Việt Nam vẫn có nhiều lợi thế
Nói về đơn hàng cho năm 2024, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty may mặc Dony cho biết, đã có đơn đến hết quý II cho các đối tác ở Mỹ, Trung Đông và một số nước trong khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Singapore và Campuchia. Đồng thời ngay từ ngày mùng 10 Tết, khi trở lại làm việc đã đàm phán thêm đơn hàng mới với đối tác.
Ngoài ra, ở thị trường nội địa, Dony cũng nhận được đơn hàng đồng phục từ một số tập đoàn lớn. Khá bận rộn ngay từ đầu năm, nhưng mùng 6 Tết ông Quang Anh đã có chuyến khởi hành đầu tiên đến Bangladesh (đối thủ lớn của ngành may Việt Nam), với mục tiêu đi để biết người biết ta.
Chia sẻ với ĐTTC, ông Quang Anh cho biết, năm 2023 nhiều thông tin cho rằng, trong khi ngành may Việt Nam thiếu đơn thì Bangladesh làm không hết việc. Đến tận nơi tìm hiểu không hẳn, cũng có những nhà máy ở đây thiếu đơn hàng. Nhưng có một thực tế là giá nhân công ở đây rẻ hơn Việt Nam khoảng 1/2.
Từ đó giá bán rẻ hơn Việt Nam từ 10-20%. Song họ lại có những bất ổn dễ gây lo ngại cho đối tác đặt hàng, như khi công nhân đình công ảnh hưởng lên mỗi nhà máy là không nhỏ, vì lượng công nhân rất lớn. Nếu so về điểm này Việt Nam lại có tính ổn định hơn.
Nhận xét về tình hình chung của ngành may, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM cho biết, thời điểm đầu năm tình hình của hầu hết các doanh nghiệp (DN) tương đối ổn định, và hy vọng những tín hiệu tốt hơn sẽ đến trong quý II tới.
Theo ông Hồng, sau một năm hạn chế chi tiêu, năm nay có thể người tiêu dùng tại nhiều quốc gia nhập khẩu lớn sẽ mở rộng “hầu bao” hơn. Ngoài ra với môi trường ổn định cũng có thể hỗ trợ DN Việt Nam có thêm đơn hàng. Số liệu thống kê tháng 1 cho thấy, dệt may tiếp tục nằm trong top những ngành hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD, và có mức tăng trưởng 28,6% so với cùng kỳ.
Không chỉ ngành may, ngay trong tháng 1 nhiều ngành hàng cũng đón tin vui xuất khẩu như gỗ. Theo đó, gỗ và sản phẩm gỗ là mặt hàng duy nhất trong nhóm ngành nông, lâm, thủy sản có kim ngạch vượt 1 tỷ USD. Tương tự, xuất khẩu thủy sản tháng 1 đạt 730 triệu USD, tăng 60,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý trong câu chuyện xuất khẩu tháng 1 là ngành rau quả, với mức tăng trưởng đột biến. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu rau quả tháng 1 đạt 459 triệu USD, tăng tới 89,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện giá sầu riêng, mặt hàng xuất khẩu chủ lực nhóm rau quả liên tục lập đỉnh. Chưa hết, ngay trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, cũng có hàng ngàn DN tấp nập xuất khẩu hàng hóa.
Thống kê sơ bộ cộng dồn từ ngày 1-1 đến hết ngày 14-2, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 82,56 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng thời gian năm 2023; trong đó, xuất khẩu hàng hóa đạt tổng trị giá gần 43,83 tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng thời gian năm 2023, và nhập khẩu hàng hóa đạt tổng trị giá 38,73 tỷ USD, tăng 12,4%. Như vậy, tính từ đầu năm 2024 đến hết ngày 14-2, cán cân thương mại của Việt Nam xuất siêu 5,1 tỷ USD.
Tạo đà cho đường chạy 2024
Chia sẻ về mục tiêu của ngành rau quả trong năm 2024, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, với bước khởi động ấn tượng đầu năm, toàn ngành kỳ vọng có thể về đích ở mức 6-6,5 tỷ USD, trong đó mặt hàng chủ lực là sầu riêng và thị trường chủ lực là Trung Quốc.
Cũng nằm trong nhóm ngành nông nghiệp, cà phê nhận nhiều tin vui về giá ngay từ đầu năm. Dự báo 2024 sẽ là năm thuận lợi cho xuất khẩu cà phê, kim ngạch có thể đạt từ 4,5-5 tỷ USD. Hầu hết các nhóm ngành đều có niềm tin về khả năng phục hồi trong năm nay. Từ đó có thể thấy việc hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng 6% cho xuất khẩu (tương đương đạt 377 tỷ USD) năm 2024 là khả thi.
Trong báo cáo mới đây, VinaCapital cũng đưa ra nhiều nhận định khả quan về xuất khẩu của Việt Nam. Theo phân tích của VinaCapital, do đặt quá nhiều hàng "made in Vietnam" giai đoạn Covid-19, các DN Mỹ đã phải cắt giảm đơn hàng năm ngoái nhằm giảm tồn kho.
Tuy nhiên, xu hướng này sắp kết thúc sau đợt giảm hàng tồn kho nhanh nhất trong hơn 10 năm. Vì vậy, các đơn đặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã tăng trở lại trong tháng 1-2024. VinaCapital kỳ vọng số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong các tháng tới, nhờ sự mạnh mẽ đáng kinh ngạc của kinh tế Mỹ, được thể hiện qua niềm tin của người tiêu dùng nước này đạt mức cao nhất kể từ sự bùng nổ sau khi mở cửa hậu dịch bệnh.
Tất nhiên trong niềm vui, hy vọng cho một năm mới thuận lợi thì các DN, hiệp hội cũng không thể không nhắc đến những thách thức có thể đối mặt trong thời gian tới. Đầu tiên phải kể đến là cước phí tàu biển tăng cao do căng thẳng tại Biển Đỏ đang ảnh hưởng tới một số nhóm ngành.
Rồi nhiều hãng tàu còn áp thêm phụ phí. Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam, đại diện DN xuất nhập khẩu mới đây cho hay, các hãng tàu tự ý tăng 10-20% phí xếp dỡ tại cảng, gây thêm khó khăn trong bối cảnh căng thẳng Biển Đỏ leo thang.
Ngoài mối lo chung về giá cước, phụ phí tàu biển, mỗi ngành hàng cũng có những mối lo khác nhau. Như thủy sản, cụ thể là ngành tôm, đang đối mặt với rào cản phòng vệ thương mại tại Mỹ.
Bà Kim Thu, chuyên gia thị trường tôm (thuộc Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam) cho biết, mới đây Hiệp hội Chế biến tôm Mỹ (ASPA) nộp đơn đề nghị điều tra thuế chống trợ cấp đối với tôm nhập khẩu, trong đó có Việt Nam. Chưa rõ kết quả thế nào, nhưng xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ sẽ bị ảnh hưởng trong nửa đầu năm 2024.
Hay mặt hàng gỗ và các sản phẩm gỗ cần hết sức lưu ý môi trường pháp lý của Mỹ, yêu cầu các sản phẩm gỗ nhập khẩu đảm bảo yếu tố bảo vệ môi trường, an toàn, doanh thu và thương mại công bằng. Điều này đòi hỏi các DN xuất khẩu gỗ Việt Nam phải tuân thủ các quy định về gỗ hợp pháp, đồng thời nhanh chóng thích ứng với những quy định mới.
Theo thống kê sơ bộ được Tổng cục Hải quan công bố ngày 20-2, trong dịp Tết Nguyên đán (tính từ ngày 8 đến 14-2), trên phạm vi toàn quốc có hơn 1.000 DN Việt Nam tham gia xuất nhập khẩu hàng hóa. Tổng trị giá hàng hóa xuất nhập khẩu của cả nước trong dịp này đã đạt mức ấn tượng 1,41 tỷ USD.