Chính sách tài khóa, nợ công hiệu quả, linh hoạt
Mới đây, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Standard&Poor’s Global Ratings (S&P) đã đưa ra báo cáo đánh giá về Việt Nam, trong đó, giữ nguyên hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam, và nâng triển vọng của Việt Nam từ Ổn định lên Tích cực. Theo đánh giá của S&P, tiếp theo mức tăng trưởng GDP năm 2020 thuộc nhóm cao nhất trên toàn cầu, đồng thời ghi nhận kết quả tài khóa, nợ công tiếp tục giữ vững tính hiệu quả và linh hoạt, góp phần hỗ trợ kiểm soát đại dịch.
Như vậy, kể từ khi đại dịch bùng phát đến nay, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được cả ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm gồm Moody’s, S&P và Fitch đồng loạt nâng triển vọng lên Tích cực.
Những kết quả này khẳng định sự đánh giá cao của các tổ chức xếp hạng đối với thành công của Chính phủ Việt Nam trong việc quyết tâm cao, điều hành quyết liệt để thực hiện “mục tiêu kép”: Vừa phục hồi và phát triển kinh tế, vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh.
Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, rõ ràng, trong bối cảnh dịch Covid-19 tàn phá nặng nề kinh tế thế giới, các tổ chức quốc tế vẫn đánh giá cao triển vọng tín nhiệm của Việt Nam là điều rất đáng mừng. Việc xếp hạng tín nhiệm này quan trọng với Việt Nam không chỉ trong giai đoạn trước mắt mà cả trong dài hạn để giúp Việt Nam thu hút được nhiều hơn các nguồn vốn đầu tư chất lượng với chi phí hợp lý.
“Bên cạnh nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ linh hoạt với nhiều cơ chế mở cùng mặt bằng lãi suất phù hợp, việc kiểm soát tốt lạm phát, kinh tế phục hồi và tăng trưởng tốt... là những yếu tố để kỳ vọng Việt Nam tiếp tục được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế nâng hạng, tạo tiền đề để đạt được những thành quả tốt hơn”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nhận định.
Vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro
Trong bối cảnh làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 đang diễn biến phức tạp, nhiều ý kiến đề nghị nên nới lỏng thêm chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc nới lỏng chính sách tiền tệ rất khó thực hiện trong bối cảnh áp lực lạm phát đang ngày càng lớn khi mà giá nhiều mặt hàng nguyên vật liệu như xăng dầu, sắt thép, thức ăn chăn nuôi… liên tục tăng giá trong thời gian gần đây.
TS. Võ Trí Thành, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, việc nới lỏng chính sách tiền tệ không chỉ tạo áp lực lên lạm phát mà còn gây hệ lụy rủi ro tài chính, ảnh hưởng đến sự an toàn hoạt động hệ thống ngân hàng và cả nền kinh tế.
“Bên cạnh hướng đến đạt mục tiêu kép, yếu tố quan trọng nhất là phải giữ được ổn định kinh tế vĩ mô. Do vậy, trong điều hành chính sách tiền tệ tiếp tục phải linh hoạt khéo léo, theo dõi chặt chẽ, bám sát diễn biến của nền kinh tế để đưa ra quyết định chính xác”, TS. Võ Trí Thành khuyến nghị.
TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh, muốn hồi phục nền kinh tế thì điều kiện tiên quyết là phải sớm khống chế được dịch bệnh. Thậm chí, có thể xem xét cân đối điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng thấp hơn một chút so với kỳ vọng nếu dịch bệnh còn diễn ra phức tạp để đảm bảo sự ổn định kinh tế vĩ mô.
Cùng quan điểm, PGS. TS. Tô Trung Thành, Khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, thời gian qua, Việt Nam đã có những phản ứng chính sách kinh tế nhanh chóng và phù hợp, nhờ đó, Việt Nam đã trở thành điểm sáng hiếm hoi của tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm qua. Tuy nhiên, do dư địa tiền tệ không có nhiều và càng trở nên hạn hẹp trong thời kỳ xảy ra đại dịch nên nền kinh tế luôn phải đối mặt với sức ép tiềm ẩn về lạm phát hoặc bong bóng tài sản.
“Những rủi ro này nếu xảy ra sẽ không chỉ làm gia tăng khoảng cách giàu – nghèo trong xã hội mà còn hướng nguồn lực của nền kinh tế rời xa các hoạt động sản xuất đem lại vật chất, đem lại sự thịnh vượng cho xã hội trong tương lai”, PGS. TS. Tô Trung Thành lo ngại.
Do đó, PGS. TS. Tô Trung Thành cho rằng, chính sách tiền tệ nới lỏng cần hết sức thận trọng về quy mô và thời gian kéo dài, đặc biệt là khi các hoạt động kinh tế sôi động trở lại cả trong nước và trên thế giới.
“Chính sách tài khóa cần phải chi tiêu đúng trọng tâm, tiết kiệm, hỗ trợ các đối tượng thực sự cần thiết. Ưu tiên cao nhất là hỗ trợ những người mất việc làm, kể cả khu vực chính thức và phi chính thức. Tiếp đến là các hỗ trợ về chi phí đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Đầu tư công chỉ nên tập trung và đẩy nhanh vào các dự án trọng điểm quốc gia đã có kế hoạch. Các dự án đầu tư không thiết yếu ở các địa phương cần được chấn chỉnh”, PGS. TS. Tô Trung Thành khuyến cáo.