Trao đổi với ĐTTC, ông ĐỖ VĂN SINH (ảnh), Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết những ghi nhận này là có cơ sở và căn cứ. Có thể thấy trong thời gian gần đây các doanh nghiệp (DN) đã cảm thấy hào hứng và sôi nổi hơn khi bàn về môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
PHÓNG VIÊN: - Theo ông, việc tăng hạng trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của WB, và WEF những năm gần đây đến từ những động lực cải cách nào?
Ông ĐỖ VĂN SINH: - Báo cáo môi trường kinh doanh năm 2018 được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ghi nhận Việt Nam đứng 68/190 nền kinh tế, tăng 14 bậc so với năm kế trước. Đồng thời, báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017-2018 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) cũng ghi nhận Việt Nam đứng thứ 55/137 nền kinh tế, tăng 5 bậc so với giai đoạn kế trước.
Điều này có được do việc ban hành liên tục các Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, những nỗ lực của Chính phủ trong việc loại bỏ các rào cản kinh doanh.
Bên cạnh đó, trong năm 2017 Thủ tướng đã giao Tổ công tác của Thủ tướng (Văn phòng Chính phủ) thực hiện 9 cuộc kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra chuyên ngành (KTCN) đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại 13 bộ quản lý chuyên ngành và 2 địa phương, cơ quan liên quan.
Thông qua hoạt động kiểm tra, đôn đốc của tổ công tác, hoạt động KTCN đã có những chuyển biến tích cực. Nhiều mã hàng thuộc diện phải KTCN đã được cắt giảm hoặc xóa bỏ trong năm 2017. Đáng chú ý, Bộ Công Thương đã xóa bỏ 420/720 mã hàng phải kiểm tra trước thông quan, công bố danh mục sản phẩm hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra việc bảo đảm chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật và an toàn thực phẩm trước khi thông quan.
Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn đã đề xuất bãi bỏ, đơn giản hóa 287 thủ tục hành chính về KTCN (chiếm 56,5% tổng số thủ tục KTCN), cắt giảm 5 loại hàng hóa ra khỏi danh mục hàng hóa phải KTCN (chiếm 23,8% tổng loại hàng hóa), cắt giảm 4 nhóm hàng hóa phải kiểm dịch sản phẩm động vật trên cạn và 9 nhóm hàng phải kiểm dịch thủy sản. Bộ Thông tin -Truyền thông cắt giảm 51 thủ tục, điều kiện kinh doanh (chiếm 16% tổng số thủ tục) gây khó khăn, phiền hà cho DN.
Với sự nỗ lực của các bộ, ngành, Chính phủ đã ban hành nghị định bãi bỏ 675 điều kiện kinh doanh vô lý. Các bộ Công Thương, Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cũng đề nghị bãi bỏ hàng loạt điều kiện kinh doanh trong ngành, và đơn giản hóa phần lớn các điều kiện kinh doanh còn lại. Bên cạnh đó, ngành xây dựng cũng đề xuất bãi bỏ 5 ngành nghề không thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhưng được quy định tại các nghị định do Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo.
- Những con số thống kê về cải thiện môi trường kinh doanh nói trên có nói hết sự thật khi vẫn còn quá khó để đong đếm tác động của cải cách tới hoạt động DN, đặc biệt là DNNVV. Chẳng hạn, thuế, phí của Việt Nam đang chiếm tới 38,1% trong tổng số lợi nhuận của DN?
- Thực tế thuế thu nhập DN của Việt Nam không phải quá cao. Tại Hoa Kỳ là 35%, trong khi Việt Nam cao nhất 20%, một số ngành hàng còn giảm xuống 17%. Thậm chí, một số lĩnh vực để khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài vào sẽ còn giảm tiếp. Nhưng ta cũng phải nhìn nhận một vấn đề, mặc dù cải cách thủ tục hành chính đã có những đột phá nhất định, nhưng so với nguyện vọng của cộng đồng DN và người dân vẫn chưa được thỏa mãn và vẫn muốn Chính phủ cần phải làm quyết liệt hơn nữa trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh của ta đã thực sự bền vững hay chưa vẫn còn phải được mổ xẻ một cách chi tiết. Đơn cử, trong năm 2017 đã có hơn 120.000 DN được thành lập mới, nhưng trong đó có trên 50% DN dừng hoạt động hoặc phá sản. Việc này do nhiều nguyên nhân, như thành lập ra nhưng không đủ năng lực để hoạt động, toàn bộ DN đang hoạt động hiện nay chỉ 43% DN có lãi, còn lại là hòa vốn hay thua lỗ.
- Khi nhìn vào các chỉ số đánh giá của WB, 2 chỉ số cơ bản về khởi sự kinh doanh (Starting Business) và thủ tục phá sản (Resolving Insolvency), Việt Nam đang ở thứ hạng chưa tốt, thưa ông?
- Với thứ hạng 68/190, môi trường kinh doanh 2017 của Việt Nam đã tăng 14 bậc so với năm 2017 do thực hiện nhiều cải cách. Theo WB, trong thời gian 1 năm qua, Việt Nam đã thực hiện được 5 cuộc cải cách. Việt Nam và Indonesia là 2 nước thực hiện nhiều cải cách nhất trong 15 năm qua, trong đó mỗi nước cùng có 39 cải cách. Cụ thể, doanh nhân tại TPHCM chỉ mất 22 ngày và 6,5% thu nhập đầu người để đăng ký thành lập DN mới, so với 61 ngày và 31,9% năm 2003.
Còn chỉ số khởi sự kinh doanh, và chỉ số đánh giá thủ tục phá sản DN Việt Nam đang đứng thứ hạng thấp bởi các DN đang còn có những nghĩa vụ và trách nhiệm chưa hoàn thành, như thuế chưa nộp hết cho Nhà nước thì không thể cho phép phá sản. Câu chuyện muốn chết cũng khó nhìn từ bên ngoài rất đơn giản, còn nếu đi vào cụ thể mới thấy hết bản chất bên trong của nó.
- Vậy Việt Nam cần làm gì để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi tối đa cho DN đầu tư, kinh doanh?
- Khi môi trường kinh doanh đã được cải thiện, để DN có thể vươn lên còn phụ thuộc vào 2 yếu tố. Thứ nhất, khi Chính phủ cùng các cơ quan ban ngành, địa phương đã tạo điều kiện thông thoáng và cởi mở, bản thân mỗi DN phải có năng lực thực sự về quản trị và vốn, chọn những ngành nghề, lĩnh vực mình có thế mạnh.
Thứ hai, Chính phủ quyết liệt trong cải cách môi trường kinh doanh, “mở bung” tất cả cơ chế cho DN tự do hoạt động kinh doanh, mỗi DN cũng phải kinh doanh theo pháp luật, đóng thuế, phí, bảo vệ môi trường. Đây là trách nhiệm và nghĩa vụ của DN.
Để duy trì đà cải cách, Chính phủ cần sớm ban hành Nghị quyết 19/2018 theo hướng tiếp tục sử dụng các chuẩn mực toàn cầu của nền kinh tế thị trường để thiết kế chính sách, đo lường và giám sát hiệu quả của cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Tiếp tục định hướng xây dựng thị trường cạnh tranh, công bằng, lấy đó làm động lực thúc đẩy gia tăng hiệu quả nguồn lực, giảm chi phí cho DN. |