Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: QUANG PHÚC
PHÓNG VIÊN: - Thưa Bộ trưởng, doanh nhân có vai trò gì và đã có những đóng góp thế nào cho nền kinh tế, cho đất nước, nhất là giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 vừa qua?
Bộ trưởng NGUYỄN CHÍ DŨNG: - Trong những năm qua, các doanh nghiệp đã đầu tư một lượng vốn lớn trong tổng đầu tư toàn xã hội; đóng góp tích cực vào tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước, kim ngạch xuất khẩu; là mắt xích quan trọng trong mạng lưới sản xuất, chuỗi liên kết giá trị và lực lượng nòng cốt trong việc tạo ra của cải vật chất xã hội, đóng góp ngân sách nhà nước, tạo việc làm, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định xã hội.
Đặc biệt, trong những thời điểm gian nguy như đại dịch Covid-19 vừa qua, các doanh nhân đã thể hiện mình là những chiến sĩ trên mặt trận kinh tế, kiên cường đồng hành cùng đất nước vượt qua những giai đoạn khó khăn.
Doanh nhân cần có tinh thần đổi mới sáng tạo quyết liệt hơn nữa, đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp. |
Khi dịch bệnh căng thẳng, doanh nhân không chỉ chủ động có những giải pháp linh hoạt tự thích ứng, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ nhau trong sản xuất, còn có nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ người dân, cộng đồng, đóng góp hàng ngàn tỷ đồng vào Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 và mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế cho các địa phương, thể hiện tinh thần trách nhiệm, nghĩa cử cao đẹp đối với đất nước. Nhiều sáng kiến được triển khai như ATM gạo, ATM oxy, bữa cơm miễn phí, siêu thị 0 đồng…
Nhiều doanh nhân cho biết dịch bệnh là cơ hội để họ đánh giá lại năng lực quản trị, khả năng ứng phó với những biến động thị trường, quyết tâm thực hiện chuyển đổi số, cơ cấu lại các nguồn lực, để có thể phát triển theo hướng bền vững hơn. Điều đó đã thể hiện rõ tinh thần dân tộc, tinh thần vượt khó, tự lực tự cường, văn hóa kinh doanh và trách nhiệm với cộng đồng, xã hội của các doanh nhân.
Sản xuất tại Tổng công ty May 10.
- Gần đây, đã có những doanh nhân làm ăn không chân chính phải chịu trách nhiệm pháp luật. Theo Bộ trưởng, vậy yêu cầu về những doanh nhân chân chính để lãnh đạo, dẫn dắt doanh nghiệp phát triển vững mạnh, nhanh chóng lớn mạnh là gì?
- Đội ngũ doanh nhân Việt Nam là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trong thời kỳ mới. Đảng và Nhà nước luôn coi trọng vai trò của đội ngũ doanh nhân, khẳng định: “Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ và trình độ quản trị, kinh doanh giỏi” (Văn kiện Đại hội XIII của Đảng).
Từ quan điểm trên của Đảng về việc phát triển đội ngũ doanh nhân, chúng ta có thể hiểu, doanh nhân chân chính cần đáp ứng yêu cầu của xã hội, của đất nước trong bối cảnh mới. Trước hết, người doanh nhân chân chính cần tuân thủ pháp luật, có trí tuệ, năng lực tốt, có tri thức mới về quản trị, kinh doanh trong điều kiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế; có tinh thần thượng tôn pháp luật…
Thứ hai, doanh nhân chân phải là người đặt đạo đức kinh doanh lên hàng đầu, đáp ứng chuẩn mực mới về văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh phù hợp với chuẩn mực xã hội và nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, thời kỳ hội nhập. Trong đó, doanh nhân là người không những có ý chí khát vọng vươn lên làm giàu cho bản thân và đất nước, mà còn có lòng tự tôn dân tộc, tính trung thực, đạo đức tiến bộ, năng lực quản lý hiện đại nhằm giải quyết hài hòa quan hệ giữa lợi ích cá nhân, lợi ích doanh nghiệp, lợi ích Nhà nước và xã hội.
Thứ ba, doanh nhân chân chính cũng cần có tinh thần dân tộc cao, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội. Những doanh nhân chân chính không chỉ có khát vọng làm giàu cho cá nhân, gia đình mà là khát vọng phát triển đất nước, dân tộc cường thịnh.
Tóm lại, các doanh nhân chân chính muốn phát triển doanh nghiệp bền vững phải luôn tuân thủ không chỉ quy định phạm pháp luật, những chuẩn mực văn hóa kinh doanh, đạo đức kinh doanh mà còn phải quan tâm xây dựng môi trường lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, góp phần phát triển cộng đồng.
Sản xuất tại CTCP nhựa An Phát.
- Mục tiêu và khát vọng phát triển của chúng ta là đến năm 2025 trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình. Bộ trưởng kỳ vọng gì ở đội ngũ doanh nhân Việt Nam?
- Công cuộc đổi mới ở nước ta đang bước vào giai đoạn mới trong bối cảnh tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Đội ngũ doanh nhân là đại diện cho sức sản xuất mới trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Phát triển đội ngũ doanh nhân là bước đột phá góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đẩy lùi nguy cơ tụt hậu, nâng cao vị thế của Việt Nam trong thời kỳ mới. Đội ngũ doanh nhân không ngừng lớn mạnh, phát triển, đã và đang trở thành lực lượng xung kích trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Trong thời gian tới, tôi kỳ vọng các doanh nhân tiếp tục thể hiện rõ nét khát vọng vươn lên, dám nghĩ dàm làm, chấp nhận mọi thách thức để có thể bắt kịp xu hướng hội nhập, quyết tâm đổi mới và nâng tầm doanh nghiệp; chủ động nắm bắt, tận dụng từng cơ hội nhỏ nhất, đồng thời có các phương án thích ứng với những biến động trong tương lai; chú trọng nâng cao giá trị thương hiệu, đạo đức kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp gắn với trách nhiệm xã hội; tái cấu trúc doanh nghiệp tạo chuẩn giá trị mới…
- Xin cảm ơn Bộ trưởng.