Tình trạng ùn tắc nông sản xuất khẩu tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc thường xuyên xảy ra
Để chuẩn bị cho phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên sáng nay, 16-3, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã gửi đến các vị ĐBQH kết quả giám sát về tình hình ùn tắc nông sản xuất khẩu tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, cửa khẩu Móng Cái tỉnh Quảng Ninh trong thời gian gần đây.
Thương nhân và nhà sản xuất đều thích… tiện
Theo báo cáo, thực tế một số mặt hàng không xuất khẩu được là do phía Trung Quốc áp dụng các biện pháp kỹ thuật đối với mặt hàng nhập khẩu chứ không hẳn là do áp dụng biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam không gặp khó khăn trong việc thông quan.
Phía Trung Quốc áp dụng biện pháp kỹ thuật khắt khe đối với mặt hàng nông sản từ Việt Nam như tiêu chuẩn kỹ thuật về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa, mẫu mã, xuất xứ, bao bì đóng gói… ảnh hưởng rất lớn đến việc xuất khẩu hàng nông sản của nước ta – báo cáo nêu nhận định.
Trong khi đó, sản xuất hàng nông sản tại Việt Nam chưa sát với nhu cầu thị trường xuất khẩu; chất lượng, bao gói sản phẩm còn chưa bảo đảm; vùng trồng chậm được đăng ký; công tác truy xuất nguồn gốc chưa được quan tâm thấu đáo... Vì vậy, nhiều sản phẩm chỉ xuất khẩu được sang Trung Quốc theo hình thức tiểu ngạch, không xuất khẩu được theo hình thức chính ngạch. Trong khi đó, Việt Nam vẫn đang nhập siêu từ Trung Quốc, nhưng lại chưa có chính sách đối ứng đối với hàng rào kỹ thuật áp dụng đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc (như về tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng, nhãn mác…), thiếu lái xe chuyên trách, không đủ xe trung chuyển đối với hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.
Việc Trung Quốc bắt buộc áp dụng Lệnh 248 và Lệnh 249 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022) đối với mặt hàng thực phẩm xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc là nhằm tăng cường áp dụng biện pháp kỹ thuật mạnh mẽ hơn so với thời gian trước. Đây là một trong những lý do khiến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc giảm; hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn hơn bởi những hàng rào kỹ thuật này.
Về chủ quan, phần lớn thương nhân phía Trung Quốc ưa thích giao thương dưới dạng tiểu ngạch để giảm các loại thuế, phí, phương thức thực hiện đơn giản. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, lựa chọn hình thức tiểu ngạch làm cho vấn đề ùn tắc hàng nông sản xảy ra hết lần này đến lần khác tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc.
Mới có 9 loại trái cây vào thị trường Trung Quốc
Đáng lưu ý, Việt Nam đã ký FTA với Trung Quốc, đàm phán về thuế nhập khẩu đã hoàn thành, nhiều nông sản đã được hưởng mức thuế nhập khẩu 0% khi xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, đàm phán về quản lý chất lượng hàng hóa còn chậm nên tới nay mới có 9 loại trái cây của ta được phép xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc…
Tất cả các loại trái cây còn lại chỉ có thể xuất khẩu sang Trung Quốc theo hình thức tiểu ngạch, chủ yếu thực hiện qua các cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam, một phần nhỏ qua cửa khẩu Hữu Nghị, Chi Ma.
Tại cặp cửa khẩu phụ Tân Thanh - Pò Chài (phía Trung Quốc gọi là cặp chợ biên giới), tuy hoạt động xuất khẩu trái cây những năm gần đây đã có nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực, áp dụng công nghệ trong trao đổi thông tin, giao dịch, nhưng vẫn chưa thực sự bài bản. Đàm phán về thủ tục kiểm dịch cũng chậm nên Trung Quốc liên tục tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn về kiểm dịch nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác, đồng thời kiểm soát chặt về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm hóa 100% đối với mặt hàng nông sản nhập khẩu từ Việt Nam (trong khi Thái Lan chỉ 30%), dẫn đến thời gian thông quan kéo dài, gia tăng ách tắc, nhất là khi vào chính vụ thu hoạch.
Trong số hàng hóa đang ùn tắc tại biên giới phía Bắc, lượng hàng chờ xuất khẩu theo hình thức tiểu ngạch lớn hơn nhiều so với lượng hàng chờ xuất khẩu theo hình thức chính ngạch qua cửa khẩu quốc tế.
Cơ quan của Quốc hội cũng chỉ rõ, sự phối hợp của một số địa phương có vùng trồng nông sản xuất khẩu chưa thực sự sâu sát, chưa quan tâm kịp thời, mặc dù Chính phủ, các bộ, ngành cùng các tỉnh biên giới phía Bắc, nhất là tỉnh Lạng Sơn, đã có nhiều văn bản khuyến cáo, cảnh báo, đề nghị cùng phối hợp điều tiết sản xuất và lưu chuyển hàng lên biên giới nhưng hiệu quả còn thấp, năm nào cũng xảy ra hiện tượng ùn tắc cục bộ tại cửa khẩu khi vào chính vụ thu hoạch nông sản.