Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 4/2023 (từ ngày 16/4 đến ngày 30/4/2023) đạt 26,78 tỷ USD, tăng 2,7% (tương ứng tăng 702 triệu USD) so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 4/2023.
Nhiều nhóm hàng tăng trưởng khả quan
Kết quả đạt được trong nửa cuối tháng 4/2023 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước trong 4 tháng/2023 đạt 206,76 tỷ USD, giảm 15,3% (tương ứng giảm 37,47 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 144,02 tỷ USD, giảm 15,1% (tương ứng giảm 25,68 tỷ USD); trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là 62,74 tỷ USD, giảm 15,8% (tương ứng giảm 11,79 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể về xuất khẩu, trong kỳ 2 tháng 4/2023 đạt 14,55 tỷ USD, tăng 9,9% (tương ứng tăng 1,3 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kỳ 1 tháng 4/2023. Trong đó, một số nhóm hàng có trị giá tăng mạnh, gồm: Sắt thép các loại tăng 310 triệu USD, (tương ứng tăng 123,2%); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác tăng 190 triệu USD (tương ứng tăng 12,1%); hàng dệt may tăng 184 triệu USD (tương ứng tăng 15,6%)...
Trị giá xuất khẩu của một số nhóm hàng lớn kỳ 2 tháng 4/2023 so với kỳ 1 tháng 4/2023. Nguồn: Tổng cục Hải quan.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 107,16 tỷ USD, giảm 13%, tương ứng giảm 16,08 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ 2 tháng 4/2023 đạt 10,45 tỷ USD, tăng 9,4% tương ứng tăng 898 triệu USD so với kỳ 1 của tháng, qua đó nâng tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa 4 tháng đầu năm 2023 của nhóm các doanh nghiệp FDI lên 79,1 tỷ USD, giảm 12,4% (tương ứng giảm 11,19 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, chiếm 73,8% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.
Từ chiều ngược lại, trị giá hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 4/2023 đạt 12,23 tỷ USD, giảm 4,8% (tương ứng giảm 613 triệu USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 4/2023.
Một số nhóm hàng có trị giá nhập khẩu trong kỳ 2 tháng 4/2023 giảm so với kỳ 1 trước đó là: điện thoại các loại và linh kiện giảm 140 triệu USD (tương ứng giảm 36,9%); máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện giảm 137 triệu USD (tương ứng giảm 4,4%); phế liệu sắt thép giảm 81 triệu USD, giảm 47,7%...
Trị giá nhập khẩu của một số nhóm hàng lớn kỳ 2 tháng 4 năm 2023so với kỳ 1 tháng 4 năm 2023. Nguồn: Tổng cục Hải quan.
Như vậy, tính chung 4 tháng đầu năm 2023, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 99,6 tỷ USD, giảm 17,7% (tương ứng giảm 21,38 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022.
Trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ 2 tháng 4/2023 đạt 7,86 tỷ USD, giảm 5% (tương ứng giảm 415 triệu USD) so với kỳ 1 tháng 4/2023. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2023, tổng trị giá nhập khẩu của nhóm các doanh nghiệp FDI đạt 64,92 tỷ USD, giảm 18,3% (tương ứng giảm 14,49 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, chiếm 65,2% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.
Với kết quả trên, trong kỳ 2 tháng 4/2023, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 2,33 tỷ USD. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 7,56 tỷ USD.
Quyết liệt đột phá vào các thị trường mới
Đánh giá về kết quả xuất khẩu hàng hóa 4 tháng đầu năm 2023, Bộ Công Thương cho biết xuất khẩu của Việt Nam suy giảm là do các nền kinh tế lớn là đối tác xuất khẩu của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU giảm chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ khiến khối lượng đơn đặt hàng giảm, trong khi đó các ngành sản xuất công nghiệp trong nước chủ yếu hướng vào xuất khẩu, phụ thuộc lớn vào thị trường toàn cầu do sản lượng sản xuất trong nước vượt xa nhu cầu của thị trường nội địa, đặc biệt là đối với các ngành hàng như dệt may, da - giày, điện tử… chỉ cung ứng cho nhu cầu nội địa 10% sản lượng, 90% sản lượng còn lại là để xuất khẩu.
Bên cạnh việc giảm lượng, so với cùng kỳ giá xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông sản (nhân điều, cà phê, hạt tiêu, cao su…) giảm; giá xuất khẩu dầu thô, sản phẩm xăng dầu, các loại quặng, phân bón, sắt thép cũng giảm đã tác động đến tốc độ tăng giá trị sản xuất và xuất khẩu hàng hóa nói chung.
Hơn nữa, việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu cùng chủng loại của Việt Nam. Trong khi đó, các doanh nghiệp của Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn do đơn hàng nước ngoài giảm, thị trường trong nước sức mua không lớn, chi phí đầu vào vẫn ở mức cao, không dễ dàng trong việc tiếp cận tín dụng…
Mặc khác, kinh tế thế giới vẫn tiếp tục khó khăn dù có dấu hiệu phục hồi nhưng chậm và không đồng đều ở các quốc gia, nhu cầu tiêu dùng vì thế cũng phục hồi chậm.
Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, trong thời gian tới vẫn có những dấu hiệu tích cực. Cụ thể: Một số khu vực kinh tế lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ tăng trưởng cao hơn dự báo; một số nền kinh tế đang nổi tại châu Á như Ấn Độ, ASEAN tăng trưởng khả quan.
Đồng thời, các chính sách kích cầu đầu tư công và hỗ trợ doanh nghiệp của nhà nước phát huy tác dụng trong việc phục hồi các hoạt động sản xuất; Chỉ số sản xuất công nghiệp xu hướng tăng dần qua các tháng; nhập khẩu nguyên phụ liệu có dấu hiệu tăng… là những yếu tố dự báo tình hình xuất khẩu trong thời gian tới sẽ khả quan hơn.
Tăng cường xúc tiến thương mại đến các thị trường mới tiềm năng như châu Phi, Trung Đông...
Để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, Bộ Công Thương sẽ tập trung đổi mới và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng như Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ La tinh, Đông Âu… và các thị trường ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát và tăng trưởng khả quan (ASEAN).
Cùng với đó, quyết liệt đột phá vào các thị trường mới, nơi có tầng lớp trung lưu gia tăng như các thị trường mới nổi E7 (Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Mêxico và Indonesia; thị trường Halal (Trung Đông, Malaysia, Brunay).
Đẩy mạnh khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Tạo thuận lợi hóa, tăng cường chuyển đổi số trong công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ C/O ưu đãi, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA. Đồng thời, thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, qua đó giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Ngoài ra, tiếp tục tổ chức các Hội nghị giao ban định kỳ hàng tháng giữa các cơ quan của Bộ, hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và các Bộ, ngành liên quan để kịp thời cập nhật cho doanh nghiệp, Hiệp hội về thông tin, nhu cầu, cũng như các quy định mới của thị trường. Đẩy mạnh phát triển xuất nhập khẩu thông qua hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới.