Tuy nhiên, theo ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), chúng ta vẫn chưa có những sản phẩm công nghiệp mang thương hiệu Việt Nam đủ lớn, đủ mạnh.
“Phát triển vẫn mất cân đối. Chúng ta phụ thuộc quá nhiều vào khu vực FDI”, ông Phạm Tuấn Anh đánh giá. Ngành công nghiệp nặng mặc dù sản xuất ra rất nhiều sản phẩm cơ bản cho nền kinh tế nhưng đóng góp cho nền kinh tế lại rất thấp. Bên cạnh đó, chúng ta đang có một nền sản xuất phụ thuộc vào các nguyên liệu nhập khẩu nên kém cạnh tranh, giá trị gia tăng không cao. Thời gian qua, chuyển dịch trong tái cơ cấu sản xuất công nghiệp ở nước ta chủ yếu nhờ khu vực FDI chứ không phải do các doanh nghiệp nội địa.
Ông Phạm Tuấn Anh cho rằng, hiện Việt Nam không có doanh nghiệp dẫn dắt. Chúng ta cũng đang triển khai những bước đi khá chậm so với thực tế mà các nước đang áp dụng trong hỗ trợ cho doanh nghiệp, tập đoàn lớn của họ.
Theo ông Bùi Văn Quỳ, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, do đứt gãy chuỗi cung ứng bởi dịch bệnh, các tập đoàn đa quốc gia đã phải nhìn nhận lại cách phát triển chuỗi cung ứng theo hướng rút ngắn chuỗi, tăng tỷ lệ nội địa hóa, tăng tỷ lệ thu mua trong nước và đa dạng hóa nhà cung ứng nhằm tránh rủi ro do đứt gãy chuỗi.
Do đó, để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, tránh bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam cần phải tiếp tục theo đuổi mục tiêu công nghiệp hóa, lấy công nghiệp chế biến, chế tạo làm trọng tâm, tập trung xây dựng một nền sản xuất tự chủ. Cần nhiều chính sách, cơ chế ưu đãi mới để “trợ lực” cho các doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực, trình độ khoa học và công nghệ, nguồn nhân lực cũng như thúc đẩy liên kết, tham gia mạng sản xuất toàn cầu.