Cần động lực cho mục tiêu tăng trưởng tính bằng thập niên

(ĐTTCO) - Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã ban hành nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 với mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 6-6,5% và GDP bình quân đầu người đạt 4.700-4.730USD.

Cần động lực cho mục tiêu tăng trưởng tính bằng thập niên

Mục tiêu tuy khó nhưng có thể đạt được, song quan trọng là chất lượng của mục tiêu cho những năm sau đó.

Cần một động lực cho mục tiêu tăng trưởng

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu chưa phục hồi rõ nét và nền kinh tế vẫn có nhiều khó khăn nội tại, tăng trưởng 6-6,5% trong năm 2024 không phải là một mục tiêu dễ dàng. Nhưng đây là mục tiêu quan trọng, có ý nghĩa tạo nền tảng để GDP bình quân đầu người của Việt Nam có cơ hội vượt qua được ngưỡng 5.000USD vào cuối năm 2025, trước khi bắt đầu bước sang giai đoạn kế hoạch 2026-2030.

Mục tiêu tăng trưởng này tuy đầy thách thức nhưng vẫn khả thi. Đó là được hỗ trợ bởi những động lực tăng trưởng như sự phục hồi trở lại của các thị trường quan trọng cho hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và ASEAN.

Tiêu dùng trong nước được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực. Niềm tin của các nhà đầu tư được củng cố, thể hiện qua số vốn đầu tư FDI và vốn đầu tư tư nhân trong nước tiếp tục gia tăng. Đặc biệt, sự ổn định kinh tế vĩ mô đã tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư và tăng trưởng.

Thực ra để tránh được bẫy thu nhập trung bình và trở thành một nước công nghiệp hóa, thu nhập cao, Việt Nam cần duy trì được tốc độ tăng trưởng cao trong nhiều năm, thậm chí trong nhiều thập niên sắp tới. Do vậy chất lượng tăng trưởng và tính bền vững của tốc độ tăng trưởng cao, mới thực sự là nội dung cần được quan tâm và ưu tiên đặc biệt.

z-b-5287-6179.jpg

Vì thế, mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2024 cũng chỉ là một mục tiêu có tính định lượng. Quan trọng hơn đó là các bước chuẩn bị ngay từ bây giờ để Việt Nam chuyển dịch nhanh hơn sang một mô hình tăng trưởng dựa trên tri thức, công nghệ, đổi mới sáng tạo với năng suất lao động cao hơn, và bền vững về xã hội, môi trường và sinh thái.

Tăng trưởng nhưng cùng với nó là xây dựng các nền tảng cho sự phát triển bền vững, liên tục trong giai đoạn kế hoạch 5 năm 2026-2030, và xa hơn là trong vòng 2-3 thập niên sắp tới. Những nền móng đó đang được hình thành, nhưng cần được củng cố bằng các biện pháp và hành động cụ thể trong năm 2024 và liên tục trong những năm tiếp theo.

Cần chất lượng hơn cho những năm tới

Ngoài mục tiêu tăng trưởng, kỳ vọng năm 2024 sẽ chứng kiến những thay đổi tích cực về năng suất lao động, về sự gia tăng mạnh mẽ hơn của đầu tư tư nhân trong nước, đặc biệt là trong những ngành công nghệ cao, công nghiệp trọng điểm.

Những cải cách đột phá nhằm nâng cấp mạnh mẽ hơn nữa môi trường kinh doanh và đầu tư, những bước chuyển mạnh mẽ hơn nữa về cơ chế nhằm khơi thông nguồn lực trong nước, thu hút đầu tư tư nhân; phát huy trí tuệ, tri thức, kỹ năng, nguồn lực trong nước cho các dự án, công trình trọng điểm của đất nước như tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội, TPHCM, các công trình sân bay, cảng biển, các khu công nghệ cao...

Hy vọng năm 2024 sẽ mang lại những kết quả cụ thể, thực chất và rõ nét về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng thể chế và môi trường kinh doanh.

Những bước chuyển này có ý nghĩa không kém phần quan trọng so với mục tiêu về tăng trưởng GDP, vì nó sẽ là cơ sở đảm bảo cho mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững trong khoảng thời gian đủ dài, để Việt Nam có thể vượt qua bẫy thu nhập trung bình, gia nhập nhóm các nền kinh tế dựa trên đổi mới, sáng tạo, có thu nhập cao, đồng thời nâng cao tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế.

Mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2024 nhiều thách thức. Nhưng các nỗ lực nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng phải đảm bảo được chất lượng tăng trưởng, và không làm phương hại đến tính bền vững hay nền tảng tăng trưởng trong tương lai.

Các vấn đề như ổn định kinh tế vĩ mô, sự an toàn của hệ thống tài chính ngân hàng, tính hiệu quả kinh tế và chất lượng của các công trình được xây dựng bằng nguồn vốn đầu tư công, chất lượng của nguồn vốn đầu tư FDI, các nguyên tắc vận hành lành mạnh của cơ chế thị trường, năng lực cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp, các tiêu chuẩn về xã hội, môi trường vẫn là các nguyên tắc bất biến, không thể được đánh đổi trong các nỗ lực nhằm đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng.

Quyết tâm đạt được mục tiêu tăng trưởng, nhưng nhất thiết phải tránh đưa nguồn lực bằng mọi giá vào các dự án đầu tư không hiệu quả về kinh tế, xã hội, để lại hậu quả là những cây cầu không đường dẫn, những công trình hạ tầng dở dang kéo dài đến cả thập niên; các vỉa hè mỗi năm lại được lật lên lát lại một lần; các khu nghỉ dưỡng ngàn tỷ không có khách thuê; hay các nhà máy, cơ sở công nghiệp, dự án đầu tư gây ô nhiễm, tàn phá môi trường, gây bức xúc cho xã hội; những khoản nợ xấu mất nhiều năm mới có thể xử lý.

Đẩy mạnh nguồn lực vào nền kinh tế theo cách thức như vậy, có thể mang lại con số thống kê về tốc tăng trưởng như mong muốn trong 1-2 năm, nhưng có nguy cơ kéo lùi tăng trưởng trong trung và dài hạn.

Tăng trưởng cũng là để phục vụ người dân, người lao động. Do vậy mục tiêu tăng trưởng cần được đi kèm với các chỉ số cho thấy cuộc sống của người dân thực sự tốt hơn, cơ hội việc làm, thu nhập bình quân, thu nhập khả dụng gia tăng; việc tiếp cận tới các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục hay nhà ở được cải thiện rõ rệt trên mọi vùng miền của cả nước.

Môi trường sống được nâng cao hay khả năng tiếp cận các dịch vụ công ngày một thuận tiện, cũng là những chỉ dấu quan trọng về chất lượng tăng trưởng.

Vì những lẽ đó, mọi sự chú ý về phát triển trong năm 2024 không nên chỉ dành cho con số mục tiêu tăng trưởng 6-6,5%. Năm 2024 và 2025 là hai năm cuối trước khi nền kinh tế bước sang một giai đoạn kế hoạch mới, với những mục tiêu và định hướng nhiều tham vọng hơn.

Do vậy ngay từ bây giờ, những bước chuẩn bị, chuyển tiếp để nền kinh tế tiếp tục chuyển dịch cơ cấu, duy trì tốc độ tăng trưởng cao, bền vững trong thời gian dài, với sự tham gia mạnh mẽ hơn của các doanh nghiệp trong nước, nâng cao tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế… cần phải được đẩy mạnh.

Các tin khác