ôm” phòng khách sạn, vé máy bay nhằm trục lợi trong cao điểm mùa du lịch, lễ, tết vẫn diễn ra.

Cần “nhạc trưởng” liên kết

Từ đầu tháng 5 đến nay, hàng chục cuộc họp xúc tiến du lịch của Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… lần lượt được tổ chức tại TPHCM, Hà Nội cùng nhiều thành phố lớn khác trên cả nước với mong muốn đón dòng khách tiềm năng từ Việt Nam đến với các quốc gia này.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng xúc tiến du lịch ở một số thị trường như Australia, Mỹ… Tuy vậy, sự khác biệt chính là các nước nói trên có văn phòng xúc tiến du lịch đặt tại các thành phố lớn của Việt Nam, trong khi Việt Nam muốn quảng bá du lịch chỉ có thể kết hợp với Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán Việt Nam tại các nước (do chưa có văn phòng xúc tiến du lịch).

“Đặc biệt, nhiều đơn vị du lịch của các nước cho nhân viên tìm hiểu cặn kẽ khách Việt cần gì? Các doanh nghiệp du lịch Việt khi đưa khách Việt qua nước họ mong muốn được hỗ trợ những gì?… Họ lưu ý đến thói quen, sở thích, khả năng chi trả của du khách Việt để tìm cách đón tiếp. Chính phương pháp xúc tiến trực tiếp này đã thu hút đáng kể khách Việt sang các nước”, ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông - Marketing của TSTtourist, thông tin.

Khách Việt Nam đi tour châu Âu do TSTtourist tổ chức, tháng 5-2023

Ngoài ra, kinh phí xúc tiến du lịch khá khiêm tốn cũng được Tổng cục Du lịch Việt Nam nêu ra tại nhiều diễn đàn nhưng vẫn chưa được điều chỉnh. Cụ thể, ngân sách nhà nước dành khoảng 2 triệu USD/năm cho hoạt động xúc tiến, quảng bá, trong khi ở một số nước kinh phí xúc tiến du lịch trước dịch Covid-19 đã trung bình khoảng 86 triệu USD/năm; Thái Lan, Singapore có kinh phí xúc tiến du lịch khoảng 100 triệu USD/năm, Malaysia khoảng 130 triệu USD/năm…

Theo Tổng cục Du lịch, tổng doanh thu du lịch năm 2019 của nước ta khoảng 755.000 tỷ đồng (hơn 32 tỷ USD), trong khi du lịch Thái Lan mang về khoảng 60 tỷ USD… Đối chiếu giữa kinh phí xúc tiến trên tổng doanh thu du lịch giữa Việt Nam với các nước, rõ ràng Việt Nam đang chi rất ít, nhưng mục tiêu đặt ra cho những năm tiếp theo lại rất lớn.

Điển hình, tại Quyết định 147/QĐ-TTg năm 2020 về Phê duyệt chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 chỉ rõ, mục tiêu đến năm 2025 tổng doanh thu du lịch từ 77-80 tỷ USD, đến năm 2030 tổng doanh thu từ khách du lịch đạt 130-135 tỷ USD…

Thế nhưng, nguồn kinh phí dành cho xúc tiến luôn “giậm chân tại chỗ” từ hàng chục năm qua với khoảng 2 triệu USD/năm! Như vậy, liệu ngành du lịch Việt Nam có đạt được mục tiêu?

Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietravel Holdings, kiểu “mạnh ai nấy làm” như hiện nay sẽ làm cho ngành du lịch trong nước giảm sức cạnh tranh, không phát triển được. Do vậy, du lịch nội địa cần kết nối hệ thống dịch vụ với nhau, liên kết chặt chẽ hơn nữa từ dịch vụ bán hàng, lưu trú, tham quan…

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc An, Phó Tổng Giám đốc Lữ hành Vietluxtour, cho rằng, cần phải có chính sách “bắt tay”, cùng liên kết trợ giá, nhất là chính sách giá vé ưu đãi từ ngành hàng không trong nước để góp phần vực dậy du lịch nước nhà.

Nhiều chuyên gia cũng nhìn nhận, để du lịch Việt phát triển cần rất nhiều yếu tố, trong đó mấu chốt là nâng cao chất lượng dịch vụ, kết nối giữa các ngành (hàng không, điểm đến)… nhằm đưa ra mức giá hợp lý, cạnh tranh nhất cho khách hàng. Trong đó, vai trò “nhạc trưởng” của Bộ VH-TT-DL cực kỳ quan trọng nhằm vực dậy ngành du lịch Việt Nam phát triển bền vững sau dịch Covid-19.

TS BÙI THỊ NGỌC PHƯƠNG, Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học quốc tế Hồng Bàng: Tăng cường kích cầu, quảng bá du lịch

Việt Nam có lợi thế lớn về danh lam thắng cảnh nhưng khả năng cạnh tranh, thu hút du khách vẫn còn yếu so với các nước trong khu vực. Do vậy, ở góc độ Nhà nước cần đẩy mạnh quảng bá, kích cầu, có chiến lược ưu đãi, giảm giá ổn định (vé máy bay, dịch vụ lưu trú…) cho du khách, cả khách trong nước lẫn quốc tế; đồng thời kết nối với các địa phương, các điểm đến nghiên cứu đưa ra chương trình kích cầu cụ thể…

Đặc biệt, từng địa phương cần có kế hoạch, phương án cụ thể, liên kết với doanh nghiệp du lịch, thông tin vùng nào phù hợp khai thác du lịch, hướng tiếp nhận du khách và có cơ chế xử lý bất cập, sai phạm vào dịp cao điểm nhằm hạn chế tình trạng “chặt chém” du khách, qua đó có hướng phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Song song đó, Nhà nước cần duy trì chính sách ưu đãi về lãi suất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm thuế giá trị gia tăng… nhằm khuyến khích người Việt đi du lịch trong nước vì chất lượng dịch vụ và giá cả sẽ góp phần trực tiếp vào quyết định du lịch của khách.

Ông TỪ QUÝ THÀNH, Giám đốc Công ty Du lịch Liên Bang: Nên hậu kiểm việc thực hiện các cam kết

Rất cần chính sách ưu đãi phát triển du lịch bền vững, kéo dài, kết nối chặt chẽ giữa hàng không, dịch vụ lưu trú, ăn uống… Đồng thời, ở tầm quốc gia, cần có kế hoạch tổng thể, kích cầu phát triển du lịch ổn định giữa các tỉnh, thành trên cả nước. Như hiện nay, chính sách kết nối chỉ mang tính chất tạm thời, dễ đứt gãy do tình trạng mạnh ai nấy làm, hoàn toàn không có lợi cho ngành du lịch. Ở nhiều nơi, các chính sách, chủ trương kết nối, kích cầu, ưu đãi giá tour du lịch chỉ mang tính mùa vụ ở giai đoạn thấp điểm, còn mùa cao điểm được điều chỉnh liên tục. Đã vậy, nhiều ưu đãi không đủ sức thu hút khách, dẫn đến việc khách trong nước vẫn chọn các tour nước ngoài.

Ở một số nước, việc ký cam kết duy trì ổn định, bền vững. Ở Việt Nam, hàng loạt chương trình kích cầu du lịch được quảng bá rộng rãi, nhiều ký kết hợp tác được triển khai, nhưng công tác hậu kiểm buông lỏng, dẫn đến hiệu quả chưa như mong muốn. Do vậy, rất cần sự hỗ trợ, hợp tác tích cực từ các bộ ngành, địa phương để doanh nghiệp du lịch phát triển ổn định, thực chất.

GIA HÂN ghi

Các tin khác